Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 09:11
Thứ hai, 22/04/2024 08:04
TMO – Đến cuối năm 2023, cả nước phát sinh khoảng 24,5 triệu tấn rác thải rắn sinh hoạt. Về cơ sở và công nghệ xử lý hiện nay, toàn quốc hiện có 1.456 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có 7 cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt có phát điện; 7 dự án đốt rác phát điện; 476 cơ sở đốt chất thải rắn không phát điện, 951 cơ sở chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, trong đó có chất thải rắn. Trong chất thải rắn thì chất thải đô thị, sinh hoạt và rác thải nhựa là những vấn đề gây bức xúc.
Theo thống kê của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, đến cuối năm 2023, cả nước phát sinh khoảng 24,5 triệu tấn rác thải rắn sinh hoạt. Về cơ sở và công nghệ xử lý hiện nay, toàn quốc hiện có 1.456 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có 7 cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt có phát điện; 7 dự án đốt rác phát điện; 476 cơ sở đốt chất thải rắn không phát điện, 951 cơ sở chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Về công nghệ xử lý, theo số liệu năm 2019 có 70% rác thải chôn lấp, con số này hiện đã giảm xuống còn khoảng 64%. Các địa phương đã rất nỗ lực để giảm tỷ lệ này. “Theo Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia, mục tiêu đến năm 2030 toàn quốc giảm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt chôn lấp trực tiếp xuống còn dưới 30%. Đây là áp lực rất lớn cho ngành và các địa phương.
Đưa chính sách quản lý chất thải rắn sinh hoạt vào cuộc sống. Ảnh: XL
Theo các chuyên gia, chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta hiện nay có khoảng 20% là chất thải có thể tái chế; 60% chất thải hữu cơ có thể làm compost, phân vi sinh, biogas... còn lại là chất thải khác đem thiêu đốt thu nhiệt hoặc chôn lấp. Phần lớn các thành phần trong chất thải rắn sinh hoạt đều có thể tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng và chôn lấp. Nếu việc chôn lấp được thực hiện đúng quy cách cũng có thể tạo ra tài nguyên không gian.
Mặt khác, trong các loại chất thải thì chất thải rắn sinh hoạt khó quản lý và xử lý triệt để nhất do ý thức của đa số người dân còn chưa cao, hệ thống phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, tại các đô thị lớn có tốc độ đô thị hóa cao, các khu vực phát triển công nghiệp nhanh, nguồn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng nhanh trong các năm gần đây và nhiều nơi không thể tìm thêm được địa điểm chôn lấp mới trong khi chưa có các công nghệ xử lý tiên tiến thay thế, người dân chưa thực hiện việc phân loại chất thải rắn tại nguồn.
THANH BÌNH
Bình luận