Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 00:12
Thứ sáu, 30/08/2024 14:08
TMO - Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, mùa mưa năm nay sẽ kéo dài và tập trung vào những tháng cuối năm. Trước dự báo này, tỉnh Gia Lai chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
Thực hiện Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Chính phủ, Thông tư số 09/2019/TT- BCT ngày 8-7-2019 của Bộ Công thương quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện và Công văn số 963/UBND-NL ngày 17-5-2022 của UBND tỉnh về việc kiện toàn Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện của tỉnh; Sở Công Thương Gia Lai đã thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện tỉnh Gia Lai năm 2024.
Trong tổng số 50 công trình thủy điện đi vào vận hành, Hội đồng tư vấn đã tiến hành kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện của 31/34 công trình thủy điện thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh (tại thời điểm kiểm tra, 3 công trình tạm ngừng phát điện, xin hoãn kiểm tra). Còn lại 8 công trình thủy điện thuộc danh mục đập, hồ chứa thủy điện xây dựng trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương; 4 công trình thủy điện phát điện tự dùng, có quy mô công suất, đập và dung tích hồ chứa rất nhỏ; 3 công trình thủy điện là thủy lợi kết hợp phát điện; 1 công trình thủy điện có chiều cao đập dưới 5 m và hồ chứa nước có dung tích toàn bộ dưới 50.000 m2.
Tại Nhà máy thủy điện Krông Pa 2 (xã Đak Rong, huyện Kbang), nhằm đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện, đơn vị vận hành nhà máy thủy điện này đã lắp đặt thiết bị quan trắc và các giá trị quan trắc đập cơ bản nằm trong giới hạn thiết kế cho phép. Qua công tác kiểm tra nội bộ, hiện trạng của các hạng mục công trình như đập dâng, công trình xả lũ, cửa nhận nước, các thiết bị cơ khí và thiết bị điện… đảm bảo an toàn trước, trong và sau từng đợt lũ.
Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp với địa phương tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn những nội dung cơ bản khi vận hành xả lũ, phát điện của công trình cho người dân xung quanh khu vực công trình biết, chủ động phòng tránh. Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến các đợt thiên tai và cung cấp đầy đủ, kịp thời số liệu, thông báo về hồ chứa, vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định.
Còn tại Nhà máy Thủy điện Hà Tây (xã Hà Tây, huyện Chư Păh), nhà máy này đã lắp đặt các hệ thống cảnh báo xả nước điều tiết lũ, phát điện cho vùng hạ du bằng nhiều hình thức như: hệ thống còi cảnh báo với âm lượng lớn được lắp đặt tại đập và nhà máy, hệ thống mốc mực nước hạ lưu và bảng báo chỉ dẫn được lắp đặt tại các vị trí đã thống nhất với chính quyền địa phương.
Đơn vị vận hành Nhà máy Thủy điện Hà Tây đã thành lập đội xung kích phòng-chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ”(chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ). Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn và phối hợp với các cơ quan liên quan để chủ động vận hành hồ chứa theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du đập.
Tỉnh Gia Lai chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong mùa mưa lũ (Ảnh minh họa).
Tại Thủy điện An Khê-Ka Nak, việc kiểm tra hiện trạng an toàn đập, hồ chứa và các hệ thống thiết bị công trình được đưa vào kế hoạch thực hiện hàng năm của đơn vị vận hành hệ thống thủy điện này. Với nguyên tắc “Phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả” và phương châm "4 tại chỗ", đơn vị vận hành đã đã chủ động mua sắm vật tư, vật liệu, nhiên liệu, lương thực và thuốc men; tổ chức kiểm tra định kỳ thực tế tại các công trình; phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp tiến hành kiểm tra hành lang thoát lũ vùng hạ du các hồ chứa; kiểm tra bảo trì thiết bị công trình phục vụ mùa lũ, tổ chức vận hành đóng/mở thử cửa van cung theo các chế độ; thu thập số liệu thủy văn.
Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện tỉnh Gia Lai cho biết: Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện thì một số ít đơn vị quản lý vận hành thủy điện chưa thực hiện công tác rà soát, cập nhật phương án ứng phó với thiên tai theo định kỳ hàng năm; thực hiện chưa đầy đủ chế độ thông báo, cảnh báo cho các cơ quan chức năng của địa phương trước, trong và sau quá trình xả lũ theo quy định.
Trên địa bàn tỉnh còn 3 thủy điện có quy mô công suất nhỏ (gồm thuỷ điện: Thác Ba, Ia Lốp, Bàu Cạn) chưa đánh giá được công tác an toàn đập hồ chứa theo quy định, do thủy điện tạm dừng phát điện, xin hoãn kiểm tra; đồng thời, 3 thủy điện này được đưa vào vận hành từ trước năm 1990 và chuyển giao qua nhiều chủ sở hữu nên hồ sơ thiết kế hiện đã bị thất lạc, chưa được phục hồi lại, do vậy quá trình xây dựng các phương án cũng như thực hiện các quy định khác còn kéo dài.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Công văn số 2000/UBND-CNXD về việc tăng cường công tác an toàn đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2024. Theo đó, để chủ động ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, nhất là lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân và công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Sở Công Thương tiếp tục theo dõi việc tổ chức thực hiện của các chủ sở hữu, tổ chức khai thác đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn đối với các yêu cầu, kiến nghị của Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện của tỉnh năm 2024.
Đồng thời, Sở Công Thương Gia Lai kiểm tra, giám sát các chủ sở hữu, tổ chức khai thác đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện; đặc biệt, chú trọng việc vận hành các nhà máy thủy điện theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền ban hành nhằm bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du đập; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại tố cáo về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện; kịp thời báo cáo UBND tỉnh khi phát hiện vi phạm các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
UBND tỉnh Gia Lai còn yêu cầu các chủ sở hữu, tổ chức khai thác đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh tăng cường thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện; tiếp tục tổ chức thực hiện hoàn thành các yêu cầu, kiến nghị của Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện của tỉnh 2024; tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng của các hạng mục công trình, khắc phục kịp thời các hư hỏng, khiếm khuyết (nếu có) để đảm bảo an toàn trước, trong và sau từng đợt lũ; tăng cường phối hợp với chính quyền, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của địa phương trong vận hành hồ chứa, phòng chống thiên tai và ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du.
Hồng Ngát
Bình luận