Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 24/01/2025 12:01
Thứ năm, 28/03/2024 14:03
TMO – Từ nay đến giữa tháng 5 tới, khu vực đồng bằng sông Cửu Long dự báo sẽ xuất hiện nhiều đợt xâm nhập mặn. Trong đó đợt mạnh nhất sẽ diễn từ ngày 8-14/4 với nồng độ mặn 4 phần nghìn lấn sâu cửa sông Vàm Cỏ 80-95 km, sông Cửu Long 50-65 km, sông Cái Lớn 45-55 km. Nước sông nhiễm mặn sẽ ảnh hưởng tới sinh hoạt và sản xuất của hàng trăm nghìn hộ dân.
Từ nay đến ngày 20/4, tâm điểm của nắng nóng sẽ xuất hiện nhiều tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; sau đó gia tăng về cường độ và mở rộng dần sang các nơi khác của Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Khả năng khô hạn sẽ còn kéo dài và gây ra tình trạng thiếu nước. Nhận định về thời tiết từ nay đến ngày 3/4 tới, cơ quan Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, khu vực Bắc Trung Bộ từ ngày 28 - 29/3 có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Từ ngày 30/3 - 3/4, trưa chiều trời nắng, có nơi nắng nóng. Trong khi đó, Trung Trung Bộ từ ngày 28 - 29/3, có mưa, mưa rào rải rác, có nơi có dông; từ ngày 30/3 - 3/4 ngày nắng, có nơi nắng nóng. Các khu vực khác chiều tối và đêm có mưa rào, dông vài nơi, ngày nắng. Các tỉnh thành phía Nam tiếp tục nắng nóng; riêng Tây Nguyên có nơi nắng nóng.
Lao động tự do, ngoài trời, người lớn tuổi, trẻ em là những đối tượng chịu tác động mạnh bởi thời tiết.
Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, nắng nóng ở khu vực Nam Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới. Độ rủi ro thiên tai do nắng nóng ở cấp 1. Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Từ tháng 4, không khí lạnh hoạt động yếu và ít có khả năng xuất hiện rét đậm, rét hại. Mưa nhỏ mưa phùn giảm dần và chỉ xảy ra ít ngày ở vùng ven biển phía Đông Bắc Bộ. Thời kỳ chuyển mùa từ tháng 4 - 5, trên phạm vi cả nước, khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; đặc biệt trong các đợt không khí lạnh. Khoảng tháng 4-6, nắng nóng tiếp tục xuất hiện ở khu vực Tây Bắc Bộ, vùng núi phía Tây thuộc Bắc Trung Bộ; sau đó gia tăng về cường độ và mở rộng dần sang các nơi khác của Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Nắng nóng tại Nam Bộ tiếp tục duy trì trên khu vực miền Đông và sẽ mở rộng dần sang khu vực miền Tây. Cụ thể, khu vực Nam Bộ vào tháng 4-5, cao điểm vào tháng 4, khu vực từ Từ Khánh Hòa - Đà Nẵng vào tháng 5 - 8, cao điểm vào tháng 7, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế vào tháng 4-8, cao điểm vào tháng 6-7, khu vực Tây Bắc Bộ nắng nóng xuất hiện vào tháng 4-7, cao điểm vào tháng 5-6, khu vực Đông Bắc Bộ vào tháng 5-8, cao điểm vào tháng 6-7. Tây Nguyên và Nam Bộ còn tiếp diễn tình trạng khô hạn trong tháng 4. Trung Bộ khả năng xuất hiện khô hạn kéo dài từ tháng 4-6.
Nắng nóng sẽ gây khô hạn cho Trung Bộ và Tây Nguyên. Từ tháng 4-6, hạn hán xảy ra tại các tỉnh Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Từ tháng 5-8, hạn hán xảy ra tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Hạn, mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Ảnh minh họa.
Về tình hình xâm nhập mặn, theo các chuyên gia, từ nay đến hết mùa mặn (tháng 4 và tháng 5 tới), khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn đối diện với 4 đợt xâm nhập mặn, nồng độ mặn 4 phần nghìn có thể lấn sâu vào cửa sông Vàm Cỏ tới 80-95 km. Cụ thể các ngày: 23-28/3, 8-14/4, 23-28/4 và 6-12/5. Trong đó đợt xâm nhập mặn cao nhất sẽ diễn vào ngày 8-14/4, nồng độ mặn 4 phần nghìn lấn sâu cửa sông Vàm Cỏ 80-95 km, sông Cửu Long 50-65 km, sông Cái Lớn 45-55 km. Nước sông nhiễm mặn sẽ ảnh hưởng tới sinh hoạt và sản xuất của hàng trăm nghìn hộ dân. Do tác động của El Nino và biến đổi khí hậu, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang trải qua mùa khô khốc liệt, từ nửa cuối năm 2023 đến nay khu vực này ít xuất hiện mưa, nhiều nơi hầu như không mưa.
THẢO PHƯƠNG
Bình luận