Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 01:11
Thứ năm, 19/09/2024 19:09
TMO – Nhà đầu tư phải hực hiện đầy đủ các thủ tục về môi trường, trong đó có đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; tuân thủ quy định của pháp luật về thủy lợi và pháp luật về tài nguyên nước trong quá trình triển khai dự án.
Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Châu Minh - Bắc Lý - Hương Lâm giai đoạn 1. Dự án có quy mô diện tích 105,5 ha, vốn đầu tư 1.256,155 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 190,308 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và được thực hiện tại xã Châu Minh, Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang quy định cụ thể tiến độ thực hiện dự án tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng không quá 18 tháng kể từ ngày nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan. Các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.
Bắc Giang là một trong những địa phương có thế mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ. Ảnh minh họa.
Tỉnh Bắc Giang chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin, số liệu báo cáo và các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; tiếp thu ý kiến của các Bộ tại hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đối với các nội dung trong phạm vi thẩm quyền; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đảm bảo nhà đầu tư tuân thủ quy định của pháp luật và thực hiện các nội dung, điều kiện theo quy định trong quá trình thực hiện dự án. Đảm bảo việc phân bổ chỉ tiêu đất khu công nghiệp cho dự án phù hợp với tiến độ thực hiện dự án được phê duyệt; tổng hợp, đảm bảo dự án nằm trong kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2026-2030 của tỉnh Bắc Giang và kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện Hiệp Hòa được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai.
Tổ chức lập, thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện thu hồi đất phù hợp với tiến độ thực hiện dự án, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân, đối tượng bị thu hồi đất; đảm bảo các quyền lợi chính đáng và sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân, đối tượng bị thu hồi đất, tránh xảy ra khiếu nại, khiếu kiện gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương; lưu ý nhà ở để phục vụ tái định cư phải có đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và đảm bảo yêu cầu đối với phát triển nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Chính phủ yêu cầu tỉnh Bắc Giang kiểm tra, xác định việc đáp ứng điều kiện được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trước thời điểm nhà đầu tư được giao đất để thực hiện dự án; kiên quyết thu hồi đất của các nhà đầu tư hạ tầng không có năng lực, để chậm tiến độ nhằm sử dụng có hiệu quả đất khu công nghiệp để tạo môi trường đầu tư lành mạnh. Thực hiện trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật về đất đai; trường hợp xác định có tài sản công thì xử lý theo quy định của pháp luật về tài sản công, đảm bảo không thất thoát tài sản nhà nước.
Tổ chức lập, phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Châu Minh - Bắc Lý - Hương Lâm và các quy hoạch phân khu có liên quan theo quy định của pháp luật về xây dựng, đảm bảo kết nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội giữa các phân khu; quản lý, giám sát, hướng dẫn nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án phù hợp với các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp được phê duyệt. Giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về môi trường của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, ít sử dụng lao động và tài nguyên; đảm bảo khoảng cách an toàn giữa khu công nghiệp với khu vực xung quanh, xây dựng các phương án quan trắc để giám sát hoạt động xả thải tại khu công nghiệp...
Đối với chủ đầu tư, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án và văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chịu hoàn toàn trách nhiệm và các rủi ro, chi phí có liên quan trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư và quy định của pháp luật về đất đai theo quy định. Chỉ thực hiện dự án sau khi việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; nộp một khoản tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa theo quy định. Thực hiện đầy đủ các thủ tục về môi trường, trong đó có đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; tuân thủ quy định của pháp luật về thủy lợi và pháp luật về tài nguyên nước trong quá trình triển khai dự án.
Những năm gần đây, Bắc Giang đã và đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, trở thành một địa phương phát triển công nghiệp lớn mạnh. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Theo đó quy hoạch để ra mục tiêu đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Đặc biệt, quy hoạch đến năm 2030, toàn tỉnh Bắc Giang sẽ có 29 KCN với tổng diện tích là 7.000 ha. Đến nay, Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang đã chủ trì lập, hoàn thành trình phê duyệt quy hoạch 20/29 KCN (trong đó có 8 KCN đang hoạt động), tổng diện tích gần 4.600 ha, từ đó thu hút các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các KCN, cơ cấu kinh tế của tỉnh Bắc Giang đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp. Nếu như năm 2004 sản xuất công nghiệp của Bắc Giang chỉ chiếm 7,4% thì đến năm 2020 tỷ lệ này đã đạt 47% và năm 2023 là 59%. Hiện, các KCN của Bắc Giang thu hút 488 dự án đầu tư, trong đó có 373 dự án FDI, 115 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI); tổng vốn đầu tư quy đổi đạt 10,6 tỷ USD.
QUỲNH VÂN
Bình luận