Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 15:01
Thứ năm, 12/12/2024 14:12
Cụm cây Đa- cây Gạo nằm trong di tích Miếu Nghè thuộc làng Lưỡng Quán, xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Phía Tây giáp các xã Hồng Phương, Trung Hà, Hồng Châu ( Vĩnh Lạc), Phía Nam giáp xã Tiến Thịnh ( Mê Linh), nằm bên hữu ngạn sông Hồng.
Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường trân trọng gửi đến bạn đọc tác phẩm: “Một số giá trị văn hóa- lịch sử- tâm linh- kinh tế và môi trường khi bảo tồn Cây Di sản (cây đa- cây gạo) làng Lưỡng Quán. Tác phẩm đoạt giải trong Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024.
Tác giả: LÊ THIẾT BÌNH (Yên Lạc, Vĩnh Phúc)
Ngược dòng lịch sử: Lưỡng Quán xưa thuộc kinh đô Phong Châu thời kỳ Hùng vương dựng nước. Thời kỳ đầu công nguyên Lưỡng Quán thuộc quận Phong Châu. Thời Trần: Lưỡng Quán thuộc lộ Tam Giang, châu Thạo Giang; Thời Lê: Lưỡng Quán thuộc Châu Lưỡng Quán, huyện An Lạc, phủ Tam Đới, Trấn Sơn Tây; Thời Nguyễn: Lưỡng Quán thuộc Châu Lưỡng Quán, huyện An Lạc. Năm 1840 Lưỡng Quán thuộc Châu Lưỡng Quán, huyện Yên Lạc, tỉnh Sơn Tây. Năm 1903 Lưỡng Quán thuộc Châu Lưỡng Quán, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Yên.
Năm 1950 hợp nhất 2 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên thì Lưỡng Quán thuộc xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Tháng 3/1968 hợp nhất 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành Vĩnh Phú thì Lưỡng Quán thuộc xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phú và khi 2 huyện Yên Lạc và Vĩnh Tường sáp nhập thành Vĩnh Lạc thì Lưỡng Quán có địa chỉ: Thôn Lưỡng quán, xã Trung Kiên, huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phú. Năm 1997, tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc, thì Lưỡng Quán thuộc xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc. Làng Lưỡng Quán hiện có 4 thôn gồm thôn Lưỡng Quán 1; 2; 3 và thôn Lưỡng 3 Gềnh Đá. Dù thay đổi tên gọi hành chính song Lưỡng Quán vẫn không thay đổi và nhân dân vẫn lưu truyền:
“…Nhĩ Hà, Lưỡng Quán còn ghi dấu
Nguy nga còn mãi dải non sông”
Khảo tả về cụm cây Đa, cây Gạo của làng Lưỡng Quán
Theo Wikipedia tiếng Việt cây Đa, tên khoa học là Ficus drupacea Thunb, thuộc họ Dâu tằm (Morceae) được tìm thấy tại nhiều Đình, Chùa và khu vực làng quê. Hầu như làng quê truyền thống ở Bắc Bộ nào cũng có những cây Đa cổ thụ trong làng và bên cạnh các di tích. Ý nghĩa biểu tượng đầu tiên của cây Đa là sự trường tồn, sức sống dẻo dai. Cây Đa còn là biểu tượng thần quyền và tâm linh của con người. Trong làng, cây Đa có mặt ở nhiều nơi khác nhau nhưng hầu như nó không vắng bóng ở các di tích, đặc biệt là Đình, Chùa. Nó còn gắn liền với hình ảnh của làng quê Việt Nam qua những hình tượng như "cây Đa, giếng nước, sân Đình".
