Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 05:01
Thứ ba, 15/08/2023 14:08
TMO - Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai ngay các phương án nhằm chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trước và trong mùa mưa lũ.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước, những ngày đầu tháng 8/2023 vừa qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa liên tục trên diện rộng (các huyện, thị xã, thành phố có mưa vừa, mưa to, cục bộ mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50 - 100mm, có nơi trên 100mm, thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm) gây ngập lụt cục bộ, sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Cụ thể, tại huyện Bù Đăng, tối 27/7, mưa lớn đã gây ngập cục bộ khu vực thị trấn Đức Phong, xã Đoàn Kết, xã Bình Minh; tối 30/7 và rạng sáng 31/7 đã sạt lở 400m tuyến đường Dốc Khỉ, đường ĐT753B, xã Đăng Hà. Tại thành phố Đồng Xoài, tối 28/7, mưa lớn kèm theo gió lốc khiến cây xanh, pano, trụ điện ở một số tuyến đường nội ô thành phố bị gãy đổ, tốc mái 3 căn nhà.
Hiện tượng sạt lở, nứt, lún và gãy địa chất có dấu hiệu xảy ra tại một số vị trí trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tại huyện Bù Đăng, đêm 30/7 và rạng sáng 31/7, mưa to kết hợp với lượng mưa của những ngày liên tiếp trước đó đã gây ra sạt lở đất tuyến đường Dốc Khỉ (đường ĐT 753B, thuộc địa phận thôn 2, xã Đăng Hà), chiều dài đoạn sạt lở khoảng 400 m, lượng đất trên mái taluy dương sạt lở khoảng 10.000 m3, làm vùi lấp hết lòng đường. Tiếp đó, chiều 9/8, tại thôn 9, xã Thống Nhất (huyện Bù Đăng), vị trí Km1+ 100, đường từ thôn 9 vào sóc Ông La bị sạt lở mương, sụt lún, gãy nứt đường bê tông. Sáng 10/8, khu vực đường vận hành nội bộ Thủy điện Thác Mơ mở rộng đã xảy ra hiện tượng nứt và có nguy cơ sạt lở cao.
Các địa phương tăng cường rà soát, đảm bảo an toàn cho người dân tại vùng có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn.
Trước diễn biến trên, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai ngay các phương án nhằm chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trước và trong mùa mưa lũ.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ tỉnh, huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm chế độ ứng trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, tình hình mưa lũ, sụt lún, sạt lở, sạt trượt đất, an toàn hồ đập, hồ thủy điện, ngập lụt tại các vùng trũng; chủ động tổ chức kiểm tra rà soát các khu vực trọ có nguy cơ xảy ra sự cố, tiếp nhận thông tin kịp thời về sạt lở, nứt, lún, mất an toàn hồ đập để điều chỉnh bổ sung, lên phương án chủ động tham mưu đề xuất, sử dụng lực lượng, phương tiện xử lý hiệu quả các tình huống xảy ra.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Thị xã Phước Long và Ban Chỉ huy các nhà máy thủy điện tập trung cao độ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Quân đội, Công an, lực lượng xung kích trên địa bàn huy động lực lượng phương tiện nhanh chóng ứng phó hỗ trợ người dân, khắc phục nhanh khi có tình huống nguy cơ xảy ra đảm bảo an toàn về mọi mặt, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân.
Sở Giao thông vận tải chủ động chỉ đạo đơn vị chuyên môn kiểm tra, rà soát tìm ra nguyên nhân gây ra sạt lở, nứt gãy địa chất tại các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có biện pháp khắc phục kịp thời, đảm bảo an toàn giao thông cho nhân dân. Sở Công Thương chỉ đạo đơn vị chuyên môn kiểm tra, rà soát tìm ra nguyên nhân gây ra sạt lở, nứt gãy địa chất tại Nhà máy Thủy điện Thác Mơ mở rộng, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có biện pháp khắc phục kịp thời, đảm bảo an toàn giao thông cho nhân dân; chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai công tác đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện, vận hành an toàn, hiệu quả, phù hợp với tình hình mưa lũ và quy trình vận hành.
Trước diễn biến bất thường của thiên tai đặc biệt là mưa lũ, tỉnh Bình Phước chủ động triển khai các phương án phòng, chống.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thiên tai trong 7 tháng qua đã khiến 8 căn nhà bị sập, 231 căn bị tốc mái; gãy đổ và thiệt hại hơn 181 ha cây trồng các loại. Lốc xoáy làm khoảng 17 ha sầu riêng bị rụng trái non ở huyện Bù Đăng, Lộc Ninh; bật gốc và đổ nhiều cây xanh trên các tuyến đường thuộc thị xã Phước Long, huyện Bù Đăng, thành phố Đồng Xoài. Thiên tai còn làm sập đổ một khu nhà xưởng, gãy đổ 55 trụ điện, 12 m hàng rào nghĩa trang liệt sỹ bằng bê tông bị sập đổ. Nhiều tài sản khác bị ngập nước hư hỏng...
Trước diễn biến bất thường của thời tiết trong những tháng cuối năm, Ban Chỉ huy tỉnh thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo Ban Chỉ huy các huyện, thị xã, thành phố triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai như: Tuyên truyền và tăng cường triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai, với mưa dông, lốc xoáy, cây xanh ngã đổ và gió giật mạnh; tăng cường tuyên truyền về phòng chống tai nạn đuối nước…
Chủ động phòng, chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ”, Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn về kiến thức phòng chống thiên tai đến cấp xã; tập huấn và trang bị vật tư, thiết bị phục vụ cho hoạt động của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã; tập huấn cho cộng đồng dân cư...
Sau khi thiên tai xảy ra, UBND cấp xã huy động lực lượng xung kích, Đoàn Thanh niên, Mặt trận, đoàn thể… cùng UBND cấp huyện triển khai các biện pháp khắc phục, giúp người dân dựng lại nhà cửa, dọn dẹp, vệ sinh; đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên và thực hiện xác minh, tổng hợp thiệt hại để thực hiện hỗ trợ theo quy định. Các lực lượng triển khai các biện pháp xử lý nguồn nước ăn uống, sinh hoạt cho nhân dân, xử lý môi trường, xử lý các ổ dịch bệnh phát sinh; ổn định cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị; trực cấp cứu sẵn sàng thu dung và cấp cứu các nạn nhân bị ảnh hưởng của thiên tai.
PV
Bình luận