Hotline: 0941068156
Thứ tư, 02/04/2025 06:04
Thứ hai, 31/03/2025 10:03
TMO – Để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển, cảng biển Quang Ninh cần hơn 34.500 tỷ đồng phục vụ đầu tư hạ tầng (theo Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được trình Bộ Xây dựng).
Sở hữu khoảng 250km bờ biển với trên 6.000km2 mặt nước, nhiều khu vực nước sâu, kín gió, thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển, đặc biệt là cảng nước sâu, Quảng Ninh có lợi thế vượt trội trong phát triển kinh tế biển. Để phát huy những tiềm năng, lợi thế, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm, triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ cảng biển và ưu tiên phát triển cảng, bến gắn với dịch vụ hậu cần sau cảng.
Địa phương này hiện có 8 khu bến cảng và 2 khu neo đậu, chuyển tải, đi kèm với sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ sau cảng, được Chính phủ xác định là một trong 5 khu vực cảng biển lớn của cả nước, đảm nhận trên 50% tổng lượng hàng hóa, hành khách khu vực phía Bắc, có vai trò phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của cả nước, liên vùng, cửa ngõ hoặc cảng trung chuyển quốc tế. Nhất là khu bến cảng Hòn Gai-Cái Lân nằm trong vùng vịnh kín, luồng vào cảng ít bị sa bồi, với 25 cầu bến được xác định là cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực, bao gồm khu bến tổng hợp container Cái Lân và các bến chuyên dùng vệ tinh.
(Ảnh minh họa)
Từ năm 2004 đến nay, Cảng container quốc tế Cái Lân mở rộng 2 lần, đầu tư đồng bộ với trang thiết bị hiện đại, như cẩu bờ STS loại Panamax với 17 hàng container; cẩu ERTG, độ rộng 7 hàng container; dịch vụ xếp dỡ hàng siêu trọng đến 100 tấn tại móc cẩu; xe khung nâng, xe chở container trong bãi…, năng lực tiếp nhận tàu lên đến 80.000 tấn vào làm hàng. Tại khu vực Cẩm Phả hiện có 7 cầu bến, chủ yếu là cảng chuyên dùng của ngành Than và các bến tổng hợp, phục vụ công nghiệp khai thác than và một số cơ sở công nghiệp tập trung khác, trong đó bến Cửa Ông có diện tích 20ha với 2 cầu bến liền bờ dài 550m, độ sâu trước bến 10,5m; hệ thống bến phao neo Con Ong-Hòn Nét độ sâu trên 20m có khả năng tiếp nhận tàu đến 120.000 tấn. Các khu vực cảng khác như Hải Hà, Vạn Gia, Cô Tô… là cảng tổng hợp có chức năng giao lưu bằng đường biển không chỉ cho riêng khu vực, mà còn là cửa ngõ giao thương với Trung Quốc.
Được biết, mới đây Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam vừa trình Bộ Xây dựng Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Tờ trình quy hoạch, cảng biển Quảng Ninh đáp ứng cho lượng hàng hóa thông qua từ 137,25 triệu tấn đến 157,3 triệu tấn (hàng container từ 0,65 triệu TEU đến 0,93 triệu TEU). Sản lượng hành khách thông qua từ 260.300 lượt khách đến 279.600 lượt khách.
Về kết cấu hạ tầng, cảng biển khu vực sẽ có từ 27 - 30 bến cảng, gồm từ 54 - 60 cầu cảng với tổng chiều dài từ 12.285 - 13.616m (chưa bao gồm các bến cảng khác). Tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển đáp ứng cho hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 5%/năm đến 5,3%/năm. Kết cấu hạ tầng sẽ phát triển hệ thống cảng biển Quảng Ninh có sức cạnh tranh cao, có thương hiệu mang tầm khu vực và quốc tế. Đồng thời, đáp ứng đầy đủ, hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh là một trong những cửa ngõ hướng biển của khu vực.
Tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 1.755,2ha (chưa bao gồm các khu vực phát triển các khu công nghiệp, logistics... gắn liền với cảng). Tổng nhu cầu sử dụng mặt nước khoảng 115.136,1ha (đã bao gồm diện tích vùng nước khác trong phạm vi quản lý không bố trí công trình hàng hải). Giai đoạn này, nhu cầu vốn đầu tư khoảng 34.578 tỷ đồng, gồm nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng hảng hải công cộng khoảng 6.300 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 28.278 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).
Quy hoạch cũng xác định một số dự án ưu tiên đầu tư của cảng biển khu vực, như kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải gồm khu neo đậu tránh, trú bão, hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS); đầu tư xây dựng bến công vụ, cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ quản lý Nhà nước chuyên ngành. Đồng thời, đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các tuyến luồng hàng hải như luồng vào các cảng khu vực Cẩm Phả và khu chuyển tải Hòn Nét cho tàu trọng tải đến 200.000 tấn; luồng Hòn Gai - Cái Lân cho tàu đến 50.000 tấn; luồng Sông Chanh cho tàu đến 50.000 tấn; luồng Vạn Gia cho tàu đến 20.000 tấn. Ngoài ra, đầu tư các bến cảng tại khu bến Cẩm Phả, Yên Hưng, Vạn Ninh, Hải Hà. Đặc biệt, nghiên cứu, đầu tư các bến cảng tại Mũi Chùa, Vân Đồn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
QUỲNH VÂN
Bình luận