Hotline: 0941068156

Thứ tư, 22/01/2025 14:01

Tin nóng

Đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân 2025

Thêm 15 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Bến Tre: Thiên tuế hơn 200 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Việt Nam – Lào: Thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế theo hướng bền vững

Dấu ấn VACNE năm 2024

Thủ tướng: Đổi mới, sáng tạo, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình

TP. HCM: 8 cổ thụ tại Thảo Cầm viên được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Mù Cang Chải (Yên Bái): 4 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Năm 2024 đánh dấu nhiều thành tựu quan trọng về chính sách, pháp luật ngành tài nguyên, môi trường

Đồng Tháp: Ghi nhận 7 cá thể sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim

Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Quảng Ninh: 156 cây cổ thụ tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long được công nhận Cây Di sản

Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố loạt sự kiện nổi bật của ngành năm 2024

Nhiều ý nghĩa trong việc sớm hoàn thành tái thiết các khu dân cư

Nam Định: Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Giai đoạn 2021-2030 Hà Nội đặt mục tiêu GRDP bình quân từ 8,5 - 9,5%

Hải Phòng: Thêm 4 cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thêm 49 cây cổ thụ đủ điều kiện công nhận Cây Di sản Việt Nam

8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội năm 2025

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt khoảng 8%, tạo đà năm 2026

Thứ tư, 22/01/2025

[Cây Di sản Việt Nam] Nhân giống Cây Di sản - biến giấc mơ thành hiện thực

Thứ năm, 19/12/2024 14:12

Ở bản Piêng Lâng xã Nậm Giải việc người dân tự trồng thành công giống cây Di sản Sa mu là cơ sở để Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt chuyển hóa giấc mơ tạo lập những quần thể Sa mu của mình thành hiện thực.

Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường trân trọng gửi đến bạn đọc tác phẩm: Nhân giống Cây Di sản - biến giấc mơ thành hiện thực. Tác phẩm đoạt giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024.

Tác giả: TUẤN QUỲNH (Tạp chí Kinh tế Môi trường)

Nhân giống Cây Di sản, dễ mà khó

Sau hoàn lưu bão số 4, những trận mưa lớn kéo dài, khiến chúng tôi có phần bất an khi quyết định lên thăm vùng đất địa đầu biên giới xã Nậm Giải, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Bởi sau khi dừng mưa, độ ổn định của các sườn dốc vẫn còn rất thấp nên vẫn có thể xảy ra trượt lở bất cứ lúc nào. Sau mấy lần lỡ hẹn, chúng tôi tự trấn an bản thân, vượt qua hơn 200 km đến Pù Hoạt, để mắt thấy, tai nghe những câu chuyện nhân giống bảo tồn Cây Di sản Sa mu của những người đang làm việc tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

13h chiều, khi tôi vừa đặt chân đến Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, bắt gặp một cán bộ trẻ đang lúi húi dắt xe, sau cuộc trò chuyện chúng tôi mới nhẽ anh ấy là Nguyễn Văn Hoàng - Trưởng phòng Khoa học & Hợp tác Quốc tế, là người trong nhóm nghiên cứu, bảo tồn giống cây Sa mu mà chúng tôi đang tìm hiểu, anh niềm nở chia sẻ: "Trong những ngày trung tuần tháng 8/2020, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã phối hợp với cán bộ của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt tiến hành điều tra, khảo sát thực địa để thu thập thông tin, dữ liệu phục vụ cho các nội dung nghiên cứu của đề tài. Các hoạt động điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng phân bố loài Sa mu dầu tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã được tiến hành ở các khu vực có ghi nhận phân bố của loài cây này, trong đó tập trung chủ yếu điều tra ở khu vực xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong. Đây là khu vực ghi nhận nhiều quần thể Sa mu dầu xuất hiện - cũng là nơi phân bố quần thể Sa mu dầu được công nhận là quần thể Cây Di sản Việt Nam".

Những cây Sa mu trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

Cây Sa mu dầu có tên khoa học là Cunninghamia konishii Hayata, thuộc họ Hoàng đàn (Cupressaceae); người Thái miền Tây xứ Nghệ gọi là cây Lông Lênh. Quần thể cây Sa mu dầu phân bố trong những cánh rừng tự nhiên chạy dọc biên giới Việt - Lào nằm trong sinh cảnh rừng kín thường xanh, mưa mùa nhiệt đới hỗn giao giữa cây lá rộng và cây lá kim. Tại các khu vực rừng giàu vùng giáp biên giới Việt Nam - Lào, trên địa bàn 3 xã Nậm Giải, Hạnh Dịch, Tri Lễ (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) xuất hiện trên những đai cao so với mặt nước biển từ 1.200 m đến 1.800 m. Sa mu dầu Cunninghamia konishii Hayata là một loài thực vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng, có vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái trong rừng tự nhiên.

