Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ bảy, 24/02/2024 06:02
TMO - Xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024 ở một số địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bắt đầu gay gắt khi ranh mặn lấn sâu vào nội đồng ở mức cao so với trung bình nhiều năm. Các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp, trong đó chủ động trữ ngọt, ngăn mặn để bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
ĐBSCL có vị trí nằm cuối nguồn lưu vực sông Mekong, tiếp giáp biển nên xâm nhập mặn vào mùa khô là đặc điểm mang tính tự nhiên của vùng, yếu tố tác động lớn nhất đến mức độ và thời gian hạn mặn hàng năm từ dòng chảy thượng lưu về ĐBSCL và thủy triều từ biển. Mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) là do ngay từ đầu mùa mưa, nguồn nước sông Mekong về ĐBSCL thiếu hụt từ 10-15% so với TBNN, xâm nhập mặn xuất hiện ngay từ cuối tháng 12/2023, sớm hơn khoảng 1 tháng so với TBNN.
Xâm nhập mặn năm 2023-2024 ở ĐBSCL đã được các cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn và các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT tổ chức theo dõi, giám sát, dự báo sớm. Thông tin dự báo đã được cung cấp từ tháng 10/2023 và thường xuyên cập nhật phù hợp với diễn biến thực tế và đến nay có thể khẳng định mức độ xâm nhập mặn sát với thông tin đã được dự báo.
Cục Thủy lợi cho biết, theo kết quả giám sát, xâm nhập mặn từ đầu mùa khô đến nay ở mức cao hơn TBNN và cao hơn cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, xâm nhập mặn bắt đầu xuất hiện trên các cửa sông Cửu Long từ ngày 24-27/12/2023, so với năm 2015, 2019 muộn hơn khoảng 20 ngày và sớm hơn TBNN khoảng 1 tháng. Ranh mặn 4g/l lớn nhất từ đầu mùa khô cho đến nay như sau:
Xâm nhập mặn tăng cao nhất từ đầu mùa khô đến nay xuất hiện trong kỳ triều cường dịp Tết Nguyên đán từ ngày 08/2 – 14/2/2024 (ngày 28/12 đến 5/1 Âm lịch). Ranh mặn 4g/l vùng cửa sông Cửu Long từ 40-50 km, so với TBNN cao hơn 7-12 km; so với năm 2023 cao hơn từ 9-15 km; so với năm 2016 thấp hơn từ 5-10 km; so với năm 2020 thấp hơn từ 8-12 km. Ranh mặn 4g/l vùng 2 sông Vàm Cỏ từ 60-64 km, so với TBNN cao hơn từ 2-5 km, so với năm 2023 cao hơn từ 2-8 km, so với năm 2016 thấp hơn từ 15-18 km, so với năm 2020 thấp hơn từ 12-15 km.
Các địa phương vùng ĐBSCL triển khai linh hoạt các giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn.
Hiện tại đang vào giai đoạn giữa mùa khô 2023-2024, cao điểm của nắng nóng và xâm nhập mặn. Nhận định nguồn nước về ĐBSCL trong tháng 3/2024 vẫn ở mức thấp, dẫn đến xâm nhập mặn từ nay đến giữa tháng 3/2024 vẫn ở mức cao, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt. Cục Thủy lợi đã phối hợp với Cục Trồng trọt và các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp, cụ thể như phối hợp với các đơn vị liên quan để dự báo nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước để cung cấp bản tin dự báo mùa trước vụ Đông Xuân 2023-2024 và cập nhật các bản tin tuần/tháng thường xuyên đến lãnh đạo Bộ, các cơ quan liên quan thuộc Bộ và các địa phương trong khu vực để làm cơ sở chỉ đạo điều hành tổ chức sản xuất nông nghiệp.
Cục Thủy lợi đã đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; tổ chức xuống giống vụ Đông Xuân 2023-2024 từ tháng 10/2023 và cơ bản kết thúc trong tháng 12, các diện tích này sẽ thu hoạch trước xâm nhập mặn cao điểm. Bên cạnh đó, Cục Thủy lợi phát hành "Sổ tay hướng dẫn tạm thời kỹ thuật trữ nước phân tán, tưới hiệu quả cho cây ăn trái vùng ĐBSCL, áp dụng trong điều kiện xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024" để hướng dẫn các giải pháp trữ nước cho cây ăn trái, các địa phương cũng đã chủ động triển khai xây dựng và tích trữ nước trong các ao hồ phân tán quy mô hộ, nhóm hộ gia đình để đảm bảo nguồn nước cho cây ăn trái trong thời gian xâm nhập mặn tăng cao.
Tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trong hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây giá trị kinh tế cao. Ưu tiên nguồn lực đầu tư sửa chữa, phục hồi các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác công trình thủy lợi.
Các địa phương vận hành hiệu quả hệ thống cống thủy lợi trong ngăn măn, trữ ngọt.
Cục Thủy lợi cho biết, hiện nay các hệ thống công trình thủy lợi vùng ĐBSCL đã chủ động kiểm soát xâm nhập mặn các khu vực cách biển từ 40-65km, với tổng diện tích khoảng 1,25 triệu ha đất canh tác; cụ thể theo các hệ thống sông như sau: Ở các cửa sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây), khả năng kiểm kiểm soát mặn của công trình thủy lợi cách biển từ 75-80km, đến vị trí Kênh Thủ Thừa thuộc hệ thống thủy lợi Nhật Tảo – Tân Trụ.
Ở cửa các sông Cửu Long: Trên hệ thống sông Tiền, các hệ thống thủy lợi đã kiểm soát mặn cách biển từ 40- 65km; trên sông Hậu: Các hệ thống thủy lợi đã kiểm soát mặn từ 35-55km. Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé có nhiệm vụ kiểm soát xâm nhập mặn trên sông Cái Lớn – Cái Bé cho khoảng 384.000 ha sản xuất nông nghiệp khu vực ven biển Tây, đã được xây dựng và đưa vào vận hành từ cuối năm 2021, đến nay bước đầu khẳng định hệ thống đã đáp ứng được nhiệm vụ thiết kế.
Đài Khí tượng Thủy văn Bến Tre đưa ra nhận định, mùa khô 2023-2024 mặn xâm nhập sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình của giai đoạn từ 2012-2023). Trong đó, nửa cuối tháng 2-2024 xuất hiện 1 đợt xâm nhập mặn từ ngày 19 đến 27-2. Tiếp đó, từ tháng 3 đến tháng 5-2024 nhiều đợt xâm nhập mặn khác sẽ liên tiếp xuất hiện nhưng ranh mặn sâu nhất dự báo xuất hiện trong tháng 3-2024. Trước diễn biến tình hình xâm nhập mặn hiện nay, Công ty công trình thuỷ lợi của địa phương đang thực hiện điều tiết vận hành nhằm đáp ứng phục vụ nhu cầu sản xuất. Đến thời điểm hiện nay, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đề ra.
Tại tỉnh Tiền Giang, do ảnh hưởng của triều cường đầu tháng Giêng (âm lịch) và gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh nên từ ngày 8-2-2024 độ mặn trên các sông tăng cao đột biến, xâm nhập sâu vào nội đồng và đạt mức cao nhất kể từ đầu mùa khô vào các ngày từ 10 đến12-2. Cụ thể, trên sông Tiền, độ mặn 1,92 gam/lít đã xâm nhập đến khu vực thành phố Mỹ Tho, tức cách cửa sông lên đến 46 km vào ngày 11-2; độ mặn xâm nhập sâu nhất đến cầu Xoài Hột, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tức cách cửa sông 51 km với nồng độ đo được vào ngày 21-2 là 0,15 gam/lít.
Trong khi đó, trên sông Hàm Luông, độ mặn cao nhất tại Vàm Mơn, xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, tức cách cửa sông 65 km (cách sông Tiền của tỉnh Tiền Giang 9 km) cao nhất đo được vào ngày 12-2 là 1,4 gam/lít; tại Hoà Nghĩa, tức cách cửa sông 72 km (cách sông Tiền của tỉnh Tiền Giang 2 km) vào ngày 12-2 đo được là 0,3 gam/lít. Còn trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn cao nhất tại thành phố Tân An, tỉnh Long An, tức cách cửa sông 75 km vào ngày 13 và 14-2 cao nhất là 1,1 gam/lít và đến sáng ngày 21-2 dù có giảm so với trước đó, những vẫn ở mức 0,5 gam/lít. Xâm nhập mặn năm 2024 đến thời điểm hiện tại lấn sâu hơn so với trung bình nhiều năm.
Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Tiền Giang đánh giá, nguồn nước phục vụ sản xuất, kể cả sinh hoạt của địa phương hiện vẫn đảm bảo do đã có sự chủ động trong quản lý, ứng phó với xâm nhập mặn. Đối với một số khu vực trũng của vùng dự án ngọt hoá Gò Công- vốn là vùng dễ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn của tỉnh Tiền Giang- một số diện tích lúa sắp thu hoạch người dân còn đề nghị rút nước ra để nền đất khô. Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Tiền Gian không đồng ý vì còn giữ nước để chủ động phương án cho thời gian tới...
Nguyễn Mai
Bình luận