Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ sáu, 31/03/2023 04:03
TMO - Để chủ động phòng ngừa, ứng phó thiên tai, Sơn La đã kiện toàn, nâng cao năng lực Ban chỉ huy, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó của các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng về phòng chống thiên tai.
Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Sơn La, năm 2022 tỉnh Sơn La đã trải qua 21 đợt không khí lạnh, nhiệt độ thấp nhất đo được ở mức 2,7 độ C; 4 đợt nắng nóng kéo dài trên diện rộng, với nhiệt độ dao động từ 35-39,8 độ C; 13 đợt mưa lớn trên diện rộng, với lượng mưa từ 836-1.590 mm, trên một số sông, suối đã xuất huyện lũ với mực nước đỉnh lũ cao nhất chạm mức cấp báo động 2 và 3…
Thiên tai đã làm 8 người chết, 15 người bị thương và gần 1.500 ngôi nhà bị thiệt hại; làm hư hỏng trên gần 20 km đường giao thông, 198 cầu, cống; làm thiệt hại gần 1.700 ha lúa và hoa màu; gần 2.300 con gia súc bị chết rét... Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trên 506 tỷ đồng.
Thiên tai nhất là tình hình mưa lũ gây ra thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TTX.
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó thiên tai, Sơn La đã kiện toàn, nâng cao năng lực Ban chỉ huy, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các cấp. Triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó của các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng về phòng chống thiên tai (PCTT); gắn xây dựng cộng đồng an toàn với thực hiện tiêu chí an toàn về PCTT trong xây dựng nông thôn mới.
Trong năm qua, địa phương này đã đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông với 100% xã, phường, thị trấn đã triển khai mạng di động 4G, tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 93,62%. Tăng cường hạ tầng kỹ thuật thông tin làm cơ sở cho việc nâng cao khả năng tiếp nhận đầy đủ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai và hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai đến nhân dân.
Tỉnh cũng chủ động rà soát phương án, huy động lực lượng tổ chức sơ tán khẩn cấp các hộ dân khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai gây ra cho các công trình giao thông, thuỷ lợi; di rời khẩn cấp trên 450 hộ gia đình trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Năm 2022, Sơn La đã dành 189 tỷ đồng để khắc phục cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng do thiên tai; triển khai các dự án bố trí sắp xếp ổn định dân cư thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, tỉnh đã ưu tiên nguồn lực đầu tư xây mới gần 5.000m kè chống sạt lở bờ suối; 1.434m kênh thoát lũ chống ngập úng khu dân cư. Rà soát, báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa trước mùa mưa lũ của 108 hồ chứa thủy lợi, 48 hồ chứa thủy điện nhỏ.
Dự kiến, trong năm 2023, địa phương này sẽ triển khai 3 dự án cấp bách ứng phó thiên tai, gồm: Khắc phục, cải tạo công trình thoát lũ trung tâm xã Ngọc Chiến, huyện Mường La; Xử lý, khắc phục sạt lở do thiên tai khu vực trung tâm xã Quy Hướng, huyện Mộc Châu; Hệ thống tiêu thoát nước chống ngập úng bản Giáng, xã Chiềng Đen, thành phố.
Cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong PCTT, các địa phương chủ động phương án, diễn tập thường xuyên nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022; triển khai nhiệm vụ năm 2023, lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thời tiết cực đoan đến đời sống, sản xuất là rất rõ ràng, do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhân dân về các loại hình thiên tai, cách phòng tránh, ứng phó, khắc phục, giảm nhẹ và thích ứng. Năm 2023, các địa phương trên toàn tỉnh đã tiếp tục rà soát, khoanh vùng các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. Xác định cấp độ rủi ro thiên tai với từng loại hình để có phương án ứng phó phù hợp. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức tự bảo vệ chính mình của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định trong phòng, tránh lũ quét, sạt lở tại nơi ở, trong các hoạt động sinh hoạt, sản xuất.
UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả các Chỉ thị, phương án, kế hoạch PCTT của UBND tỉnh; phát huy tinh thần “4 tại chỗ” trong PCTT, sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ PCTT. Tập trung lãnh đạo chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống sinh hoạt những điểm đã tái định cư và những điểm cần di chuyển dân vùng thiên tai. Năm 2023, Sơn La cần tiếp tục đề phòng các hiện tượng thời tiết thủy văn nguy hiểm có nhiều khả năng xảy ra trên toàn tỉnh, đặc biệt là dông, lốc, sét, mưa đá, mưa lớn cục bộ, lũ, lũ quét và sạt lở đất, nhất là tại các khu vực có địa hình dốc, vùng trũng thấp ven sông, suối và nơi có thảm phủ thực vật yếu.
Để chủ động ứng phó với tình hình diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường của thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, nhất là các quy hoạch, dự án phát triển khu đô thị, nông thôn, kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, bố trí, sắp xếp dân cư phù hợp với đặc điểm thiên tai từng vùng; bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn.
Tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; đầu tư hiện đại hóa công nghệ quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn theo hướng tích hợp, đồng bộ, tự động hóa, đặc biệt là dự báo mưa, lũ; đẩy nhanh lắp đặt hệ thống quan trắc mưa, mực nước phục vụ vận hành hồ chứa và thiết bị cảnh báo xả lũ hạ du hồ chứa, hệ thống giám sát trực tuyến vận hành hồ chứa.
Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, hiệu quả các đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã; thực hiện xã hội hóa nguồn lực, nâng cao năng lực chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất về người và tài sản, từng bước xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai.
Nguyễn Nga
Bình luận