Qua một số tuyến điều tra, đoàn nghiên cứu đã thu 30 mẫu sinh học (lá hoặc vỏ cây) trên các cá thể Sa mu dầu trưởng thành khác nhau và được chuyển về phòng thí nghiệm Sinh học phân tử của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga để tiến hành phân tích ADN. Kết quả nghiên cứu sẽ chỉ ra mức độ đa dạng di truyền quần thể và loài Sa mu dầu, đây là cơ sở khoa học để so sánh mức độ đa dạng di truyền của các vùng lập quần Sa mu dầu ở Việt Nam.

Một cụ Sa mu có gốc lớn được bảo vệ nghiêm ngặt trong khu bảo tồn.

Kết quả bước đầu khẳng định độ cao, mức độ che phủ của tán rừng, tần dày lớp đất, số giờ nắng trung bình mùa sinh sản ảnh hưởng lớn đến sự phân bố của loài. Bản đồ đánh giá thích nghi sinh thái cho loài Sa mu dầu phục vụ công tác bảo tồn và phát triển loài đã được thành lập ở quy mô tỷ lệ lớn, là tiền đề lựa chọn và khoanh vùng khu vực có đầy đủ các tiêu chí về môi trường phục vụ xúc tiến tái sinh loài. Sau này, cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt phát hiện có vài cây Sa mu mọc lên tại vườn nhà dân. Từ đó, khát vọng tạo lập những quần thể Sa mu của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được hình thành.

Cây Sa mu có nguy cơ tuyệt chủng nếu không được chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt.

Việc nhân giống Cây Di sản, tưởng chừng như dễ nhưng thế mà lại khó, Hoàng kể, quả Sa mu hình dạng như quả dứa nhỏ, trọng lượng quả tươi khá nặng, lại nằm ở ngọn các cành nhỏ, trên cao lên đến 40 - 50m, nếu trèo hái thì là điều không thể. Kinh nghiệm vào rừng, anh em đúc kết, khi những trận gió lớn tầm tháng 11 - 12 hàng năm, những quả Sa mu đạt độ chín, gặp những đợt gió lớn dưới tác động đố quả sẽ rụng. Nếu chờ khi quả khô tự rụng mới nhặt về để nhân giống thì dễ, nhưng khi đó sẽ mất lượng tinh dầu, chất lượng sẽ kém đi.

Những cây Sa mu non được trồng tại xã Nậm Giải, nơi có điều kiện sinh thái tương đồng với nơi phân bố của loài Sa mu trong tự nhiên.

Những quả được chọn lấy hạt phải là vừa chín tới, to mập có màu xanh hơi ngả vàng. Sau khi thu về, phải mất rất nhiều công sức để từ hạt "biến" thành một cây Sa mu đem đi trồng. Hỏi mới nhẽ, công đoạn này phải đảm bảo sự chỉn chu, quả phải đem ủ 2 - 3 ngày cho chín, khô đều. Khi quả nứt đem phơi, sau đó đập nhẹ tách hạt chất lượng tốt. Những hạt Sa mu có màu cánh gián sẫm sẽ được xử lý, ngâm khoảng 4h trong nước 2 sôi 3 lạnh phối trộn thuốc kích mầm, sau đó để ráo rồi gieo trên luống đất đã chuẩn bị sẵn. Phải vãi đều các hạt lên luống, sau đó phủ kín bằng một lượng đất mỏng đã xay nhỏ. Hàng ngày phải nắm thông tin thời tiết để phun sương đủ ẩm cho phù hợp. Sau khoảng 20 ngày, hạt Sa mu nảy mầm, đến khi cao 3 - 5 cm thì cấy vào bầu, đặt dưới giàn che. Khoảng 1 tháng thì tưới thúc phân NPK định kỳ 20 - 30 ngày 1 lần cho đến khi cây tròn 10 tháng tuổi. Từ 12 tháng trở lên, cây Sa mu giống đã có thể đem trồng.

Vận động người dân trồng Cây Di sản

Ở Việt Nam, Sa mu dầu mọc tự nhiên và hình thành các quần thể gần thuần như loài hoặc hỗn giao với cây lá rộng, rừng thông ẩm nhiệt đới và á nhiệt đới tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Trong những thập kỷ qua, cùng với khả năng tái sinh tự nhiên thấp, tác động của con người ở các khu rừng nhiệt đới đã làm suy thoái nghiêm trọng môi trường sống tự nhiên của loài C. konishii.