Cây Gạo (Mộc miên), người Tây Nguyên gọi là Pơ lang có tên khoa học là Bombax ceiba L – dân gian quan niệm là nơi nương tựa của những cô hồn bơ vơ, nên thường nói vậy để ám chỉ sự thần bí của loại cây này. Người ta cũng đồn rằng, cây tầm gửi mọc trên thân cây gạo sẽ chữa được rất nhiều bệnh. Thành ngữ liên quan đến cây gạo: "Thần cây Đa, ma cây Gạo" nhắc đến phép siêu nhiên gắn bó với hai loại cây này trong tâm thức văn hóa Việt. Vì vậy nên 2 cây Đa- cây Gạo tuy khác giống loài, nhưng lại sống gắn kết thành 1 khối với nhau tại Miếu Nghè là những nét đặc trưng với văn hóa truyền thống của người dân làng Lưỡng Quán.
Sự gắn kết miếu Nghè và cụm cây Đa- cây Gạo
Bối cảnh lịch sử trồng cây Đa- cây Gạo: Theo lời kể của các cụ cao niên làng Lưỡng Quán, quan Thái bảo họ Phan làng Lưỡng Quán là người phục vụ đắc lực và tin cẩn, trung thành cho các vua cuối hậu Lê. Phan thái bảo được vua ban “ Thái bảo Quốc công”; người dân Lưỡng Quán gọi là “Quan Thái bảo” và ban cho đất ở địa phương để hưởng lộc. Đất ấy gọi là đât “Phan”, về sau người dân gọi chệch là đất Phe. Là vị quan có xu hướng phản đối triều đình về nội trị để đất nước rối ren nên bị hình phạt chôn sống tại chính khu đất vua ban. Quan Thái bảo có người bạn thân người Kinh Bắc ( tỉnh Bắc Ninh ngày nay) đậu tiến sỹ nên mai mối gả em gái tên là Phan HúyTrinh cho ngài tiến sỹ. Vì vị Tiến sỹ cùng trí hướng với quan Thái bảo, do vậy vị Tiến sỹ đã bị triều đình bắt giam và xử tội chém đầu vứt xác trôi sông Hồng. Dân làng Lưỡng Quán đã xây miếu và trồng cây Đa, cây Gao ngay tại miếu thờ ngài Tiến sỹ. thời gian xây miếu vào cuối thế kỷ thứ 18, triều đại Hậu Lê.
Toàn cảnh Miếu Nghè và cụm Cây Di sản (cây Đa- cây Gạo). Ảnh: LTB
Quá trình xây miếu và trồng cây đa- cây gạo: Miếu Nghè và cây Đa- cây Gạo được xây dựng vào năm Tân Hợi (1791). Để tỏ lòng kính trọng khí tiết ngài Tiến sỹ người dân làng Lưỡng Quán đã xây miếu và trồng cây Đa, cây Gạo tại địa điểm hiện nay để thờ vong ngài Tiến sỹ. Miếu không ghi tên cụ thể ngài, vì theo các cụ truyền lại sợ liên lụy đến gia đình và dịa phương nên miếu có tên là miếu Nghè. Cũng chính nơi đây 2 em gái quan Thái bảo nghe tin anh trai và chồng chưa cưới bị sát hại nên đã tự vẫn. Trải qua năm tháng, như có sự linh ứng, cây Đa- cây Gạo ôm ấp, quấn quýt bên nhau, tán xòa che mát miếu thờ.
Từ đó, ngày đầu khai hội ( từ 7-10 tháng giêng) dân làng Lưỡng Quán tổ chức rước kiệu Văn từ Miếu Nghè về khai lể ở Đình làng. Hiện tại Miếu Nghè là biểu trưng cho sự phát triển bền vững, sự đoàn kết, hòa đồng của người dân Lưỡng Quán, là 1 bộ phận cấu thành cảnh quan độc đáo để được công nhận miếu Nghè là khu di tích lịch sử văn hóa.
