Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ hai, 04/03/2024 08:03
TMO - Việt Nam là quốc gia phải hứng chịu nhiều thiên tai, được cảnh báo là 1 trong 5 nước trên thế giới chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu. Dự báo năm 2024 thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường nên cần các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động các phương án phòng, chống để giảm thiệt hại.
Báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Năm 2023, tuy nắng nóng và số lượng cơn bão không nhiều, nhưng nhiều con số kỷ lục đã xuất hiện như: Nắng nóng ở nhiều nơi, có nơi có nhiệt độ cao nhất trong lịch sử như Tương Dương (Nghệ An) 44,2 độ C; mưa lũ cực đoan đã xảy ra với lượng mưa lên đến trên 800mm trong 24 giờ gây lũ quét và sạt lở đất kinh hoàng ở nhiều địa phương.
Năm 2023, trên cả nước xuất hiện 1.145 trận thiên tai (21/22 loại hình). Trong đó, một số đợt thiên tai lớn, gây hậu quả nghiêm trọng như: Sạt lở đất tại khu vực Tây Nguyên, trong đó sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc làm 3 chiến sĩ và 1 người dân bị vùi lấp; Sạt lở tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng làm 2 người chết, 5 người bị thương; Mưa lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực Bắc Bộ, trong đó lũ quét tại Sa Pa và Bát Xát, tỉnh Lào Cai làm 9 người chết, mất tích. 3 đợt mưa lớn tại khu vực miền Trung từ làm 14 người chết, mất tích, trong đó đợt từ 13-17/11 tại Thừa Thiên Huế có nơi mưa trên 800mm/24 giờ, gây ngập lụt nghiêm trọng hạ lưu sông Hương và sông Bồ; Tại Đà Nẵng đợt mưa từ 10-17/10 với tổng lượng mưa trên 1.300mm gây ngập lụt nghiêm trọng nhiều khu vực của thành phố…
Thiên tai gây thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương trên cả nước.
Tổng cộng, năm 2023 thiên tai đã làm 169 người chết, mất tích. Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng. Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho rằng, cần hành động sớm, chuẩn bị trước, từ ý thức cảnh giác, trang bị kiến thức vững vàng, đến chuẩn bị trước nhân lực, vật lực. Chẳng hạn như, tổ chức mua sắm phương tiện, trang thiết bị, vật tư phòng, chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn; di dời người dân đến nơi ở an toàn; xây dựng tốt các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai cho người dân. Điều này giúp công tác chuẩn bị, ứng phó thiên tai hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí phục hồi sau thiên tai và nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai.
Bên cạnh đó, việc tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai, nhất là khắc phục hậu quả theo hướng xây dựng lại tốt hơn. hông tin dự báo, cảnh báo sớm về mưa lớn, lũ, ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất được truyền tải kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng để chủ động chuẩn bị và ứng phó phù hợp với thực tiễn theo phương châm góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại. Tuy nhiên ở nhiều nơi, người dân còn chủ quan, xem nhẹ ảnh hưởng, mức độ nguy hiểm của thiên tai nên đã xảy ra những thiệt hại đáng tiếc về người khi đi qua các ngầm tràn, suối ngập sâu, nước chảy xiết và bị cuốn trôi, trẻ em bị đuối nước, bị lật ghe. Các địa phương cần phải tích cực tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình thiên tai năm 2024, Bộ NN&PTNT yêu cầu: Tổ chức tập huấn cho cán bộ tham gia công tác trực ban phòng, chống thiên tai. Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến thiên tai, tăng cường kiểm tra, đôn đốc bảo vệ an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập xung yếu; tham mưu kịp thời để Ban Chỉ đạo sớm chỉ đạo các địa phương sẵn sàng ứng phó thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, đồng thời báo cáo, tổng hợp thiệt hại, đề xuất các biện pháp khắc phục khẩn cấp, hỗ trợ trung, dài hạn; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo đúng mục đích, đối tượng và hiệu quả.
Các địa phương chủ động phương án ứng phó linh hoạt, để giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai.
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cần tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương thực hiện việc đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, phòng chống sạt lở, ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống thiên tai. Đối với công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, Bộ đề nghị: Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai - Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí, đài truyền hình, đài truyền thanh từ Trung ương đến địa phương để đưa các bản tin về tình hình thiên tai, công tác chỉ đạo ứng phó kịp thời tới các cấp chính quyền và người dân; duy trì và phát triển các trang mạng xã hội của Cục với nhiều chương trình, tin bài hấp dẫn, tăng tính tương tác và thu hút sự tham gia của người dùng.
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cần tập trung triển khai các nội dung thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng (Đề án 553); tiếp tục thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật góp phần nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai cho các cấp chính quyền, cộng đồng; triển khai nhiệm vụ quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức lập các quy hoạch: Quy hoạch đê điều hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Kiên Giang; quy hoạch phòng chống lũ các tuyến sông có đê và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình...
Triển khai 4 dự án điều tra cơ bản năm 2024 bao gồm: Điều tra, đánh giá hiện trạng đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang; điều tra, đánh giá hiện trạng cây chắn sóng bảo vệ đê biển khu vực Trung Bộ; điều tra, giám sát hiện trạng sạt lở bờ sông, bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất các cảnh báo, giải pháp xử lý (giai đoạn 3); điều tra hiện trạng cây chắn sóng bảo vệ đê biển, đê cửa sông khu vực Nam Bộ...
Thùy Chi
Bình luận