Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Chủ nhật, 13/11/2022 04:11
TMO - Thời gian gần đây, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Bến Tre xảy ra sạt lở nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của hàng nghìn hộ dân. Trước tình trạng này, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các địa phương khẩn trương khắc phục, chủ động các phương án ứng phó với tình trạng sạt lở đảm bảo an toàn cho sinh hoạt và sản xuất của người dân trên địa bàn.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre cho biết, mới đây khu vực cồn Phú Đa (xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách) vừa xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng. Khu vực sạt lở tại đê bao cồn Phú Đa (thuộc Tổ 15, ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình) làm sụp mất hoàn toàn đoạn đê khoảng 70m và kè rọ đá bảo vệ đê ở phía giáp sông Cổ Chiên. Vụ sạt lở gây ngập 2 căn nhà và khoảng 2ha cây ăn trái của người dân. Theo đánh giá sơ bộ của chính quyền địa phương, nguyên nhân do lòng sông sâu, kết hợp tác động của dòng chảy tạo hố xoáy gây sạt lở.
Sạt lở khu vực cồn Phú Đa làm sụp mất hoàn toàn đoạn đê khoảng 70m và kè rọ đá bảo vệ đê. Ảnh: Minh Đảm
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã đến hiện trường, huy động lực lượng tại chỗ để hỗ trợ 2 hộ dân có nhà ở bị ngập di dời đồ đạc, vật dụng,... để hạn chế thiệt hại. Đồng thời, địa phương thực hiện cắm biển cảnh báo, khoanh vùng khu vực sạt lở để tránh xảy ra tai nạn; khẩn trương tổ chức gia cố, chống tràn, sớm cắt nước tại vị trí xảy ra sạt lở để bảo đảm an toàn cho tuyến đê dự phòng phía trong nhằm hạn chế thiệt hại về tài sản cũng như giảm thiểu ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái của người dân; duy trì lực lượng, phương tiện, túc trực tại khu vực sạt lở để kịp thời ứng cứu khi tiếp tục xảy ra sạt lở.
Thông tin từ UBND huyện Bình Đại cho biết, gần đây một đoạn đê bao ven sông Tiền bị sạt lở nghiêm trọng. Theo đó, đoạn đê sạt lở (thuộc địa bàn xã Định Trung, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) có chiều dài khoảng 150m, một số vị trí bị sạt lở sâu vào đất liền khoảng 6m, làm mất toàn bộ phần chân đê nên không thể lưu thông được. Nguyên nhân xác định do vào mùa mưa nền đất yếu kết hợp triều cường dâng cao, gió thổi mạnh, sóng ập vào gây sạt lở đê. Nếu không sớm có giải pháp khắc phục sạt lở đoạn đê này có nguy cơ trôi xuống sông gây thiệt hại lớn về đất sản xuất của người dân ở phía trong.
UBND tỉnh Bến Tre cho biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh diễn ra ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến sản xuất và đời sống của người dân sống. Toàn tỉnh hiện có hơn 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài trên 138 km. Trong đó: Sạt lở bờ sông 104 điểm: tổng chiều dài khoảng 118,2 km gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân. Sạt lở bờ biển 08 điểm: tổng chiều dài khoảng 19,4 km, mức độ xâm thực bờ biển đang diễn ra mạnh mẽ, trung bình hàng năm bờ biển lấn sâu và trong đất liền khoảng từ 10-15 m làm mất trên 120 ha đất và khoảng 100 ha rừng phòng hộ ven biển.
Những khu vực đã và đang diễn biến sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh như: Sạt lở bờ biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; sạt lở bờ sông Mỏ Cày; sạt lở khu vực các cồn: cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại; cồn Phú Đa, huyện Chợ Lách; cồn Thành Long, huyện Mỏ Cày Nam... Hiện tại, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh vẫn đang tiếp diễn và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn.
Đoạn đê ven sông Tiền bị sạt lở nghiêm trọng.
Trước tình hình trên thời gian qua, các ngành, địa phương đã tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; tăng cường thông tin, cảnh báo các khu vực đã, đang và có nguy cơ sạt lở; thực hiện Chương trình bố trí dân cư, hỗ trợ di dời dân đến nơi an toàn. Triển khai thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, kịp thời huy động lực lượng, phương tiện, vật tư,... để xử lý, gia cố tạm thời nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra.
Đồng thời, huy động các nguồn lực triển khai đầu tư xây dựng các công trình chống sạt lở trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua như: Kè chống sạt lở cồn Phú Đa - Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách. Kè giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực Cồn Ngoài, Cồn Nhàn xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri; kè giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực Cồn Bửng, xã Thạnh Phong và công trình chống xói lở bờ biển khu vực Cồn Lợi, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Công trình kè chống xói lở bờ sông Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam; công trình gia cố chống sạt lở bờ sông khu vực xã Mỹ Thạnh An và xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre...
Nhằm thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển trong thời gian tới, UBND tỉnh xác định các lực lượng cần thực hiện đồng bộ cả các giải pháp phi công trình và công trình. Trong đó, cần tập trung thực hiện một số giải pháp như rà soát các điểm sạt lở tại địa phương, thực hiện việc đánh giá phân loại mức độ sạt lở (sạt lở đặc biệt nguy hiểm, sạt lở nguy hiểm và sạt lở bình thường) để làm cơ sở sắp xếp thứ tự ưu tiên xử lý; đồng thời khi xảy ra sạt lở phải ưu tiên việc tổ chức di dời người, tài sản để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Chỉ đạo thực hiện các biện pháp xử lý sạt lở theo Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển của Thủ tướng Chính phủ.
Hoàng Trung
Bình luận