Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 00:11
Thứ ba, 28/12/2021 15:12
TMO - Trải qua quá trình đô thị hóa phát triển không ngừng, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng vẫn giữ gìn được những cây cổ thụ có tuổi thọ trên 300 năm, và được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam.
Cây nghiến cổ thụ nằm trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó tại làng Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) là một trong những chứng nhân lịch sử với tuổi thọ hơn 500 năm tuổi. Cây có chiều cao hơn 40 m, đường kính đo tại gốc hơn 2 m và được vinh danh là Việt Nam vào ngày 16/5/2011. Cây mọc ngay trước lối vào hang Pác Bó, sát bờ suối Lê-nin. Nhiều cụ cao niên ở làng Pác Bó còn coi cây nghiến cổ thụ là “báu vật” của làng và của cả Khu di tích.
Tại xã Vĩnh Quang tp Cao Bằng, Cụm cây cổ thụ tại đền Kỳ Sầm được công nhận là Cây Di sản Việt Nam vào năm 2014. Cụm cây gồm: cây muỗm, cây gạo có tuổi đời trên 300 năm, cây đa tía có tuổi đời trên 800 năm. Trong khuôn viên ngôi đền, cụm 3 cây cổ thụ sừng sững, phát triển xanh tốt, thế đứng vững vàng, thân cây gạo làm giá đỡ cho cây đa, trải qua nhiều năm tháng, cụm 3 cây vẫn đứng hiên ngang như một chứng nhân gắn liền với nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử.
Cụm cây cổ thụ tại đền Kỳ Sầm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 18 cây cổ thụ, 2 quần thể cây được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều cây cổ thụ do có tuổi đời cao đang đứng trước sự xâm hại của các loại nấm, sâu bệnh, chặt phá của con người... Việc những cây cổ thụ có niên đại hằng trăm năm bị chết dần là một mất mát lớn, không chỉ về ý nghĩa lịch sử - văn hóa mà còn ở khía cạnh đa dạng sinh học. Vì vậy, công tác bảo vệ, chăm sóc Cây Di sản rất cần sự chung tay của cả cộng đồng trong việc nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường. Đồng thời, quảng bá sự phong phú, đa dạng với giá trị khoa học cao của hệ thực vật, tạo nguồn du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học.
Ông Đàm Văn Lý, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường tỉnh cho biết: Để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, chăm sóc cây cổ thụ, Cây Di sản trên địa bàn tỉnh cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng trong việc tập trung nghiên cứu điều kiện sinh lý và sinh thái, đất đai, thổ nhưỡng từng vùng cũng như nguyên nhân xuất hiện các loại sâu hại để có biện pháp khắc phục, bảo vệ cây.
Ngoài ra, tỉnh cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến quy định liên quan, các kỹ năng chăm sóc để bảo tồn Cây Di sản một cách hiệu quả nhất. Tiến hành lập hồ sơ chi tiết từng cây, gắn biển cây đã có quyết định bảo tồn, không được chặt phá. Các cấp chính quyền ở cơ sở thực hiện tuyên truyền sâu rộng công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị Cây Di sản đến mỗi người dân, nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan, coi Cây Di sản là báu vật của quê hương.
Bên cạnh ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa, yếu tố quan trọng khiến những cây cổ thụ hiện được đánh giá cao và công nhận là Cây Di sản còn nằm ở khía cạnh giá trị kinh tế và bảo tồn nguồn gen hiện tại và trong tương lai. Với những người dân Cao Bằng, Cây Di sản niềm tự hào đối với địa phương có cây được công nhận nói riêng và nhân dân trong tỉnh nói chung, góp phần khuyến khích sự tham gia sâu rộng của cộng đồng đối với công tác bảo tồn, bảo vệ cảnh quan, môi trường thiên nhiên.
Ngọc Linh
Bình luận