Hành trình công nhận cây di sản của cụm cây Đa- cây Gạo: Ngày 12 tháng 02 năm 2012, Ban Quản lý di tích lịch sử Làng Lưỡng Quán đã trình hồ sơ lên Hội đồng Cây di sản Việt Nam thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, đề nghị xem xét và công nhận cụm cây Đa- cây Gạo trong khu di tích Miếu Nghè thuộc Làng Lưỡng Quán là cây di sản Việt Nam. Theo hồ sơ đăng ký cây di sản năm 2012 của Ban Quản lý di tích lịch sử làng Lưỡng Quán, cây có chỉ số đo đếm như sau: Cây có đường kính cây 3,4 m, chu vi cây 10,7 m, chiều cao 38 m, góc nghiêng 20o Bắc; có nhiều bạnh, trong đó có 6 bạnh chính; chu vi tán cây rộng hơn 138 m.
Gốc cây Đa- cây Gạo, vị trí xác định số đo của cây. Ảnh LTB
Cụm cây hiện tại phát triển tốt, cây Đa cành lá xum xuê, nhiều chùm rễ rủ. Cây Gạo phía gần gốc bám sát cây Đa, hiện nay có 2 cành bị chết, còn lại 01 cành nghiêng phát triển tốt. Dưới gốc cây Gao- cây Đa là miếu Nghè. Cụm cây Đa- cây Gạo làng Lưỡng Quán là một trong số ít cây di sản Việt Nam ngoài giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh và cảnh quan môi trường, cụm cây Đa- cây Gạo còn góp phần tăng thu vè tài chính cho Ban quản lý di tích, cụ thể như sau:
Giá trị về mặt văn hóa, lịch sử: Cụm cây Đa- cây Gạo gạo có giá trị về văn hóa, lịch sử, tâm linh đối với người dân làng Lưỡng Quán. Khách thập phương khi nói về Lưỡng Quán thường liên tưởng đến cây Gạo- cây Đa ở Miếu Nghè.
Về giá trị văn hóa: Khuôn viên cây di sản rộng 400 m2, xung quanh được xây tường chắc chắn. Ngoài cây Đa- cây gạo cổ thụ, trong khuôn viên miếu được trồng một số cây Sưa và các cây ăn quả; có nhà khách và các công trình phụ trợ thuận tiện cho để khách thập phương vãn cảnh. Bia công nhận cụm cây Đa- cây Gạo là cây di sản Việt Nam đã được đặt trang trọng trong miếu nhỏ ngay dưới gốc cây, có đèn nến, bát nhang để hàng ngày khách thắp phương tham quan chiêm bái thắp. Đây là việc làm rất tinh tế, khéo léo của Ban Quản lý di tích, thể hiện nét văn hóa tôn trọng sự vinh danh cây di sản nhằm giữ gìn lâu dài văn bia; đồng thời khẳng định Cây Đa - cây Gạo là biểu tượng của sự đoàn kết, gắn bó tương thân, tương ái của người dân 4 thôn thuộc làng Lưỡng Quán. Hàng năm, vào ngày 7 đến 10 tháng giêng, làng thường tổ chức lễ hội, trước khi vào lễ, thường tổ chức rước kiệu từ Đình ra Miếu để rước văn về Đình. Đây là truyền thống văn hóa đặc trưng nhằm nhắc nhở con cháu nhớ lời dạy của tiền nhân về đạo làm người và khích lệ sự hiếu học của con cháu.
Lãnh đạo địa phương chụp ảnh lưu niệm với GSTKH Đặng Huy Huỳnh tại bia Cây Di sản Việt Nam.
Về giá trị lịch sử: Miếu Nghè là điểm hẹn của các cán bộ Viêt minh do ông Đinh Đức Thiện- xứ ủy Bắc kỳ lãnh đạo và hoạt động. Đây cũng là nơi chi bộ Đảng đầu tiên của xã thường tổ chức họp. Năm 1945, dưới sự chỉ đạo của đ/c Đinh Đức Thiện, lá cờ đỏ sao vàng đã được các Đảng viên treo trên ngọn cây gạo. Thời Pháp thuộc, quân đội viễn chinh Pháp đã dùng cây gạo làm mốc tiêu để bắn pháo vào các làng mạc do Việt Minh kiểm soát.
