Hotline: 0941068156

Thứ năm, 26/12/2024 17:12

Tin nóng

Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Quảng Ninh: 156 cây cổ thụ tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long được công nhận Cây Di sản

Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố loạt sự kiện nổi bật của ngành năm 2024

Nhiều ý nghĩa trong việc sớm hoàn thành tái thiết các khu dân cư

Nam Định: Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Giai đoạn 2021-2030 Hà Nội đặt mục tiêu GRDP bình quân từ 8,5 - 9,5%

Hải Phòng: Thêm 4 cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thêm 49 cây cổ thụ đủ điều kiện công nhận Cây Di sản Việt Nam

8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội năm 2025

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt khoảng 8%, tạo đà năm 2026

Trên 20 cây cổ thụ ở vườn quốc gia Côn Đảo được công nhận Cây Di sản Việt Nam

25 tác phẩm xuất sắc được trao trong Lễ công bố, trao giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Hội nghị Ban Chấp hành 2024: Tiếp tục củng cố và phát triển bền vững tổ chức hội

Hoà Bình: 4 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Đa cổ thụ ở Phú Xuyên được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Từ năm 2025 áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới nhập khẩu

25 giải sẽ được trao trong Lễ công bố, trao giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Việt Nam chia sẻ 3 bài học trong xóa đói giảm nghèo tại G20

Ứng Hoà (Hà Nội): Hai cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị G20

Thứ năm, 26/12/2024

[Cây Di sản Việt Nam] Bóng thị Phước Tích - Cất tiếng vọng lịch sử ngàn năm hòa cùng nhịp thở Di sản Việt

Chủ nhật, 08/12/2024 19:12

Thong dong xuôi dòng Ô Lâu yên ả, hiền hòa bên miền Cố Đô thơ mộng, thả hồn ghé thăm làng cổ Phước Tích nằm cách trung tâm thành phố 40 km về phía Bắc, ngụ tại thôn Phước Phú, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế. Bỏ xuống vai gánh xô bồ của phố xá để toàn tâm toàn ý khám phá, lần mở, vén màn những bí mật của cây thị được sắc vinh danh "Cây Di sản Việt Nam" và điềm đạm cảm nhận không gian xanh ngát phảng phất bóng nhà rường ba gian hai chái.

Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường trân trọng gửi đến bạn đọc tác phẩm: Bóng thị Phước Tích - Cất tiếng vọng lịch sử ngàn năm hòa cùng nhịp thở Di sản Việt. Đây là một trong 25 tác phẩm đoạt giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024.

Tác giả: HỒ THỊ NHƯ THỦY

(Phú Vang, Thừa Thiên – Huế)

Lật dở sử sách, ghi chép lại cho hay lai lịch cây thị đã tồn tại từ lâu, hiện diện trước khi tổ tiên "Xứ Cồn Dương" (Phước Tích ngày nay) - vị khai canh Hoàng Minh Hùng buổi đầu đến lập địa, tạo dựng làng sau hành hành trình theo dấu chân vua Lê Thánh Tông chinh phục Chiêm Thành vào năm 1470.

Cây thị Di sản trường tồn bền vững giữa lòng Phước Tích cổ xưa. Ảnh: ST

Hòa quyện vào nguồn chảy thăng trầm của tuế nguyệt thoi đưa, cắm sâu gốc rễ trên mảnh đất cha ông dựng nghiệp, dưới danh nghĩa cổ thụ kỳ vĩ, cây thị đã sống cuộc đời quá nửa thiên niên kỷ, tính đến nay tuổi thọ đếm kĩ đã vượt ngưỡng 500.

Tò mò chiêm ngưỡng dáng vẻ cổ kính và uy nghiêm hiếm có, dường như ai ai cũng đều trố mắt kinh ngạc, xao xuyến mà thốt lên hai từ "chao ôi!". Thân cây to chẳng chịu nhẵn nhụi bao giờ, lấy cớ đòi khoác tấm áo sần sùi, sẫm tối, phủ kín rêu phong cho đúng độ tuổi, nào ngờ tình cờ nhấn nhá vẻ u tịch cô liêu.

Cây có kích thước chiều cao đo tới 25 m, cỡ hơn tám người ôm mới xuể, đường kính khoảng 2 m, chu vi ước đạt chừng 6 m. Cành lá sum xuê, um tùm với một nhánh mẹ vươn dài về hướng Tây, các nhánh con mạnh dạn thi đua mọc tua tủa kết thành những tán lá tươi tốt xòe ra tựa "chiếc ô khổng lồ" rợp bóng mát mẻ, che phủ vùng diện tích rộng hàng trăm mét vuông. Bộ rễ già cỗi, lão hóa xù xì đâm sâu vào lòng đất rồi ngoằn ngoèo, nghịch ngợm nổi lên tạo thành vô vàn nét hình thù quái dị.

