Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 20:11
Thứ ba, 19/03/2024 13:03
TMO - Được Trung ương bổ sung thêm 250 tỷ đồng, TP.Cần Thơ ưu tiên xây kè chống sạt lở khu vực bờ sông trong giai đoạn 2023-2024.
Theo đó, TP.Cần Thơ đang gấp rút bổ sung đầu tư các công trình chống sạt lở bờ sông trên địa bàn trong giai đoạn 2023-2024. Đây là nguồn kinh phí nằm trong tổng số 4.000 tỷ đồng vốn bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho các tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long thực hiện dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
Các điểm sạt lở theo các con sông lớn, có địa hình phức tạp, diễn biến sạt lở nhanh như sông Cần Thơ, sông Trà Nóc, sông Bình Thủy, sông Ô Môn…và các cồn, cù lao trên sông Hậu là những điểm có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cần được ưu tiên đầu tư kè kiên cố. Còn các điểm sạt lở bình thường trên các tuyến kênh, rạch nhỏ có thể xử lý sạt lở bằng các giải pháp xây bán kiên cố, kè bảo vệ bờ bằng vật liệu thô sơ tại địa phương, kết cấu đơn giản (cừ dừa, cừ bạch đàn, cừ tràm kết hợp rọ đá và vải địa kỹ thuật ...) kết hợp cắm biển cảnh báo sạt lở và di dời dân cư để đảm bảo an toàn.
TP.Cần Thơ ưu tiên xây kè chống sạt lở từ nguồn kinh phí 250 tỷ đồng.
Những năm qua TP.Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp để ứng phó, hạn chế, khắc phục hậu quả do sạt lở gây ra. Đồng thời, triển khai xây dựng kè chống sạt lở kiên cố và bán kiên cố, tổ chức gia cố các điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 12.500m. Trong đó, các tuyến kè kiên cố bằng bê tông cốt thép có chiều dài hơn 8.500m, tổng vốn đầu tư hơn 848 tỷ đồng.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, trong năm 2023 toàn TP Cần Thơ xảy ra 39 vụ sạt lở bờ sông, tăng 30 vụ so với cùng kỳ. Đặc biệt, chỉ trong 3 tháng, từ tháng 5 đến tháng 7/2023 đã xảy ra 35 vụ, ở 7 quận, huyện gồm Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, huyện Phong Điền, Thới Lai và huyện Vĩnh Thạnh. Tổng chiều dài các điểm sạt lở gần 2.100m, thiệt hại tài sản ước tính hơn 30 tỷ đồng.
Bùi Tuấn
Bình luận