Hotline: 0941068156

Chủ nhật, 02/02/2025 10:02

Tin nóng

Giám sát chặt chẽ các địa phương thực hiện có hiệu quả phong trào trồng cây

Hàng nghìn người đi lễ đền Trần ngày Mùng 2 Tết

[Tết trồng cây Xuân Ất Tỵ 2025] Các địa phương cần tổ chức thiết thực, hiệu quả

Chào năm mới Ất Tỵ 2025

Người dân ùn ùn đổ về trung tâm xem bắn pháo hoa đón Giao thừa

Hà Nội dừng trình diễn drone trong đêm đón Giao thừa Tết Ất Tỵ

Hà Nội tổ chức 30 điểm bắn pháo hoa đêm Giao thừa

Giấy phép khai thác khoáng sản lòng sông phải thể hiện thời gian được phép hoạt động khai thác

Kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm ATTP dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân 2025

Đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân 2025

Thêm 15 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Bến Tre: Thiên tuế hơn 200 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Việt Nam – Lào: Thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế theo hướng bền vững

Dấu ấn VACNE năm 2024

Thủ tướng: Đổi mới, sáng tạo, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình

TP. HCM: 8 cổ thụ tại Thảo Cầm viên được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Mù Cang Chải (Yên Bái): 4 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Năm 2024 đánh dấu nhiều thành tựu quan trọng về chính sách, pháp luật ngành tài nguyên, môi trường

Đồng Tháp: Ghi nhận 7 cá thể sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim

Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Chủ nhật, 02/02/2025

[Cây Di sản Việt Nam] Cây đa nữ tướng quân

Thứ hai, 16/12/2024 15:12

Mỗi khi qua cầu Sông Lô trên lý trình km 48+ 181 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai nối hai tỉnh Vĩnh Phúc - Phú Thọ. Nếu nhìn theo hướng dòng chảy thì ta sẽ bắt gặp một tượng đài xanh thẫm đứng bên bờ Phải in lên nền mây trắng. Vào mùa Đông, đôi khi ta lại thấy lù lù giống như một hình người, mờ mờ ảo ảo, lúc ẩn lúc hiện, sau màn sương lan tỏa từ mặt nước lên. Đó là cây Đa đứng bên ngôi miếu thờ một nữ tướng quân thời Âu Lạc, mà người dân xã Phượng Lâu (Thành phố Việt Trì – Phú Thọ) khẳng định: đó là “Miếu thờ Bát Nàn đại tướng quân”.

Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường trân trọng gửi đến bạn đọc tác phẩm: “Cây đa nữ tướng quân”. Tác phẩm đoạt giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024.

Tác giả: NGUYỄN THỊ THỦY (Hà Nội)

Có người còn bảo, đây là “chòm sao Bắc Đẩu”, bởi ai cũng có thể nhìn rõ từ rất xa. Cây Đa luôn dẫn lối đưa đường cho chúng tôi về làng, về với cội nguồn cả ngàn năm qua. Và nơi đây cũng là một trong những mốc son lịch sử chói lọi của vùng châu thổ sông Hồng, niềm tự hào cho tất cả những người dân đất Việt.

Cụ bà đảm trách nhiệm vụ Thủ nhang ngôi Miếu này đã hơn 80 tuổi nhưng rất tinh tấn, giải thích: Phượng Lâu tức là Lầu Phượng – nơi sống và sinh hoạt của các quý bà vùng kinh đô Văn Lang thời đó. Cụ cũng không biết chính xác cây Đa này có từ bao giờ và chỉ nghe các bậc Tiền nhân trong làng kể lại cùng với những câu chuyện kỳ bí có liên quan. Cụ khẳng định: từ khi chúng tôi sinh ra và lớn lên đến bây giờ vẫn thấy cây cao lớn như thế.