Về giá trị trị tâm linh: Cây Đa - cây Gạo gắn liền với miếu Nghè từ lâu đã trở thành điểm tâm linh cho mọi người ở làng Lưỡng Quán và khách thập phương. Người dân tin rằng có các Ngài hiển linh để bênh vực cho người lương thiện, mách bảo họ làm điều tín nghĩa, chỉ rõ kẻ gian, phù hộ cho các cặp uyên ương và linh ứng với các sĩ tử khi đi thi. Đến nay người dân vẫn truyền nhau những câu chuyện huyền bí về linh thiêng của Cây Đa - cây Gạo. Từ những năm 70 trở về trước, khu vực này hoang sơ, ít người dám tới bởi tin đồn có rắn thần, ma quỷ. Những người chặt phá cây hoặc có lòng tham mang thân cây về làm của riêng đều có kết cục bi thảm. Từ những năm 1908 trở lại đây khu vực này đã được sửa sang sạch đẹp và là nơi thăm viếng của đông đảo khách thập phương. Tại buổi lễ vinh danh, lần đầu tiên, cụm từ “Cụ Cây” được chuyên gia lâm nghiệp, uỷ viên Hội đồng cây di sản Viêt Nam Nguyễn Quốc Dũng sử dụng và được người dân rất tán thưởng.
Sau khi cây Đa- cây Gạo được tôn vinh là cây di sản Việt Nam, đầu tháng 4 năm 2012, đoàn cán bộ của tỉnh Vĩnh Phúc đi thăm đảo Trường Sa, đã về Miếu Nghè xin ít đất để tặng cán bộ chiến sỹ đảo Trường Sa. Nhiều đôi nam thanh nữ tú trước khi kết hôn đều ra miếu Nghè thỉnh xin Ngài phù hộ nên duyên. Đây cũng là điểm dừng chân thắp hương của các nam thanh, nữ tú đến chiêm bái trước khi đi thi tốt nghiệp hoặc thi vào đại học…
Về cảnh quan môi trường: Cụm cây Gạo- cây Đa nằm sát đường liên xã, cạnh cánh đồng làng, gần cụm di tích lịch sử văn hóa làng Lưỡng Quán, gần trung tâm xã, do vậy tạo nên bộ mặt nông thôn mới với cảnh quan đẹp đẽ. Dưới tán cây là chỗ sinh hoạt văn hóa, nghỉ ngơi thư giãn sau giờ làm ruộng nắng bức và là nơi dừng chân lý tưởng cho những người đến viếng Miếu Nghè.
Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị xem xét công nhận cây di sản Việt Nam, ngày 2 tháng 3 năm 2012, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã ban hành Quyết định số 86/HMTg do Chủ tịch Hội Nguyễn Ngọc Sinh ký công nhận cụm cây Đa- cây Gạo thuộc khu di tích lịch sử miếu Nghè là cụm cây di sản Việt Nam.
Ngày 31 tháng 3 năm 2012, UBND xã Trung Kiên đã tổ chức lễ đón nhận vinh danh cây di sản Việt Nam tại Miếu Nghè. Đó là ngày hội của toàn dân với sự có mặt cả 400 đại biểu thay mặt cho 4 thôn làng Lưỡng Quán, sau lễ công bố là giao lưu văn nghệ giữa cộng đồng địa phương với đoàn cán bộ của VACNE, đặc biệt người dân Lưỡng Quán hết lời ca ngợi sự tận tình, chu đáo của Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, dư âm buổi lễ được lan tỏa nhanh chóng trong cộng đồng và góp phần đóng góp vào những nội dung thiết thực trong việc xây dựng nông thôn và bảo tồn và phát huy các giá trị hiện có của cụm cây di sản Việt Nam tại làng Lưỡng Quán đã được công nhận.