Cây thị có đặc điểm sinh thái chỉ rụng lá một lần vào mùa xuân và ra hoa kết trái đều đặn vào mùa hè. Mỗi đợt gió phơn kéo về, những quả thị chín vàng óng ánh rớt rụng ngửi thơm nứt mũi. Cái mùi ngào ngạt, riêng biệt đặc trưng làm nên vị thuốc, gợi nhớ  tuổi thơ của lũ trẻ đầu làng cuối ngõ nhờ hít hà hương quả mà lớn khôn...

Ký ức thời gian in dấu trong bóng hình di sản

Nó chả phải là cây thị "cổ tích" bước ra từ truyện Tấm Cám ngày xửa ngày xưa vẫn thường hay kể, mà là cây thị "bằng xương bằng thịt" hãnh diện trở thành chứng nhân của hầu hết các sự kiện, diễn biến quan trọng giai đoạn chống ngoại xâm. Tự hào thì thầm về lịch sử biến thiên, hồi tưởng thời kì chiến tranh nhuốm đầy máu đỏ thương đau.

Những năm tháng kháng chiến cứu nước, chống thực dân tơi bời khói lửa, bom rơi đạn lạc giày xéo từng tấc đất xứ sở, thân thị vậy mà khéo léo khắc tạo một "hang động" độc đáo bên trong với hệ thống "thạch nhũ" lạ lùng. Một "địa đạo" đơn sơ dựng tạm biết bao lần đã che giấu cho dân vào lẩn trốn an toàn, thoát khỏi nòng sống của kẻ thù ngoại bang. Thời khắc nguy nan, thanh niên trai tráng trong làng liều mình chui vào bộng cây lánh nạn, tránh được sự truy đuổi ráo riết của quân thù, cởi bỏ gông xiềng bị giặc bắt đi lính làm phu.

Dưới ngọn cờ khởi nghĩa sáng ngời tên gọi Việt Minh, cây thị nghiễm nhiên được chọn làm "căn cứ bí mật" cho các cán bộ cách mạng ban ngày ẩn náu trong lòng cây trao đổi thông tin, bày mưu tính kế, hay ngụy trang trên ngọn cây canh gác đợi chờ thời cơ đêm xuống để phân tán hoạt động.

Gần sát ngọn cây là một "cửa hang" nhỏ tuy không thể chui lọt vào nhưng là vị trí lý tưởng để các chiến sĩ ẩn nấp bên trong dễ dàng quan sát tình hình quân địch. Ảnh: ST

Theo lời vị cao niên của làng giải thích, tuy nhờ vào kết cấu đặc biệt rỗng ruột gần hết từ phần gốc lên đến tận ngọn, nhưng khoảng không quá đỗi chật hẹp, lực lượng chiến sĩ đã tài tình nghĩ ra cách dùng gỗ  đóng gọn thành những bậc tam cấp dọc suốt thân cây để đủ chỗ đứng chồng lên nhau, kì diệu thay chứa được tối đa cả một tiểu đội gồm 12 người. Lối vào nằm sát gốc cây cách mặt đất khoảng 40 cm với độ rộng vừa vặn một người trưởng thành có thể chui lọt. Từ dưới lên trên rải rác nhiều "lỗ thông hơi" lớn bé khác nhau dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường. Nhiều phen nguy hiểm, bộ đội du kích đã nhanh trí lẻn vào hốc cây, uyển chuyển lách mình kết hợp lực tay chân tì, áp sát và bám vào thân cây rồi từ từ chậm rãi nhích từng chút leo lên. Cứ như thế người sau men theo di chuyển, trèo lên cho đến chân của người vào trước. Lõi cây nhô ra đôi ba phần gỗ xỉn màu mục nát, gần đến ngọn thì lõi rỗng càng bị thu nhỏ dần. Kề ngay ngọn cây là "cửa phụ" vị trí lý tưởng và kín đáo giúp bao quát tầm nhìn và quan sát chiến sự, kịp thời phát hiện những cuộc hành quân của địch.

Thân thị với đặc điểm rỗng ruột tạo nên một "căn hầm" bí mật giúp cán bộ cách mạng thoát khỏi tai mắt kẻ thù. Ảnh: ST

"Cụ thị" đã sống trọn vẹn hết một thời chiến tranh oanh liệt, hào hùng. Ưu tú xưng danh huyền thoại thấm vàng trang sử, vinh dự đeo huy chương có công với cách mạng nước nhà. Bao thế hệ lần lượt nối bước qua đi, mặc kệ bốn mùa luân chuyển, mưa tuôn xối xả, nắng dội hanh hao hay bão bùng thăm hỏi cây thị vẫn bền bỉ, dẻo dai, kiên cường trường tồn cùng khả năng thích nghi mãnh liệt. Được nhận định là "báu vật" in đậm dấu ấn làng quê giữa thời bình.

