Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 00:11
Thứ tư, 12/10/2022 08:10
TMO – Lộ trình thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội - môi trường phù hợp với cam kết của Việt Nam về đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 đã xác định rõ 8 nhóm chủ đề tổng hợp, 10 chủ đề theo nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên, 57 nhóm nhiệm vụ, hành động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể.
Chiến lược tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngay trước thềm Hội nghị COP26 đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính và hành động khí hậu thông qua hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh và tiếp tục được khẳng định bằng cam kết mạnh mẽ về “phát thải ròng bằng “0” (PTR0)” của Việt Nam. Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc cụ thể hóa Chiến lược tăng trưởng xanh và làm tiền đề cho Lộ trình PTR0, đồng thời hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững SDGs.
Với 8 nhóm chủ đề tổng hợp, 10 chủ đề theo nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên, 57 nhóm nhiệm vụ, hành động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể, Kế hoạch Hành động xác định rõ lộ trình nhằm đạt được các mục tiêu về kinh tế - xã hội - môi trường cho toàn bộ nền kinh tế, đồng thời phù hợp với cam kết của Việt Nam về đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Các nhiệm vụ, hành động tại Kế hoạch được tính toán và xây dựng trên cơ sở lựa chọn kịch bản tăng trưởng xanh cao có tính đến tác động tích lũy của tất cả các giải pháp khả thi về kỹ thuật, trong đó nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên có tính đồng lợi ích, sẵn sàng về năng lực thực thi, bảo đảm cân đối chi phí - lợi ích trong dài hạn và có khả năng lan tỏa, thay vì chỉ tính đến tác động tích lũy của các giải pháp có tính khả thi về kinh tế.
Xu hướng phát triển kinh tế theo mô hình tuần hoàn giúp tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải.
Ngoài ra, ngân sách Trung ương năm 2022 đã hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng và các địa phương cũng dành hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh và tuần hoàn. Đây là những tiền đề và nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của mình đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Xu hướng tiêu dùng xanh đang phát triển nhanh trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cần dần thay đổi thói quen sản xuất lạc hậu hoặc kém thân thiện với môi trường để tiến tới các giải pháp sản xuất xanh mà cả người tiêu dùng cũng cần thay đổi các thói quen của mình và hướng đến một phong cách tiêu dùng tích cực.
Giới chuyên gia cho rằng, những nỗ lực chỉ từ phía cơ quan quản lý là không đủ mà quan trọng hơn là sự thống nhất của tất cả các thực thể tham gia nền kinh tế phải vào cuộc từ ý thức tới hành động. Điều này, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, vẫn còn khoảng cách rất lớn. Nếu không từ bỏ kiểu làm ăn “chụp giật”, ngắn ngày và thay vào đó là tư duy phát triển bền vững thì khi các hiệp định về thương mại có hiệu lực với những quy định rất ngặt nghèo thì nguy cơ phá sản là rất lớn.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chi phí tài nguyên và mức phát thải trung bình của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung cao hơn so với mức trung bình của khu vực và thế giới. Mức sử dụng nước ở nhiều ngành công nghiệp là rất cao và lãng phí. Đơn cử, để sản xuất được một đơn vị sản phẩm đạt mức trên 500 m3/tấn giấy, gấp 5 lần so với chỉ tiêu trên thế giới (xấp xỉ 100 m3/tấn). Nước thải của ngành chế biến thực phẩm cũng cao gấp 3,4 lần so với chỉ tiêu trên thế giới. Bên cạnh đó, chi phí năng lượng cao phổ biến trong các ngành công nghiệp: Ngành giấy tiêu hao 1.200 kwh và 1.500 kg than/tấn giấy tẩy trắng; ngành thép cần 700.000 kwh/tấn thép thỏi và 25 kwh/tấn gang tinh luyện.
Trong khi đó, với đà phát triển kinh tế mạnh mẽ trong hơn 10 năm qua, nhiều thói quen tiêu dùng, nhất là ở thế hệ trẻ, đã trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp khiến cho các nguồn tài nguyên bị khai thác và môi trường bị ô nhiễm, gây mất cân bằng sinh thái và phát triển không bền vững. Các hoạt động đã triển khai mới dừng ở nâng cao nhận thức cộng đồng trong sử dụng các sản phẩm sinh thái, túi nilông sinh thái, 3R và là những hoạt động đơn lẻ, chưa kết nối với nhau, phạm vi tác động chỉ trong khuôn khổ của một nhóm đối tượng hưởng thụ trực tiếp, vì vậy, chưa có tính phổ biến và tính bền vững.
Quốc Dũng
Bình luận