Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ tư, 21/08/2024 14:08
TMO - Trước diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng… trong thời gian gần đây, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chủ động triển khai phòng, chống các loại dịch bệnh trong mùa tựu trường, đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh.
Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều địa phương đã ghi nhận gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. So với cùng kỳ năm 2023, số mắc sởi tăng hơn 8 lần, số mắc ho gà tăng hơn 25 lần. Hiện nay, cả nước đang bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học. Nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa tựu trường, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp phối hợp với ngành y tế chủ động triển khai giải pháp phòng, chống dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong mùa tựu trường. Các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Cùng với đó, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, ổ dịch tại cộng đồng và cơ sở y tế; thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Công tác vệ sinh môi trường tại các trường học cần tiếp tục được triển khai để chủ động phòng chống nguy cơ dịch bệnh.
Sở Y tế thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi…Các đơn vị kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phòng chống dịch, nhất là tại các khu vực ghi nhận các trường hợp mắc bệnh, có nguy cơ bùng phát dịch và các địa bàn chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục đào tạo chuẩn bị những điều kiện tốt nhất đảm bảo sức khoẻ cho trẻ em, học sinh, sinh viên khi bước vào năm học mới; bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và đủ ánh sáng tại các cơ sở giáo dục, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo.
Tại TP.Hà Nội, trong tuần qua số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà trên địa bàn Hà Nội đều tăng so với tuần trước đó. Trong đó, sốt xuất huyết ghi nhận số lượng bệnh nhân nhiều nhất kể từ đầu mùa hè đến nay.
Ngày 19/8, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 9 đến ngày 16/8), trên địa bàn thành phố ghi nhận 274 ca sốt xuất huyết (tăng 86 trường hợp so với tuần trước). Bệnh nhân phân bố tại 28 quận, huyện. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Đan Phượng, Hà Đông, Quốc Oai, Phúc Thọ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng. Từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 2.050 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 54,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài sốt xuất huyết, số ca mắc tay chân miệng, ho gà trong tuần qua cũng gia tăng. Cụ thể, tuần qua, thành phố ghi nhận 41 ca mắc tay chân miệng (tăng 11 ca so với tuần trước). Từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 1.818 ca mắc (tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023). Theo đánh giá của CDC, dịch bệnh tay chân miệng phần lớn là ca bệnh tản phát, không ghi nhận ổ dịch phức tạp. Tuy nhiên, dự báo số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới khi các trường mầm non và tiểu học tiếp nhận trẻ đi học trở lại.
Bên cạnh đó, tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận 7 ca mắc ho gà (tăng 2 trường hợp so với tuần trước). Từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận 222 ca mắc ho gà tại 29 quận, huyện, thị xã (trong khi cùng kỳ năm 2023 không có ca bệnh). Bệnh nhân chủ yếu là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, CDC Hà Nội đề nghị, Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các khu vực có bệnh nhân, ổ dịch. Đồng thời, tổ chức điều tra, khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có ca bệnh, ổ dịch, không để ổ dịch diễn biến kéo dài. Ngành Y tế phối hợp ngành GD&ĐT thành phố tổ chức giám sát phát hiện trẻ mắc bệnh, triển khai các hoạt động xử lý dịch bệnh, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại trường học khi có bệnh nhân, ổ dịch. Với các bệnh có vaccine, khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh.
Trong khi đó tại TP.HCM hiện nay tình hình bệnh sởi trên địa bàn đang diễn biến phức tạp. Từ ngày 23/5 đến ngày 12/8, TP.HCM ghi nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi. Trong đó, có 346 ca dương tính sởi. Trong số các ca bệnh sởi có khoảng 50% bệnh nhân tại các tỉnh chuyển đến.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, sởi đã xuất hiện tại 57 phường, xã, 16 quận, huyện của thành phố. Trong đó, 9 quận, huyện có 2 ca trở lên. 3 quận, huyện có số ca sởi cao nhất là huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, quận Bình Tân. Đáng chú ý năm 2024, TP.HCM đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong do mắc bệnh sởi.
Để bảo đảm an toàn, giảm thiểu thấp nhất lây nhiễm nhiễm sởi trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế TP.HCM về việc tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm sởi trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế TP.HCM khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, kiểm soát lây nhiễm sởi trên địa bàn toàn thành phố, bao gồm cả hoạt động tiêm chủng.
Sở Y tế Thành phố chỉ đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị người bệnh sởi kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong, bao gồm các hoạt động trọng tâm như: Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện ứng phó với bệnh dịch, trong đó chủ ý kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch của đơn vị; Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch dự phòng và ứng phó với bệnh dịch theo các mức độ, quy mô của dịch.
Các cơ sở khám chữa bệnh vệ sinh và khử trùng thường xuyên tất cả các bề mặt, đồ vật trong phòng cách ly để loại bỏ virus sởi; Hạn chế số lượng người thăm bệnh và chỉ cho phép những người đã được tiêm phòng sởi đầy đủ vào thăm người bệnh mắc sởi; Cùng đó tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ việc tuân thủ các quy định, quy trình về phòng và kiểm soát lây nhiễm sởi của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh.../.
Hải Long
Bình luận