Những thông tin thu được, khi trao đổi với một số vị cao tuổi và những người dân trong làng cũng tương tự. Cũng có người còn cho rằng: “cụ cây” đã vượt qua mưa sa bão táp cả nghìn năm và vẫn uy nghi tọa lạc trên mảnh đất thiêng, như đứng canh cho ngôi miếu thờ Bầm (Mẹ - tiếng địa phương). Bóng đa thường xuyên bao trùm cả một khoảng đất rộng, bốn mùa che chở cho những lữ khách đợi đò qua sông. Cây tiếp thêm gió mát cho bao lớp tuổi thơ chơi đùa chạy nhảy vào những trưa Hè. Lũ trẻ thường đu bám vào những chùm rễ Đa lơ lửng trong không gian đề leo lên cành, hoặc đung đưa cho thêm phần mát mẻ. Nhiều đứa còn tinh nghịch trèo ra những cành xa để bắt ve sầu, hái quả chín, ăn tranh với lũ chim, lũ sóc. Đôi khi chúng vặt lá làm những con trâu đồ chơi, rồi giật giật cọng rơm buộc sẵn vào cuống, giả vờ như hai con trâu đang giương sừng lên để chọi nhau... Những kỷ niệm thời thơ ấu đó, vẫn theo chúng tôi tới tận bây giờ”. Nhiều người cho biết thêm: khu vực có cây Đa và khu Miếu thờ Bát Nàn đại tướng quân rất linh thiêng. Sự linh thiêng ấy, không chỉ bởi cây Đa quá lâu năm, mà còn bởi mảnh đất này thấm đẫm nhiều máu xương của những tướng sĩ ngàn xưa, của nhiều lớp người đã ngã xuống trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm sau này. Hơn thế nữa, ở đó còn ẩn chứa những ước mơ và khát vọng của những người đã khuất, trong đó có “Bát Nàn Đại tướng quân” từ buổi bình minh Văn Lang. Có lẽ vì thế đến hôm nay, trong dân gian vẫn lưu truyền nhiều câu truyện mang tính huyền thoại và mang màu sắc tâm linh. Đó cũng là lý do thuyết phục, để không một ai dám mạo phạm tới cây Đa và ngôi Miếu cổ; giúp cho Cây Di sản này còn tồn tại đến tận bây giờ.

(Ảnh minh họa. Nguồn: BTC)

Ai tinh mắt sẽ dễ dàng nhận thấy: hầu như tất cả những lữ khách và những người cao tuổi đến đây, đều thì thầm khấn vái. Họ thắp hương cầu mong Bát nàn Đại tướng quân phù hộ cho quốc thái, dân an, nhân khang, vật thịnh. Họ cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi nhà đều no đủ và hạnh phúc. Từ năm 2014, người dân Việt Trì rất mừng vì: cây Đa cổ của địa phương mình được gắn bia công nhận là Cây Di sản Việt Nam, khẳng định thêm vai trò sinh học và lịch sử của vùng đất Tổ.

Theo Thần tích còn lưu lại trong ngôi Miếu thờ bên gốc Đa: “Bát Nàn đại tướng quân”được sinh ra và lớn lên ở trang Phượng Lâu của nước Văn Lang xưa. Sinh thời, bà là cô gái vô cùng xinh đẹp, có nhan sắc (như đóa Phù Dung hé nở vào buổi sáng ban mai). Bà còn rất thông minh lanh lợi, văn võ song toàn, nên được người đời tôn vinh là “Nữ Tiên hạ thế”. Khi đến tuồi Cập kê (biết cài trâm lên mái tóc) Vũ Thục Nương được mai mối, đính hôn với một tráng niên là con trai của một Lạc Hầu vùng Chu Diên, tên là Phạm Danh Hương. Đôi trai tài gái sắc của hai họ Phạm, Vũ đang chờ ngày cưới thì tai họa bất ngờ ập đến.

Nguyên do là: vào thời đó, nước Âu Lạc bị nhà Đông Hán ở phương Bắc đô hộ. Họ cử Thái thú Tô Định sang cai trị dân ta. Vốn là một tên quan háo sắc và biết Thục Nương là một cô gái xinh đẹp vẹn toàn, nên Tô Định dùng quyền uy, sai quân đi bắt cha con Phạm Danh Hương về thành Luy Lâu (Thuận Thành – Bắc Ninh ngày nay), ép buộc họ phải từ hôn, để Nàng thuộc về hắn. Khi bị dẫn giải tới dinh Thái Thú, họ dứt khoát không ăn tiệc mời và cũng nhất quyết không chịu ký vào văn bản từ hôn với gia đình Thục Nương do chúng soạn sẵn.

Bị cự tuyệt, Tô Định lập tức ra lệnh sát hại cả hai cha con Phạm Danh Hương, rồi sai quân về lùng bắt Thục Nương. Bất ngờ bị đâm từ sau lưng, người cha không kịp phản ứng, đã gục ngã ngay trên vũng máu. Còn chàng trai bị trọng thương, nhưng vẫn cố chạy ra bến thuyền mong thoát thân về nhà, nhưng chỉ được một quãng ngắn cũng ngã gục, trút hơi thở cuối cùng bên vệ đường và mắt vẫn hướng về cố hương.

Vô cùng phẫn uất khi nghe những người thân tín theo đoàn tùy tùng thuật lại những tình tiết đó, nhưng biết quan binh nhà Đông Hán đang truy lùng, nên gia đình Thục Nương phải vội vã sai một số người thân tín đưa Nàng đi trốn. Cũng nhờ sự thương yêu, hỗ trợ của người dân, nên toán người này đã bí mật ra được bến sông, lên thuyền. Họ lặng lẽ bơi theo dòng chảy, xuôi Bạch Hạc thoát ra sông Cái (sông Hồng ngày nay) rồi xuôi mãi. Ban ngày ẩn nấp trong những bụi cây ven bờ, đêm đến họ lại lên thuyền hành trình theo dòng nước, xuôi về hướng biển. Sau nhiều ngày yên ắng, không thấy bọn giặc truy đuổi, họ mới dám dừng lại ở một bãi sông vắng bên Tả ngạn (nay thuộc xã Đa Cương, huyện Hưng Hà -Thái Bình) để nương náu. Tại nơi định cư mới, Bà dạỵ dân khai hoang, lập ấp rồi sau đó chiêu tập binh mã, dựng cờ khởi nghĩa.

Thời gian sau, được Hai Bà Trưng khuyển dụ, bà đã cùng các binh sĩ kéo quân về Hội thề Hát Môn (Phúc Thọ - Hà Nôi ngày nay) cùng tụ nghĩa. Tại đây, nghe nội dung lời thề nguyền của các Thủ lĩnh trước thần linh: "Một xin rửa sạch nước thù / Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng / Ba kẻo oan ức lòng chồng / Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này". Thục Nương như được tiếp thêm sức mạnh, thấy mình như Hổ được chắp thêm cánh, bởi mục tiêu và nội dung của những lời thề ấy, cũng chính là tâm nguyện của mình.

"Nếu có chết, về với kiếp sau, chúng ta sẽ lại được gặp nhau, còn bây giờ Thiếp sẽ thay Chàng quyết tâm giết giặc cứu nước, trả thù nhà. Dù đã đính hôn thành vợ chồng nhưng Thiếp chưa một lần nấu cho Chàng một bữa ăn thịnh soạn. Nay bát cơm đầu tiên Thiếp nấu cho Chàng, lại là bát cơm cúng, cơm lèn chặt hình ngôi mộ, cắm đôi đũa bông với quả trứng luộc được dâng lên ban thờ.  Đau đớn quá, Thiếp nghĩ rằng: khi bị giặc hành quyết, Chàng thế nào cũng gọi thầm Thục Nương và muốn cầm tay người vợ sắp cưới của mình để cùng đi ? Dẫu biết Chàng rất can đảm và không bao giờ sợ hãi trước quân thù, nhưng trước khi lìa xa cõi đời này chắc Danh Hương rất ân hận về sự cả tin của cha con mình ?. Giá như biết trước sự tráo trở của tên Thái Thú, chắc chắn Thiếp cũng sẽ không để Chàng đi và không đi đâu hết…".

Có thể đây là những suy diễn của những lớp người hậu thế, bởi lúc này không còn một văn bản nào, còn lưu lại về những diễn biến của thời khắc đó. Nhưng vẫn có thể là tâm tư thực sự của Thục Nương. Bởi một cô gái mới lớn đầy mơ mộng, bỗng bị mất đi người chồng sắp cưới là một chàng trai tuấn kiệt tuyệt vời, sẽ làm cho Nàng bàng hoàng. Thục Nương sẽ có cảm giác như một ngày tận thế. Cái chết thê thảm của hai cha con Danh Hương do Thái Thú Tô Định gây ra cho gia đình Nàng như một trận cuồng phong. Trận cuồng phong bất ngờ đó không chỉ thổi bay những dinh thư, ngôi nhà và những người thân yêu nhất của hai họ tộc: Phạm,Vũ, mà còn cuốn tung bao cát bụi, cùng với những mũi kim tội ác sắc nhọn, găm vào trái tim ngây thơ của Thục Nương, làm cho tim Nàng bị rỉ máu.

