Hotline: 0941068156
Thứ hai, 27/01/2025 12:01
Thứ hai, 04/12/2023 12:12
TMO – Cao Bằng sẽ phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, dược phẩm, dược liệu, gỗ và sản phẩm khác. Bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, chú trọng phục hồi rừng tự nhiên. Phát triển hệ thống rừng đặc dụng, bảo tồn và phát huy tài nguyên rừng, đa dạng sinh học; tăng diện tích thâm canh các loại cây giống có giá trị kinh tế cao, bảo đảm hài hòa các mục tiêu về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, tạo việc làm và thu nhập, nâng cao sinh kế cho người dân.
Đối với phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 định hướng phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng ngày càng hiện đại và bền vững, gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, sinh thái, hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, phát thải các - bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thu hút đầu tư và áp dụng khoa học kỹ thuật mới, hiện đại, đặc biệt là công nghệ số, công nghệ sinh học để tăng năng suất, chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, lao động và nguồn vốn. Hình thành các cơ sở chế biến nông sản quy mô lớn để gia tăng giá trị đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản, đặc hữu, đặc trưng và có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Cao Bằng. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết, có chính sách thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp để phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hiệu quả, tham gia sâu vào các chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu.
Khai thác phù hợp, hiệu quả tiềm năng, thế mạnh lâm nghiệp.
Khuyến khích hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô phù hợp gắn liền với các cơ sở bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nghiên cứu, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo tồn các nguồn gen sản vật quý của địa phương và góp phần tạo sinh kế bền vững, ổn định cho người dân. Xây dựng các trang trại sản xuất nông, lâm nghiệp tập trung, khuyến khích tại một số địa phương trong tỉnh.
Phát triển chăn nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng; đẩy mạnh chăn nuôi bò sữa theo mô hình trang trại và nông trại, khai thác hiệu quả các giống bò địa phương tập trung ở các huyện: Bảo Lâm, Hà Quảng, Trùng Khánh, Quảng Hòa. Phát triển đàn lợn, bao gồm cả lợn lai, lợn ngoại và lợn đen, giống bản địa theo thế mạnh, điều kiện từng địa phương, tập trung tại các huyện: Bảo Lâm, Hạ Lang và một số huyện khác như: Hà Quảng, Quảng Hòa, Nguyên Bình.
Phát triển kinh tế lâm nghiệp hiện đại, hiệu quả, đa mục đích, bền vững gắn với phát triển du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu theo 03 trọng tâm: Phát triển thị trường tín chỉ các-bon; Phát triển điện sinh khối; Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, dược phẩm, dược liệu, gỗ và sản phẩm khác. Bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, chú trọng phục hồi rừng tự nhiên. Phát triển hệ thống rừng đặc dụng, bảo tồn và phát huy tài nguyên rừng, đa dạng sinh học; tăng diện tích thâm canh các loại cây giống có giá trị kinh tế cao, bảo đảm hài hòa các mục tiêu về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, tạo việc làm và thu nhập, nâng cao sinh kế cho người dân. Chú trọng phát triển lâm nghiệp theo liên kết chuỗi từ phát triển, bảo vệ, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản thông qua khuyến khích các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa chủ rừng với doanh nghiệp chế biến và thương mại lâm sản.
Tận dụng nuôi trồng thủy sản ở các khu vực sông ngòi và hồ chứa sẵn có theo hình thức phù hợp. Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản, chú trọng đến việc sử dụng các giống mới phù hợp với điều kiện sinh thái của Tỉnh và có năng suất cao. Mở rộng diện tích nuôi một số loại đặc sản, giá trị cao.
Lâm nghiệp đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế
Theo thống kê năm 2022, 10/10 huyện, thành phố thuộc tỉnh Cao Bằng có diện tích rừng trồng mới. Rừng trồng chuyển theo hướng đa chức năng, phát triển trồng rừng gỗ lớn, giá trị từng loại rừng đã được nâng cao; tỷ lệ che phủ rừng liên tục tăng qua các năm. Các ngành chức năng tăng cường chỉ đạo và đôn đốc thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời các vụ khai thác, vận chuyển lâm sản và chặt phá rừng trái phép; tăng cường bám sát địa bàn, tuyên truyền rộng rãi đến từng xã, xóm và hộ gia đình về hoạt động quản lý bảo vệ rừng và các phương án phòng chống cháy rừng tại địa phương.
Năm 2022, diện tích rừng trồng mới ước tính đạt 3.035 ha, so với năm trước giảm 5,22% hay giảm 167 ha, các loại giống cây lâm nghiệp được đưa vào trồng chủ yếu là thông, quế, mỡ, sa mộc, sở, keo, lát... Diện tích rừng trồng mới trên 80% là các hộ dân tự mua giống về trồng trên diện tích sau khai thác và trên diện tích được giao khoán bảo vệ. Diện tích rừng trồng được chăm sóc ước tính năm 2022 là 8.387 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 8,72% hay tăng 673 ha. Diện tích rừng được chăm sóc tăng do diện tích rừng được trồng mới những năm gần đây tăng và diện tích trồng từ các năm trước vẫn đang trong thời gian chăm sóc.
Diện tích rừng được khoanh nuôi xúc tiến tái sinh ước tính đạt 108.568 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 1,32% hay tăng 1.413 ha. Diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh tăng do diện tích trước đây được khoán bảo vệ chuyển sang, những diện tích các năm trước được giao khoanh nuôi lại tiếp tục được khoanh nuôi tiếp và được giao thêm diện tích rừng tự nhiên có độ che phủ dưới 0,1 của năm nay. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ là 220.160 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 42,42% hay tăng 65.573 ha. Nguyên nhân tăng do công tác bảo vệ rừng được tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao nên diện tích giao khoán bảo vệ rừng đã được chuyển giao cho cá nhân, các tổ chức, hộ gia đình, nhóm hộ gia đình và cộng đồng dân cư thuộc các diện tích được nhận tiền Dịch vụ môi trường rừng, diện tích thuộc lưu vực thủy điện,... công tác quản lý, bảo vệ rừng được nâng cao, đúng mục đích quy định. Tổng số gỗ khai thác ước tính năm 2022 là 24.945 m3, so với cùng kỳ năm trước giảm 9,10% hay giảm 2.498 m3. Nguyên nhân sản lượng gỗ được khai thác giảm là do số diện tích đến tuổi khai thác giảm vì vậy sản lượng gỗ khai thác giảm hơn so với năm trước.
QUỲNH VÂN
Bình luận