Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 09:11
Thứ bảy, 04/05/2024 11:05
TMO – Nắng nóng không ngừng gia tăng khiến nhiều khu rừng đứng trước nguy cơ cháy rất cao. Câu hỏi đặt ra, các vụ cháy rừng ảnh hưởng thế nào đến môi trường sống?
Theo các chuyên gia, các vụ cháy rừng gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đến môi trường. Cụ thể, các đám cháy rừng làm mất hoặc thu hẹp tính đa dạng sinh học, cắt đứt các chuỗi thức ăn và mối liên kết trong hệ sinh thái (ảnh hưởng đến sự sống của các loài động, thực vật).
Cháy rừng làm gia tăng ô nhiễm không khí. Theo đó, khói từ đám cháy chứa các chất độc hại như khí CO2, CO, và các hợp chất hữu cơ không dễ bay hơi, gây ra ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Cháy rừng làm mất mát, ảnh hưởng đến đất phù sa. Theo đó, đám cháy rừng cũng có thể gây ra mất mát đất và đất phù sa do sự xói mòn, làm giảm tính chất đất và ảnh hưởng đến trồng trọt và sản xuất nông nghiệp sau này. Ngoài ra, cháy rừng tác động tiêu cực đến hệ thống thủy văn. Theo đó, cháy rừng có thể làm tăng nguy cơ lũ lụt và sạt lở đất, ảnh hưởng đến các hệ thống thủy văn và cung cấp nước.
Cháy rừng làm cắt đứt các chuỗi thức ăn và mối liên kết trong hệ sinh thái. Ảnh minh họa.
Các đám cháy rừng gây ra những tác động nghiêm trọng đối với môi trường sống. Để đề phòng cháy rừng, cần triển khai một số biện pháp quan trọng sau: Giáo dục cộng đồng (tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguy cơ cháy rừng và cách phòng tránh); Quản lý rừng hiệu quả (thực hiện các biện pháp quản lý rừng bền vững và đảm bảo sự giám sát định kỳ để phát hiện và kiểm soát các vấn đề nguy cơ cháy rừng).
Từng gia đình, từng cá nhân phải có ý thức cao trong bảo vệ rừng; tích cực tham gia phòng, chống cháy rừng bằng những việc làm thiết thực, đặc biệt không có các hành động gây nguy cơ cháy rừng như: bất cẩn trong dùng lửa, đốt dọn ven rừng, đốt đồi trọc lấy cỏ chăn nuôi, vào rừng đốt tổ ong lấy mật...
Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng; Thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết, nguy cơ và cấp cháy rừng, thông báo rộng rãi đến người dân; Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng cho các chủ rừng và người dân; Lắp đặt các biển báo khu vực có nguy cơ cao về cháy rừng, các địa điểm không được sử dụng lửa để người dân nhận biết; Chủ động các phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng (Dao phát, cuốc, xẻng, máy bơm, nguồn nước phục vụ chữa cháy...);
Phòng chống cháy rừng là nhiệm vụ quan trọng đối với những địa phương có rừng.
Xây dựng và duy trì cơ sở hạ tầng phòng cháy như đường dẫn nước, tháp chữa cháy và hệ thống cảnh báo. Phát triển kế hoạch ứng phó cháy rừng, bao gồm phân công nhiệm vụ, đào tạo cán bộ và chuẩn bị trước các tài nguyên cần thiết. Sử dụng công nghệ hiện đại như hệ thống giám sát qua vệ tinh và drone để phát hiện sớm và ứng phó nhanh chóng với các vụ cháy; Khi xảy ra cháy rừng báo ngay cho mọi người xung quanh và cơ quan chức năng gần nhất; Triển khai “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ)…/.
VŨ VĂN XUYÊN
Bình luận