Một số thành tựu, những khiếm khuyết và biện pháp khắc phục
Thành tựu đã đạt được: Ban Quản lý các di tích lịch sử văn hóa làng Lưỡng Quán được giao nhiệm vụ quản lý cây di sản Việt Nam là cụm cây Đa- cây Gạo. Ban Quản lý đã có chương trình, kế hoạch hàng tháng, quý, năm rất cụ thể. Cụm cây Đa- cây Gạo là điểm đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc được công nhân cây di sản Việt Nam, do vậy Ban quản lý khu di tích xác định là điểm mẫu để các địa phương trong và ngoài tỉnh tham quan, học tập. Đã huy động nhiều lượt người dân sửa chữa, nâng cấp, di tu toàn bộ khu Miếu Nghè. Nhà tiếp khách thập phương được chỉnh trang, đường đi trong khuôn viên được lát gạch; Miếu đã được nâng cấp, tường bao xung quanh được xây kiên cố.
Ban Quản lý đã cử 2 cụ bà thường xuyên trông coi khu di tích miếu Nghè, chăm sóc cây, vệ sinh xung quanh khu di tích, đón tiếp khách và quản lý tiền khách đến thăm quan bái vọng Miếu và cụm cây di sản. Hàng tháng Ban quản lý thường nhóm họp tại Miếu Nghè để xem xét công việc đã làm được, đề ra kế hoạch tiếp theo, đồng thời kiểm quỹ.
Theo báo cáo của Ban Quản lý, trước kia chỉ thu được 5-10 triệu tiền khách đến kêu cầu tại Miếu, nhưng từ khi cụm cây Đa- cây Gạo được công nhận là cây di sản Việt Nam, lượng khách tới thăm viếng tăng nhiều lần, số tiền hàng tháng thu được từ 20- 25 triệu/tháng; một số tháng trong năm như dịp cuối năm, đầu xuân và những tháng học sinh thi cử thu được 30 triệu/tháng. Số tiền thu được Ban Quản lý đã đủ kinh phí để sử chữa, nâng cấp Đình, Đền, Miếu; hỗ trợ hàng tỷ đồng cho xây Chùa Hương Sơn và còn có tiền dự trữ hàng trăm triệu đồng.
Về chăm sóc cây di sản, ngoài việc vệ sinh hàng ngày, mỗi năm đều bón cho cây 50 kg phân NPK, mùa có sâu bệnh đều được xem xét để phòng trừ. Năm 2006, khi khánh thành đình Lưỡng Quán, Ban Quản lý đã lấy giống cây Đa tại miếu Nghè về trồng tại sân Đình. Đến nay cây Đa trong Đình đã cao tới hơn 20m, tán rộng và là nơi nghỉ mát cho người dân vãn cảnh Đình.
Năm 2021, khi thực hiện nâng cấp hệ thống gia thông nông thôn, UBND xã Trung Kiên trải nhựa đường qua miếu Nghè, mở rộng 40 m2 mặt trước cụm cây di sản để làm bãi đỗ xe cho khách đến tham quan. Quý II năm 2024, đã thực hiện dự án trùng tu lại miếu, dự kiến quý 4/2024 sẽ hoàn thành. Hiện tại Làng Lưỡng Quán đã được công nhận là nông thôn mới nâng cao, nhà cửa khang trang, không còn hộ nghèo. Đường làng, ngõ xóm đã được trải nhựa, các thôn đều có gắn số nhà. Ven đường trong thôn được trồng hoa, cây cảnh. Đường làng sạch sẽ, các vườn trong thôn xóm đều phủ kín cây ăn quả, cây lâu năm. Điện đường sáng về ban đêm tạo cảnh quan sạch đẹp. Sắp tới làng Lưỡng Quán đang triển khai các giải pháp đồng bộ để trở thành làng nông thôn mới thông minh. Sự thay đổi bộ mặt nông thôn mới có đóng góp không nhỏ từ cây di sản Việt Nam.