Chính nỗi đau đó, đã thôi thúc Thục Nương và các nghĩa sĩ Văn Lang vượt qua tất cả mọi khó khăn trong cuộc sống và sự khốc liệt của chiến tranh. Họ lao vào mọi trận đánh, với tâm thế “không còn gì để mất” và quyết tử với quân thù. Để đất nước Văn Lang được thanh bình, mọi gia đình nhanh đoàn tụ. Có lẽ vì thế, chỉ ít lâu sau, quân ta đã chiếm được 65 thành trì của quân Đông Hán, tấn công vào sào huyệt của giặc, buộc Tô Định phải cắt tóc cao râu lẩn trốn trong đám tàn binh chạy về phương Bắc. Nhà nước Văn Lang nhanh chóng giành được độc lập, Trưng Trắc xưng Vương và phong nữ tướng Thục Nương là “Bát Nàn đại tướng quân”.

Nhưng đất nước thanh bình chẳng được bao lâu, giặc Đông Hán lại sai tướng Mã Viện đem quân xâm lược nước ta. Do chênh lệch quá lớn về lực lương, Hai Bà Trưng cùng nhiều tướng sĩ lần lượt hy sinh. Sau trận Cẩm Khê thất thủ và noi gương khí tiết của các thủ lĩnh, Bát Nàn đại tướng quân Thục Nương cũng rút gươm tuẫn tiết tại gò Kim Quy bên dòng sông Tiên Hưng sau khi chống trả quyết liệt quân thù ở Tiên La trang.

 Ghi nhớ công ơn của Bà, người dân các xã: Phượng Lâu (Phú Thọ) và Đoan Hùng, Tân Tiến (Hưng Hà – Thái Bình) đã lập đền thờ để các thế hệ cháu con hương khói, tưởng nhớ người Liệt nữ..

Đến hôm nay, đã có nhiều cây cầu to đẹp nối hai bờ sông Lô, nên các bến đò cũng dần vắng khách. Nhưng cây Đa cổ thụ vẫn uy nghi bám chặt vào mảnh đất Phượng Lâu và chở che phong ba bão táp cho ngôi miếu thờ Bát Nàn đại tướng quân với những nét hoa văn cổ kính, rêu phong. Cây vẫn đứng vững vàng, thâm nghiêm như một chứng nhân lịch sử. xòe bóng vươn cành tỏa mát cho cộng đồng và những đêm vắng vẫn rì rào kể chuyện cho nhân gian. Cây Đa di sản đã tạo nên một cảnh quan vừa u tịch vừa huyền bí bên bờ sông. Đứng bên gốc ngước nhìn lên, ta thấy cây Đa sản này như một tòa tháp sừng sững, có bộ rễ xù sì, chu vi gốc hàng chục mét, tán lá xanh rợp trời. Vòm trời dưới tán cây Đa dường như thu nhỏ lại, không gian tươi mát, yên bình đến lạ lùng.

Qua nhiều thập kỷ, cây Đa đã chứng kiến không biết bao nhiêu ngày hội làng, bao năm tháng thăng trầm của vùng đất cổ.

Hàng năm vào dịp ngày mất của Bát Nàn tướng quân (17 tháng 3 âm lịch) làng Phượng Lâu ( Việt Trì – Phú Thọ) và hai xã: Đoan Hùng, Tân Tiến (Hưng Hà -Thái Bình) cùng mở lễ hội để nhân dân địa phương và du khách thập phương có dịp tìm về cội nguồn, tìm hiểu thêm về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc; đồng thời, bày tỏ lòng tri ân với những người đã hy sinh vì quê hương, đất nước./.

Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chủ trì, Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường được giao triển khai thực hiện. Cuộc thi được phát động triển khai từ tháng 3/2024 đến hết tháng 9/2024. Trong số hơn 400 tác phẩm tham gia cuộc thi, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 25 tác phẩm tốt nhất, phù hợp nhất để công bố, trao giải. Lễ công bố, trao giải được tổ chức ngày 26/11/2024 tại Hà Nội.

 

 

 

 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline