Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ ba, 23/04/2024 14:04
TMO - Trước tình hình nắng nóng kéo dài, UBND TP. HCM yêu cầu các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động, linh hoạt trữ nước, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước ngọt.
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra do nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024, UBND TP. HCM giao UBND thành phố Thủ Đức và UBND các quận, huyện chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị ở địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến về thiên tai, thời tiết cực đoan, nhất là nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn; kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của địa phương phù hợp với tình hình thực tế. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động có hình thức linh hoạt trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước ngọt.
Các địa phương cũng xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt. Đồng thời, chủ động nạo vét các tuyến kênh, mương nội đồng bị bồi lắng, tắc nghẽn để khôi phục, tăng khả năng trữ nước; tổ chức vận hành hợp lý các cống điều tiết để đảm bảo ngăn mặn, tiêu thoát nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong khu vực.
Trong bối cảnh các địa phương vùng ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do hạn hán kéo dài, UBND TP. HCM yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền người dân chủ động, linh hoạt trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm.
UBND TP. HCM giao Sở NN&PTNT đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đối với các công trình thủy lợi đang triển khai xây dựng để sớm đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả. Phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi (Công ty TNHH Một thành viên Khai thác Thủy lợi Miền Nam, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác Dịch vụ thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống công trình thủy lợi để điều phối nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất và đẩy mặn khi có tình huống bất lợi xảy ra; đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước cho các đối tượng sử dụng theo khả năng nguồn nước, vận hành tối ưu, khai thác hiệu quả công trình thủy lợi, chống thất thoát, lãng phí nguồn nước.
Sở Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên (Sawaco) triển khai các giải pháp ứng phó nguy cơ thiếu nước sinh hoạt; chủ động phối hợp với các địa phương và cơ quan có liên quan triển khai phương án để từng bước chủ động cấp nước sinh hoạt cho người dân tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiếu nước, xâm nhập mặn hàng năm.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, Sawaco chủ động triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo cấp nước sạch, an toàn cho hơn 10 triệu dân tại TP. HCM. Để hạn chế tối đa tình trạng thiếu nước trên địa bàn TP. HCM, Sawaco yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo cấp nước được ổn định, liên tục, đáp ứng nhu cầu dùng nước của người dân TP. HCM.
Ngành cấp nước TP. HCM đã chuẩn bị nhiều phương án để đảm bảo cấp nước ổn định và liên tục. Theo đó, tất cả các nhà máy nước (như cụm Nhà máy nước Thủ Đức, cụm Nhà máy nước Tân Hiệp, Nhà máy nước ngầm Tân Phú...), các trạm cấp nước đều được bảo trì, bảo dưỡng thiết bị để có thể sẵn sàng vận hành với công suất tối đa trong giới hạn an toàn cho phép. Sawaco cũng phối hợp với ngành điện lực nhằm đảm bảo nguồn điện cấp cho các nhà máy nước vận hành liên tục; phối hợp với các cơ quan đơn vị chức năng để đảm bảo chất lượng nước nguồn tại trạm bơm nước thô và nhà máy xử lý nước.
Đơn vị cấp nước tại TP. HCM chủ động phương án để đảm bảo cấp nước ổn định và liên tục.
Ngay từ trước mùa khô 2024, Sawaco đã xây dựng sẵn các kịch bản khi nguồn nước bị xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn (nguồn cung cấp nước cho khu vực phía tây, tây bắc thành phố), sông Đồng Nai (nguồn cung cấp nước cho khu vực phía đông, đông bắc và phía nam thành phố) với các mức độ nhiễm mặn khác nhau. Với mỗi kịch bản, Sawaco sẽ có các phương án điều phối công suất cấp nước của các nhà máy nước phù hợp; các hoạt động phối hợp với đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An để vận hành xả nước đẩy mặn; và sẵn sàng vận hành các trạm cấp nước dự phòng, các giải pháp cấp nước tạm thời, như cấp nước bằng xe bồn.
Để đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt cho người dân, Sawaco cũng yêu cầu các nhà máy, xí nghiệp, đơn vị thuộc Tổng công ty chủ động trong công tác súc xả (kể cả định kỳ và bất thường) trên mạng lưới. Bên cạnh đó, Sawaco cũng thường xuyên cử cán bộ tuần tra, bảo vệ tuyến ống nước thô, tuyến ống truyền tải nước sạch, phối hợp với chính quyền địa phương để di dời công trình lấn chiếm hành lang an toàn tuyến ống nhằm đảm bảo việc vận hành tuyến ống an toàn. Nhằm xử lý kịp thời sự cố trên hệ thống cấp nước thành phố, ngành cấp nước bố trí lịch trực 24/24 trong những ngày lễ, tết và ngày nghỉ.
Đầu tháng 4/2024, Sở Xây dựng TP. HCM báo cáo lên UBND TP. HCM về thực hiện chương trình cung cấp nước sạch đến 2025. Theo báo cáo này, Sở Xây dựng TP. HCM sẽ tiến hành khảo sát và xây dựng cụm hồ chứa nước thô số 1, với các hạng mục chính dự kiến gồm cụm hồ chứa tổng dung tích 10 triệu m3/nđ (ngày đêm), diện tích đất sử dụng khoảng 200 ha, tức 2 km2.
Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, đề xuất xây dựng hồ chứa cũng phù hợp với báo cáo cuối kỳ điều chỉnh Quy hoạch chung TP. HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060. Cụm hồ chứa này được tư vấn đề xuất xây dựng khu vực thuộc hai xã Tân Thạnh Tây và Phú Hòa Đông của huyện Củ Chi. Khu vực bảo vệ của hồ chứa được trồng cây xanh xung quanh với khoảng cách 300 m, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ điểm lấy nước quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.
Sở Xây dựng TP. HCM cho biết thêm, việc xây cụm hồ chứa số 1 này và đến năm 2050 là kế hoạch hoàn thành các cụm hồ chứa số 2, 3, 4, 5 với tổng dung tích 5 triệu m3 là để TP. HCM có nguồn nước dự phòng trong trường hợp khẩn nguy như: ô nhiễm nguồn nước thô, nguồn nước ngầm không đáp ứng, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu,...
Minh Trang
Bình luận