Một số khiếm khuyết: Trong hơn 10 năm bảo tồn cây di sản, đã bộc lộ 1 số khiếm khuyết, đó là: Thiếu hiểu biết về chăm sóc cây cổ thụ. Ban đầu khi được vinh danh, đã bón quá nhiều phân cho cây/1 đợt, dẫn đến cây bị chết 1 số cành, thậm trí nhiều cành bị sâu hại lá rất nặng; song chưa có biện pháp hữu hiệu để diệt trừ sâu bệnh.
Trước đây miếu Nghè chưa được công nhận cụm cây Đa- cây Gạo là cây di sản Việt Nam, thì miếu Nghè ít bị nhiều đối tượng xấu để ý. Từ khi được công nhận cây di sản, miếu Nghè trở nên nổi tiếng, một số đối tượng bắt đầu nhòm ngó, song Ban Quản lý chưa có phương án bảo vệ an ninh khu miếu Nghè, dẫn đến 3 vụ bị chặt trộm cây sưa, nhưng phát hiện muộn nên chỉ thu giữ hiện vật bán được 290 triệu. có những đợt kẻ xấu phá két, trộm tiền, làm thất thoát tiền. Ban Quản lý đã báo cáo chính quyền và đã có biện pháp quản lý để khu di tích được an toàn, tạo điều kiện khang trang cho khu di tích miếu Nghè và cụm cây di sản.
Về biện pháp bảo tồn cây Gạo, từ những năm 2010, cây gạo đã bị chết từng cành, nhưng có ý kiến đề xuất đổ đất lên thân cây rỗng và bón phân cho cây gạo nhưng không khả thi. Tại cuộc họp toàn dân nhân dịp tiệc đầu xuân tại Định làng năm 2023, Toàn thể các đại biểu đã nhất trí trồng lại cây Gạo tại miếu và giao cho Ban Quản lý di tích tuyển chọn cây đủ tiêu chuẩn để trồng vào thời gian thích hợp
Những biện pháp khắc phục: Sau khi hoàn thành hạ tầng giao thông, cần quy hoạch nơi trông giữ xe, bỏ lán tạm che chắn chỗ bia cây di sản để tạo độ thông thoáng sân vườn. Vườn sau cây di sản cần nâng nền lên 30 cm để trồng hoa xen kẽ cây cổ thụ có giá trị kinh tế cao; mời chuyên gia cây trồng đến tư vấn tạo bộ rễ cho cây Đa đúng kỹ thuật, mỹ quan.
Về cây Gạo bị chết, hiện gốc cây đã mục, chỗ gốc mục lại bị thân cây Đa bao bọc với đường kính cỡ 1 m; đề nghị Ban Quản lý mời chuyên gia khảo sát để có thể trồng thay thế cây Gạo mới vào chỗ gốc chết hoặc có phương án kỹ thuật phù hợp. Cụm cây Đa- cây Gạo đã được vinh danh cây di sản; song trong khu di tích Đình, Đền còn có nhiều cây đã gần 100 tuổi, Ban Quản lý nên xem xét bảo tồn những cây hiện có; đồng thời loại bỏ những cây không phù hợp, bổ sung những cây quý hiếm phù hợp với cảnh quan từng khu di tích, đồng thời có biện pháp an ninh, chống mất trộm đồ thờ cổ, cây quý hiếm. Tăng cường tuyên truyền để người dân đồng thuận và mở rộng giao lưu với hệ thống cây di sản Việt Nam để được chia sẻ thông tin và hỗ trợ kỹ thuật. Đề nghị Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhân rộng mô hình bảo tồn cây di sản, đặc biệt là về giá trị kinh tế đối với bảo tồn cây di sản của các địa phương./.
Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chủ trì, Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường được giao triển khai thực hiện. Cuộc thi được phát động triển khai từ tháng 3/2024 đến hết tháng 9/2024. Trong số hơn 400 tác phẩm tham gia cuộc thi, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 25 tác phẩm tốt nhất, phù hợp nhất để công bố, trao giải. Lễ công bố, trao giải được tổ chức ngày 26/11/2024 tại Hà Nội. |
Bình luận