Gắn liền với cây thị không thể không nhắc tới đó là ngôi miếu thờ Thánh Mẫu Ponagar, được đồn đoán lập nên từ hàng trăm năm trước, khi các ngài thủy tổ chiếm được đất để khai canh đã thề nguyện sẽ giữ nguyên vẹn miếu thờ phụng, chăm nom việc quét dọn và cúng bái đúng lễ tiết. Con đường dẫn vào miếu được lót gạch đỏ trải dài từ đầu xóm vào tận sân. Miếu tọa lạc ở địa thế long mạch, ngay trung tâm của làng và xoay mặt về hướng Đông. Thông thường dựa vào các câu đối chữ Hán viết trước trụ miếu có thể xác định thời điểm xây dựng lần đầu là năm nào, nhưng tiếc thay các câu chữ đều đã mai một, phai mòn do vết tích thời gian nên không thể nắm rõ thông tin chính xác, chỉ biết rằng miếu đã được tu sửa lại dưới thời vua Tự Đức. Thay vì gọi là "Hiển Linh Miếu" như ghi khắc hiện hữu thì dân làng vẫn quen miệng gọi bằng "miếu cây thị".

Miếu cây thị với vô vàn câu chuyện huyền bí chưa lời giải đáp. Ảnh: ST

Khu miếu được xây dựng hoàn toàn bằng gạch vồ xưa cũ có tường bao quanh khuôn viên. Lối kiến trúc đơn giản với điểm nhấn thân thuộc là bức bình phong được trang trí hình chim Phượng gắn đặc mẻ sành. Hai bên cổng vòm dùng làm lối ra vào chỉ cao 1,3 m nên những ai muốn chiêm bái đều phải cúi đầu, khom người bước qua. Sở dĩ thiết kế như vậy là nhằm thể hiện sự tôn kính trước đấng thần linh.

Trong hình hài giao thoa của hai nền văn hóa Chăm - Việt, miếu cây thị góp mặt quan trọng vào văn hóa tín ngưỡng dân gian của dân làng nơi đây. Để tưởng nhớ công ơn người khai khẩn và bày tỏ lòng cung kính đối với sự bao bọc con dân của thần cây, thần miếu, đến hẹn lại lên lễ cúng tế sẽ được long trọng tổ chức vào ngày 16 tháng giêng âm lịch hằng năm. Nổi tiếng tâm linh nên mỗi kì thi các sĩ tử thường xuyên lui tới thắp nhang, quỳ gối khấn lạy để mong cầu đỗ đạt, công thành danh toại.

Mặc cho thời gian tàn nhẫn bào mòn năm tháng, cây thị vẫn tỏa bóng xanh đồng hành cùng ngôi miếu cổ. Ảnh: ST

Ẩn chứa khá nhiều truyền thuyết ly kì và những giai thoại huyền bí, thú vị còn dở dang lời giải đáp, Cây thị cổ làm bạn bên ngôi miếu thiêng được người dân tôn thờ như một vị thần bảo hộ.

Từ bao đời nay, cây thị không đơn thuần chỉ là một cây cổ thụ bình thường, một phần của cảnh quan, nó đã biến tấu, phức hợp biểu tượng của thiên nhiên xen lẫn tình yêu quê hương của người dân Phước Tích qua khao khát sống bền vững. Phản ánh nhiều khía cạnh, gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa tinh thần của cư dân Đại Việt. Làm tròn vai trò kết nối cộng đồng địa phương, phát huy và duy trì các lễ hội truyền thống đặc sắc. Là điểm đến hấp dẫn, ấn tượng trong các tour du lịch tham quan làng cổ, thu hút du khách thập phương và các nhà nghiên cứu đổ về tìm hiểu và trải nghiệm.

Nhận thức được giá trị to lớn của cây thị chính quyền và người dân Phước Tích đã và đang nỗ lực bảo tồn một cách nghiêm ngặt với nhiều biện pháp hữu hiệu. Cây được chăm sóc kỹ lưỡng, từ việc cắt tỉa cành khô, bón phân cho đến bảo vệ cây khỏi sâu bệnh và các tác động xấu từ môi trường. Ngoài ra, khu vực quanh cây thị cũng được quy hoạch và gìn giữ để đảm bảo không gian sinh thái tự nhiên.

Việc giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị của cây thị cổ cũng được chú trọng. Các trường học, cơ sở giáo dục thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan, học tập tại đây để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về di sản quý báu này.

Ngày 5/6/2015 mảnh đất Thừa Thiên hòa chung nhịp hân hoan cùng làng cổ Phước Tích đón bằng công nhận cây thị chính thức trở thành "Cây Di sản" của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Việc công nhận đã tăng thêm giá trị lịch sử, văn hóa vốn có của cây, đồng thời đẩy mạnh trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn cây thị Phước Tích để lớp lớp con cháu sau này vẫn còn được tận mắt trông thấy một Cây Di sản Việt Nam vô giá.

Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chủ trì, Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường được giao triển khai thực hiện. Cuộc thi được phát động triển khai từ tháng 3/2024 đến hết tháng 9/2024. Trong số hơn 400 tác phẩm tham gia cuộc thi, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 25 tác phẩm tốt nhất, phù hợp nhất để công bố, trao giải. Lễ công bố, trao giải được tổ chức ngày 26/11/2024 tại Hà Nội.

 

 

 

 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline