Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 23:11
Thứ sáu, 05/05/2023 08:05
TMO - Trước dự báo về tình hình thiên tai năm 2023, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho rằng, cần xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, trong năm 2022, công tác phòng ngừa thiên tai đã được triển khai đồng bộ cụ thể, đã hoàn thiện Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức nghiên cứu, rà soát, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai văn bản quy phạm pháp luật đi vào cuộc sống như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Nghị định số 66/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều,…
Về chiến lược, kế hoạch và phương án ứng phó thiên tai, đến nay đã có 57/63 tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025; 60/63 tỉnh, thành phố đã ban hành phương án ứng phó thiên tai. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm bố trí tăng kinh phí nâng cấp, sửa chữa, nhất là đối với hệ thống đê điều, hồ đập góp phần đảm bảo an toàn cho 242 vị trí trọng điểm đê, kè từ cấp III đến cấp đặc biệt và gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn, không để xảy ra sự cố. Theo báo cáo của các địa phương, trong năm 2022, đã bố trí 3.268 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để đầu tư công trình phòng, chống thiên tai; tổ chức thu Quỹ phòng, chống thiên tai luỹ kế đạt 5.231 tỷ đồng và chi 3.284 tỷ đồng cho các hoạt động phòng, chống thiên tai.
Trong năm 2022, ở nước ta, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần), ghi nhận 1.072 trận thiên tai. Thiên tai năm 2022 đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021). Trong năm 2023, tính từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước đã xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển.
Trước diễn biến bất thường, khắc nghiệt của thiên tai việc chủ động các giải pháp ứng phó góp phần phòng ngừa rủi ro thiên tai.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong năm 2023, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta có khả năng ở mức trung bình nhiều năm (11-13 cơn trên biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền). Bão hoạt động nhiều hơn từ tháng 8-10/2023 và giảm dần từ tháng 11/2023.
Về mưa lũ, ngập lụt, dự báo đỉnh lũ các sông ở Bắc Bộ ở mức báo động 1-2, riêng các sông suối nhỏ từ báo động 2-3, tập trung trong các tháng 7-9; đỉnh lũ các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Bình Thuận ở mức báo động 1-2, có sông trên báo động 2. Các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và Tây Nguyên ở mức báo động 2-3, có sông trên báo động 3 (ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm và năm 2022). Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc và miền Trung.
Nhằm ứng phó với diễn biến của thiên tai trong thời gian tới, theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, cần tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật nhằm tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu cũng như người dân, cộng đồng; xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Huy động cộng đồng tham gia phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng được các địa phương triển khai.
Tổ chức thực hiện đồng bộ các nội dung Chiến lược, Kế hoạch, Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia và Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030. Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đáp ứng thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.
Triển khai tốt việc bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc đầu tư xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành, sử dụng công trình phòng, chống thiên tai và các công trình cơ sở hạ tầng. Hoàn thiện quy hoạch phòng, chống thiên tai, thủy lợi, thủy điện nhằm tăng cường năng lực cắt lũ cho các hồ chứa, đảm bảo nguồn nước cho tưới tiêu; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đặc biệt là quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai. Phát triển diện tích, nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn và ven biển.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị cần triển khai Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống thiên tai cấp tỉnh, xây dựng cộng đồng an toàn; gắn xây dựng cộng đồng an toàn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng xây dựng, củng cố nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở. Đặc biệt, đẩy mạnh xã hội hóa trong việc lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng, trạm theo dõi mưa, mực nước, camera giám sát hồ chứa. Tăng cường rà soát, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước.
Năm 2023, chủ đề Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai là “từ ứng phó đến hành động sớm". Thời gian thực hiện tập trung trong tháng 5/2023. Mục tiêu của Tuần lễ Quốc gia năm 2023 là tăng cường thông tin truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng; nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cấp, ngành từ T.Ư đến địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai; sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai năm 2023. Đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm trong năm Việt Nam làm Chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai.
PV
Bình luận