Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Chủ nhật, 09/04/2023 07:04
TMO - Trước diễn biến của tình hình thời tiết, đặc biệt là các loại hình thiên tai khắc nghiệt như mưa lũ, sạt lở... tỉnh Lào Cai đã chủ động rà soát hạ tầng các công trình phòng chống thiên tai, đề nghị các địa phương nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Lào Cai là một trong những tỉnh miền núi có địa hình đa dạng với nhiều đồi núi, sông suối. Những năm gần, đây tình trạng biến đổi khí hậu khiến tỉnh Lào Cai gặp nhiều loại hình thiên tai như: sạt lở đất, lũ lụt và sụt lún đất… gây thiệt hại về người và tài sản. Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác Phòng chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2022, trên địa bàn tỉnh Lào Cai xảy ra 27 đợt thiên tai (5 đợt rét đậm, rét hại và 22 đợt mưa lớn). Ước tổng giá trị thiệt hại về kinh tế gần 126 tỷ đồng.
Thiên tai đã làm 4 người chết; 2 người mất tích; 3 người bị thương; 1.673 nhà ở bị thiệt hại và ảnh hưởng; 675 nhà ngập nước; hư hỏng 191 công trình phụ. Riêng sản xuất nông nghiệp, trong năm 2022, đã có tổng số 1.020,2 ha bị thiệt hại (gồm lúa, mạ, hoa màu, rau màu, cây công nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả, rừng, nuôi trồng thủy sản); 4.401 con gia súc, gia cầm bị chết; 21,4 tấn lương thực bị cuốn trôi, hư hỏng. Về cơ sở hạ tầng, thiên tai khiến 18 điểm trường, 3 cơ sở y tế, 10 nhà văn hoá thôn bản, 60m kè bê tông, 84 công trình thuỷ lợi, 8 công trình nước sạch nông thôn bị hư hỏng…
Mưa lớn gây ra lũ quét là một trong những thiên tai gây hậu quả nghiêm trọng tại tỉnh Lào Cai. Ảnh: BND.
Trong năm 2022, tỉnh đã thực hiện 9 cuộc tìm kiếm cứu nạn với tổng số 2.052 lượt người tham gia; tìm thấy 12 nạn nhân tại huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai; hỗ trợ 2 người bị thương nặng 3,6 triệu đồng/người; 4 người bị chết do thiên tai đã hỗ trợ 18 triệu đồng/người; hỗ trợ 10 người bị chết do đuối nước 257 triệu đồng. Đồng thời thực hiện khắc phục, sửa chữa nhà ở, sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng cơ bản bảo đảm ổn định cuộc sống người dân, duy trì sản xuất và thực hiện các hoạt động khác. Tỉnh cũng bố trí lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, hỗ trợ, đầu tư khắc phục hậu quả tái thiết sau thiên tai 93 dự án, công trình với kinh phí hơn 139,3 tỷ đồng.
Năm 2022 tổng thu Quỹ Phòng chống thiên tai của tỉnh Lào Cai đạt 32,6 tỷ đồng, trong đó có 19,1 tỷ đồng chuyển tồn quỹ năm 2021. Thu trong năm được 13,5 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch. Trong năm, Quỹ chi 19,2 tỷ đồng hỗ trợ khắc phục hậu quả do thiên tai và các hoạt động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng, Thuỷ văn Lào Cai, trong năm 2023 thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường, cực đoan với tần xuất và cường độ ngày càng nghiêm trọng hơn như: rét hại, mưa lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nắng nóng, hạn hán,... Để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai gây ra trong năm 2023 UBND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: Công tác phòng chống thiên tai cực kỳ cần thiết và quan trọng. Các Sở, ngành, địa phương, cơ quan liên quan cần xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác PCTT và TKCN, lấy phòng là chính, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” ở cơ sở… để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Lực lượng chức năng tại các địa phương chủ động phương án ứng phó, hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho người dân khi xảy ra thiên tai.
Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như sắp xếp bố trí dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm; công tác chuẩn bị cho việc diễn tập ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện tại các huyện Mường Khương, Bảo Yên; lắp đặt các trang thiết bị dự báo PCTT; khó khăn trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng tại khu vực giáp ranh giữa các huyện; thiếu cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện công tác PCTT và TKCN tại địa phương; khó khăn trong thu Quỹ PCTT của các công ty, doanh nghiệp…
UBND tỉnh đề nghị các cấp, ngành, địa phương phải có những giải pháp tích cực, chủ động trong triển khai thực hiện công tác PCTT. Đồng thời, thực hiện tốt các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác này. Đặc biệt, phải xác định công tác PCTT là nhiệm vụ trọng tâm, lấy phòng ngừa làm chính. Địa phương nào không thực hiện tốt nội dung này, để xảy ra thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Thực hiện thường xuyên, liên tục, sâu rộng thông tin, tuyên truyền về công tác PCTT và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng bằng những hình thức phù hợp.
Thời gian tới, tiếp tục kiện toàn, phân công công việc cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp nhằm đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao. Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực hoạt động của cán bộ cấp xã, thôn bản, đội xung kích PCTT cấp xã để phòng ngừa, ứng phó với thiên tai ngay từ đầu. Huy động mọi nguồn lực, bố trí nguồn ngân sách, Quỹ PCTT và các nguồn lực khác, nhất là từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai. Xây dựng kế hoạch thu, nộp Quỹ PCTT năm 2023 theo quy định.
Nguyễn Nga
Bình luận