Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 09:11
Thứ bảy, 24/12/2022 05:12
TMO - Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2022 ngành Tài nguyên và Môi trường đã chủ động triển khai công tác quy hoạch, đề xuất các cơ chế đặc thù để có những đóng góp làm nên những những chuyển biến, đóng góp cho phát triển đất nước và từng địa phương bằng những chỉ số hết sức cụ thể.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, năm 2022, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và chung tay của toàn dân, công tác bảo vệ môi trường đã chuyển từ bị động sang ứng phó, chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi.
Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường được hoàn thiện, đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Các mô hình, công nghệ hiện đại được triển khai trong tái chế, xử lý chất thải. Hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo được nâng cao, cung cấp thông tin về thời tiết, thủy văn môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an toàn, sức khoẻ cộng đồng.…
Cả nước đã hoàn thành xử lý triệt để 372/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 91% số KCN đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động đạt tiêu chuẩn môi trường. Số vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường gây ô nhiễm môi trường giảm 65,38% so với năm 2021. Tỷ lệ người dân quan ngại về môi trường giảm mạnh (từ 12,53% năm 2016 xuống 4,03% năm 2021 xuống còn 1,55% năm 2022), các ngành công nghiệp tái chế phát triển đạt mức tăng 11,3% so với năm 2021.
Năm 2023, ngành TN&MT tiếp tục chủ động kiểm soát chất lượng môi trường, hướng tới mục tiêu 96% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn. Ảnh. M. Chi
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết năm 2023 là bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của các kế hoạch 5 năm 2021-2025, góp phần triển khai các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Các quốc gia ngày càng quan tâm thúc đẩy tăng trưởng xanh, giảm phát thải. Theo dự báo thế giới tiếp tục đối mặt với những thách thức do khủng hoảng khí hậu, môi trường… Trong bối cảnh đó, ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục đặt trọng tâm năm 2023 là năm “Chủ động, hội nhập, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả” để đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường cho tương lai bền vững.
Về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, phát huy các nguồn lực tài nguyên; đẩy mạnh chuyển đổi xanh, từng bước phục hồi các hệ sinh thái; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong thập kỷ phát triển bền vững; hiện đại hóa công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai.
Triển khai kế hoạch hành động thực hiện cam kết chính trị với các đối tác, tận dụng các thời cơ, chuyển hóa các thách thức, đưa đất nước phát triển trên con đường xanh, chủ động ứng phó trước các thách thức của biến đổi khí hậu; hiện đại hóa hạ tầng không gian địa lý; ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát tài nguyên và môi trường. Đổi mới đồng bộ thể chế phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; hoàn thiện, đưa vào vận hành đồng bộ hệ thống hạ tầng thông tin, dữ liệu, mạng lưới quan trắc; thực hiện chuyển đối số ngành tài nguyên và môi trường…
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị, toàn ngành cần quyết tâm triển khai những nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra. Qua đó, đạt mục tiêu nguồn thu từ tài nguyên và môi trường đóng góp 18% - 20% thu ngân sách nội địa. 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 96% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn, 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp. Hoàn thành đánh giá khả năng chịu tải, lập phân vùng và hạn ngạch xả nước thải vào các lưu vực sông quan trọng; phục hồi môi trường các sông, hồ.
Triển khai thực hiện các mục tiêu cam kết về bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên trên đất liền và trên biển đã được thế giới chính thức thông qua tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học; quyết liệt triển khai cam kết về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 với hỗ trợ công nghệ, tài chính từ các đối tác, chuyển đổi năng lượng từ than sang năng lượng sạch, tái tạo, giảm phát thải từ sử dụng đất và rừng; thí điểm, nhân rộng các mô hình thích ứng, tăng cường sức chống chịu, giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu.
Mạnh Cường
Bình luận