Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ ba, 05/03/2024 14:03
TMO - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau đang hoàn thiện đề án phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông trình cấp thẩm quyền xem xét và phê duyệt với kinh phí lên đến 31.000 tỷ đồng.
Bờ biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long dài khoảng 720km nhưng hiện trạng có hơn 50% chiều dài đang bị xói lở, trong đó, hơn 70km đang bị xói lở với tốc độ từ 20 đến 50m mỗi năm. Trong các tỉnh ven biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau được xem là “điểm nóng” khi có đến 187/254km bờ biển bị sạt lở với nhiều mức độ khác nhau, trong đó có hơn 90km chiều dài bị sạt lở ở mức độ nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Giai đoạn 2011-2021, sạt lở bờ biển đã làm mất đất và rừng phòng hộ ở Cà Mau với diện tích hơn 5.200ha.
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam, bờ biển Ðông Cà Mau từ năm 1990-2023 sạt lở trung bình khoảng 840m (25,4 m/năm), với tổng diện tích mặt đất hoàn toàn lên đến 8.820ha. Nhiều đoạn bờ biển sạt lở đặc biệt nguy hiểm có thể kể đến như: đoạn Hố Gùi - Gành Hào, chiều dài lở hơn 20 km, đường bờ biển bị lấn vào đất liền từ năm 1990-2023 khoảng 788 m và diện tích đất, rừng bị mất hơn 1.576 ha; đoạn cửa biển Hố Gùi chiều dài đoạn sạt lở hơn 8,8 km, đường bờ biển lấn vào đất liền từ năm 1990-2023 hơn 1,4 km, diện tích sạt lở mất hơn 1.266 ha; đoạn từ rạch Ô Rô - Kiến Vàng, chiều dài sạt lở hơn 9,5 km, đường bờ biển từ năm 1990-2023 đã lấn vào đất liền hơn 961 m, làm mất hơn 913 ha...
Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến phức tạp, gia tăng mức độ nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Bờ sông hiện nay cũng có hơn 425km đang bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Thời gian qua, sạt lở bờ sông đã làm hư hỏng gần 28 km đường giao thông và hàng trăm căn nhà. Hiện tình trạng sạt lở tiếp tục có nguy cơ gây ảnh hưởng đến nhiều khu vực với diện tích hơn 3.700 ha, đe doạ đến nhà cửa, tài sản, sản xuất của người dân và nhiều hạ tầng quan trọng khác.
Trước hiểm họa sạt lở, trong nhiều năm liên tục, Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp vùng ven biển và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ và bộ, ngành Trung ương. Nhờ sự hỗ trợ đó mà đến nay, tỉnh này đã xây dựng hoàn thành được gần 63km kè bảo vệ bờ biển, với tổng kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, bờ biển Tây 43,8 km, kinh phí thực hiện khoảng 1.103 tỷ đồng; bờ biển Ðông 19,07 km, kinh phí thực hiện 915 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục triển khai thực hiện gần 42 km, với kinh phí 1.782 tỷ đồng.
Ngoài nguồn ngân sách, từ năm 2014, Cà Mau huy động nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư xây dựng được 4km bờ kè chống sạt lở ven biển tại khu du lịch Khai Long, kinh phí khoảng 72 tỷ đồng. Công trình trên hoàn thành vào năm 2021, phạm vi được bảo vệ bên trong kè có chiều rộng khoảng 89m, tình từ đất liền đến chân kè, đoạn bờ biển có công trình không bị sạt lở thêm. Hiện các khu vực ven biển, ven sông sạt lở xảy ra mạnh và thường xuyên; khu vực ven sông, tình trạng sạt lở cũng không kém phần nghiêm trọng. Sạt lở không những diễn ra vào mùa mưa, mà còn xuất hiện cả mùa khô.
Hiện nay, tổng chiều dài bờ biển của tỉnh đang tiếp tục sạt lở khoảng 89 km, với các mức độ khác nhau. Nhiều đoạn bờ biển đang sạt lở rất nhanh, cây rừng phòng hộ bị tàn phá nghiêm trọng. Theo thống kê, tổng chiều dài sạt lở ở mức đặc biệt nguy hiểm khoảng 31km và nguy hiểm là khoảng 58 km. Với các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm nói trên, tỉnh đã có Tờ trình số 09 TTr-UBND, xin được hỗ trợ 970 tỷ đồng để triển khai xây dựng 17,9 km kè. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư mới đề xuất hỗ trợ được khoảng 500 tỷ đồng. Ðối với 58 km sạt lở ở mức độ nguy hiểm hiện chưa có kinh phí thực hiện.
Trước tình trạng sạt lở đang diễn ra ngày càng phức tạp, tỉnh Cà Mau xây dựng Đề án "Phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh”. Đề án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện dưới sự hướng dẫn của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam.
Đề án được xây dựng nhằm điều tra, đánh giá, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ biển, bờ sông, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành công tác cập nhật hiện trạng sạt lở bờ biển, bờ sông lên bản đồ Webgis; nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, giám sát sạt lở và quản lý bờ sông, bờ biển. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025, các khu dân cư ven biển, ven sông ở vùng có nguy cơ sạt lở đều được cảnh báo kịp thời và được hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi xảy ra sạt lở; quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà ở tại khu ven sông, ven biển, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.
Tỉnh Cà Mau cần đầu tư xây dựng các công trình khắc phục sự cố sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng ven biển, rừng phòng hộ ven biển.
Theo đó, tỉnh Cà Mau cần đầu tư xây dựng các công trình khắc phục sự cố sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng ven biển, rừng phòng hộ ven biển. Phát triển quỹ đất đầu tư xây dựng các công trình chống sạt lở kết hợp trồng rừng, nhằm phục hồi đất đai rừng ngập mặn, phòng hộ ven biển, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo sinh kế cho người dân, xây dựng các công trình chỉnh trị sông tại các khu vực trọng điểm, vùng cửa sông, ven biển. Xây dựng các khu dân cư phục vụ công tác bố trí lại dân cư đang ở trong các khu vực nguy hiểm về sạt lở nhằm ổn định cho hơn 1.300 hộ dân trên diện tích hơn 78,8ha.
Cà Mau cần đầu tư xây dựng tuyến đê biển vừa kết hợp làm đường giao thông, ngăn triều cường, chắn sóng, ngăn chặn sạt lở. Địa phương này cần đầu tư xây dựng 177 công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, với kinh phí trên 31.000 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 2021-2025 đầu tư xây dựng 30 công trình, với kinh phí trên 6.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 đầu tư xây dựng 147 công trình, với kinh phí trên 24.000 tỷ đồng. Đề án đề xuất trung ương hỗ trợ 26.842 tỷ đồng, kinh phí từ ngân sách tỉnh 2.310 tỷ và vốn xã hội hóa 2.054 tỷ.
UBND tỉnh Cà Mau cho biết, với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay, trong thời gian tới, sạt lở sẽ tiếp tục làm mất thêm nhiều diện tích đất rừng phòng hộ ven biển. Nếu để sạt lở tiến sâu vào đất liền, không chỉ mất đất, mất rừng mà còn uy hiếp đến nhiều hạ tầng đã xây dựng bên trong và các cụm dân cư ven biển, khi đó việc xây dựng công trình phòng chống sạt lở không chỉ tốn kém mà hơn hết là rất khó khôi phục lại diện tích đất và rừng đã bị mất.
Minh Hải
Bình luận