Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ năm, 02/02/2023 04:02
TMO - Trước những dự báo diễn biến phức tạp của thiên tai trong những tháng đầu năm 2023, ngành chức năng tỉnh An Giang tăng cường công tác theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình của thiên tai, qua đó thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới.
Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, mùa nắng nóng năm 2023 có khả năng đến sớm và kết thúc muộn, với thời kỳ nắng nóng kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Số ngày nắng nóng và nhiệt độ cao nhất trung bình trong các tháng nắng nóng có khả năng cao hơn TBNN. Khoảng tuần đầu tháng 3/2023, có khả năng xuất hiện nắng nóng cục bộ ở một số huyện, thị, thành phố khu vực biên giới như Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Đốc, An Phú,...
Từ tháng 4-6/2023, có khả năng xảy ra khoảng 04-06 đợt nắng nóng diện rộng trên phạm vi toàn tỉnh, nhiệt độ cao nhất trong các đợt nắng nóng khoảng 35-37°C. Từ nay đến tháng 3/2023, tại khu vực tỉnh An Giang có khả năng xuất hiện mưa trái mùa cục bộ, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn TBNN.
Từ nay đến cuối tháng 01/2023, mực nước các trạm thượng nguồn sông Mekong biến đổi chậm với xu thế xuống dần; từ tháng 02 đến tháng 6/2023, mực nước thượng nguồn sông Mekong ở mức tương đương TBNN. Tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về hạ lưu qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc trong giai đoạn mùa khô 2022-2023 có khả năng ở mức tương đương TBNN. Khu vực tỉnh An Giang, mực nước trên các sông, kênh, rạch chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều với xu thế xuống dần, ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN từ 0,10-0,20m.
Nhằm thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy ƯPBĐKH-PCTT&PTDS tỉnh) đề nghị UBND các huyện, thị, thành và Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi thực hiện tốt nhiệm vụ công tác phòng, chống thiên tai những tháng đầu năm 2023.
Địa phương này chủ động nạo vé kênh mương, đảm bảo khơi thông dòng chảy trong mùa khô (Ảnh minh họa: KT)
Cụ thể, kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi, đê điều, hồ đập bị sự cố, hư hỏng, sạt lở sau mùa mưa, lũ. Xác định các trọng điểm xung yếu của các công trình thủy lợi, đê điều, hồ đập. Chủ động sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi và nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển đất trồng lúa theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã được phân bổ để sửa chữa, cải tạo, gia cố các công trình thủy lợi, đê điều, hồ đập để khắc phục thiệt hại sau mưa, lũ.
Đối với tình trạng hạn hán: Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn và tình hình nguồn nước để chủ động công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với hạn kiệt. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về kết quả quan trắc nguồn nước, độ mặn và tình hình khí tượng, thủy văn trên các phương tiện thông tin đại chúng, đến chính quyền địa phương và nhân dân được biết để chủ động ứng phó. Chủ động triển khai, thực hiện kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2022-2023.
Đồng thời tăng cường thăm đồng, kết hợp kiểm tra các vùng sản xuất có khả năng bị ảnh hưởng do hạn, mặn. Chủ động tổ chức vận hành các cống để tích nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến, đắp đập tạm để giữ nước khi cần thiết. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để phục vụ công tác chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023. Không xuống giống ở những khu vực không chủ động nước tưới; tích trữ nước, sử dụng nước hiệu quả và áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm trong sản xuất.
Các tổ chức, cá nhân quản lý vận hành công trình thủy lợi, trạm bơm cấp nước tưới và sinh hoạt tăng cường theo dõi nguồn nước, vận hành công trình đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất. Chủ động sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi và nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển đất trồng lúa để ưu tiên thực hiện các công trình nạo vét kênh mương, sửa chữa cống để tạo nguồn nước và tích trữ nước phục vụ công tác chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023.
Các giải pháp công trình được xây dựng, nâng cấp nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh.
Đối với sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, theo Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang về Kết quả quan trắc và cảnh báo sạt lở đất bờ sông trên địa bàn tỉnh An Giang (đợt II năm 2022), An Giang có tổng số 56 đoạn sông cảnh báo, với tổng chiều dài 181.450m. Trong đó có 5 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm; 37 đoạn ở mức độ nguy hiểm, 14 đoạn ở mức độ bình thường.
Do vậy cần thường xuyên kiểm tra, rà soát các khu vực cảnh báo sạt lở của Sở Tài nguyên và Môi trường, các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở kể cả các tuyến kênh, rạch. Kịp thời phát hiện để có hướng xử lý kịp thời theo phương châm 4 tại chỗ. Chủ động di dời người dân, nhà ở đến nơi an toàn khi có dấu hiệu răn nứt, sụt lún nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng Nhân dân.
Di dời công trình, vật kiến trúc, chặt hạ cây to trong khu vực; điều tiết, phân luồng giao thông thủy, bộ để giảm tải trọng lên đường, đê trên các khu vực sạt lở và nguy cơ sạt lở. Cắm biển cảnh báo, rào chắn, đèn báo để cảnh báo tại khu vực xảy ra răn nứt, sạt lở. Huy động, nguồn lực địa phương, quỹ phòng chống thiên tai, các nguồn lực hợp pháp khác hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống.
Phương án ứng phó với thiên tai như dông, lốc... do mưa trái mùa được ngành chức năng địa phương chỉ đạo triển khai. Ảnh: GK
Đối với dông, lốc, sét do mưa trái mùa: Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên để nhân dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, nhất là dông, lốc, sét trái mùa. Sét thường xuất hiện cùng với mưa, dông lốc. Do đó, khi có dấu hiệu mưa, dông lốc thì người dân phải nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn; không trú mưa dưới các gốc cây, gò cao và nơi có nước; tránh xa các vật dụng bằng kim loại, trạm biến áp, cột, đường dây điện; khi đang ở vùng đất trống cần tìm chỗ có vị trí càng thấp càng tốt.
Tổ chức thực hiện và chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành, địa phương, phường, xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gia cố, chằn chống, tu sửa nhà ở, kho tàng, nhà máy, xí nghiệp, công trình công cộng để tăng độ vững chắc; cắt tỉa cây xanh, cây to có nguy cơ đổ ngã; kiểm tra các biển hiệu, pa nô, biển quản cáo có khả năng mất an toàn thuộc phạm vi quản lý, nhằm đề phòng mưa, dông, lốc, gió giật bất ngờ xảy ra gây thiệt hại tính mạng và tài sản nhà nước và người dân.
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, rà soát, sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống, đặc biệt là bố trí lực lượng xung kích cấp xã, vật tư phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân, tổ chức kịp thời các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả được nhanh chóng, kịp thời hiệu quả.
Minh Hải
Bình luận