Trước đó, ngày 19/8/2022, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt vui mừng tiếp nhận 500 cây giống Sa mu dầu từ Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, đây là sản phẩm thuộc đề tài "Ứng dụng phương pháp thông tin địa lý và kỹ thuật sinh học phân tử phục vụ phát triển loài Sa mu dầu (Cunninghamia konishii Hayata) ở Việt Nam". Ông Nguyễn Văn Sinh (Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt) khẳng định: "Những nghiên cứu của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) đã và đang thực hiện sẽ mở ra những triển vọng lạc quan trong công tác bảo tồn và phát triển những loài cây quý hiếm".

Cán bộ cùng người dân trồng cây Sa mu trong ý tưởng "Con đường Sa mu dầu" tại huyện Quế Phong.

Từ kết quả nghiên cứu của đề tài, đơn vị đã ứng dụng công nghệ tự gieo ươm thử nghiệm được 1.000 cây giống. Để tiếp tục phát triển những kết quả nghiên cứu này, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã cùng phối hợp với Bạn dân vận Huyện ủy Quế Phong đưa ra ý tưởng xây dựng "Con đường Sa mu dầu" ở bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải nhằm bảo tồn loài Sa mu dầu kết hợp xây dựng nông thôn mới gắn với nét đặc trưng của địa phương. Nghĩ là làm, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Ban dân vận huyện uỷ Quế Phong đã phối hợp cùng với Đảng uỷ, UBND xã Nậm Giải, Đồn biên phòng Hạnh Dịch và các cơ quan chức năng trên địa bàn vận động nhân dân bản Piêng Lâng nhận trông, chăm sóc 01 - 02 cây/hộ gia đình, trên trục đường chính từ bản ra trung tâm xã. Với chủ trương đúng đắn, đến nay đã có 180 cây Sa mu dầu được người dân nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ.

Nhắc đến khó khăn hiện tại, ông Nguyễn Văn Sinh chia sẻ: "Thực tế, cây Sa mu là loại cây đang trong quá trình nghiên cứu bảo tồn, vì nó phân bố ở vùng cao, vùng sâu vùng xa. Việc di chuyển cây Sa mu ra vùng ngoài này để bảo tồn thì đang trong quá trình nghiên cứu thêm. Trước đó, chúng tôi có phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu nhân giống của cây này bằng hạt đã thành công. Những năm trước, chúng tôi đã nhân giống được 4.000 - 5.000 nghìn cây và đã cho một số người dân tự trồng tại các xã như Nậm Giải, Châu Thôn... Tuy nhiên, việc Bảo tồn cây Di sản đối với người dân vẫn chưa được mặn mà, bởi chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ khi người dân trồng và bảo tồn loài cây này".

Ngược thời gian, tháng 11/2016, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam có mặt tại huyện Quế Phong trao Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với quần thể 56 cây Sa mu hàng trăm năm tuổi hết sức quý hiếm, kích thước đặc biệt lớn từ 1,7 m đến gần 4 m trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thổ lộ: "Đây là một trong những loại cây quý hiếm, nguy cơ tuyệt chủng rất cao và đây cũng là loại cây đặc trưng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt và huyện Quế Phong. Trong quá trình chúng tôi nghiên cứu, cây Sa mu chủ yếu là những cây đã già, hiếm gặp những cây non tái sinh. Tuy nhiên, có điều đáng mừng là những khu vực trồng cây Sa mu con ở xã Nậm Giải, nơi có điều kiện sinh thái tự nhiên khá tương đồng với nơi phân bố của loài Sa mu trong tự nhiên phát triển khá tốt. Một số người dân yêu thích trồng cây đã đem cây về trồng và tương đối thành công. Có thể thấy, việc nhân giống cây Sa mu nhằm bảo tồn Cây Di sản Việt Nam, góp phần quan trọng bảo tồn nguồn gen quý hiếm, đồng thời sẽ nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng"./.

Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chủ trì, Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường được giao triển khai thực hiện. Cuộc thi được phát động triển khai từ tháng 3/2024 đến hết tháng 9/2024. Trong số hơn 400 tác phẩm tham gia cuộc thi, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 25 tác phẩm tốt nhất, phù hợp nhất để công bố, trao giải. Lễ công bố, trao giải được tổ chức ngày 26/11/2024 tại Hà Nội.

 

 

 

 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline