Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 08:01
Thứ ba, 20/08/2024 10:08
TMO - Ngoài các chương trình đào tạo, các chuyên gia cho rằng, các viện đào tạo và nghiên cứu cũng cần cố gắng tham gia vào mạng lưới đào tạo quốc tế về tín chỉ carbon, với mục tiêu chia sẻ cùng Chính phủ trong triển khai thực hiện các chính sách, cam kết và lộ trình tăng trưởng xanh.
Tính đến nay, Việt Nam đã có khoảng 150 dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và là một trong 4 nước có dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch đăng ký nhiều nhất. Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc phát triển thị trường carbon năng động, chất lượng và hiệu quả. Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế có độ mở lớn. Nếu áp dụng sớm thị trường carbon, đồng nghĩa với việc các cơ sở phải giảm phát thải, sẽ tác động lớn đến nền kinh tế. Mặc dù cơ sở phải bỏ rất nhiều chi phí để chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi theo hướng phát triển xanh nhưng với nền kinh tế thì không thể chậm hơn, cần phải chuyển đổi, nếu không sẽ tụt hậu với thế giới.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Nghị định 06/2022/NĐ-CP, quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozon. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang triển khai những dự án thiết thực như mua bán tín chỉ rừng dựa trên Thỏa thuận ERPA về chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ, hay Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Đây là những sáng kiến góp phần đáng kể vào mục tiêu giảm phát thải carbon của quốc gia. Trong lĩnh vực thị trường tín chỉ carbon, mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực đều có những đặc thù riêng. Vì vậy, việc đào tạo, nâng cao hiểu biết về khả năng hấp thụ và giảm thải carbon của từng loại cây trồng là vô cùng cần thiết.
(Ảnh minh họa)
Cũng theo các chuyên gia, truyền thông và phát triển nhân lực đóng vai trò quan trọng. Để chuyển biến và tham gia vào thị trường carbon, cần sự tham gia của nhiều thành phần cũng như các chiến lược từ ngoại giao, khí hậu đến công nghệ. Trên cơ sở đó, đào tạo, nâng cao trình độ của nguồn nhân lực và các chuyên gia để thực hiện bài bản các bước từ đo đạc, báo cáo đến thẩm định. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị cần thúc đẩy, nâng cao nhận thức của người dân. Ngoài các chương trình đào tạo, các viện đào tạo và nghiên cứu cũng cần cố gắng tham gia vào mạng lưới đào tạo quốc tế về tín chỉ carbon, với mục tiêu chia sẻ cùng Chính phủ trong triển khai thực hiện các chính sách, cam kết và lộ trình tăng trưởng xanh.
Đơn cử tại TP. HCM, địa phương này đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, TP. HCM đề ra các nhiệm vụ thích ứng và giảm phát thải nhằm hướng đến địa phương phát thải carbon thấp với các giải pháp công trình và phi công trình.
Đối với giải pháp phi công trình, TP. HCM sẽ xây dựng chính sách, chiến lược và quy hoạch tích hợp yếu tố biến đổi khí hậu, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về ứng phó với biến đổi khí hậu, nghiên cứu công nghệ giải pháp kỹ thuật như con giống, mùa vụ, vật liệu xây dựng,… để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với giải pháp công trình, TP. HCM tập trung xây đê, đập ngăn triều cường, hồ chứa, hồ điều tiết, cải tạo hệ thống thoát nước, gia cố hệ thống cơ sở hạ tầng, nhà cửa để tăng khả năng chống lại thời tiết bất thường, tăng cường diện tích thấm tự nhiên, tích trữ nước mưa để tái sử dụng. Ngoài ra, để quản lý phát thải khí nhà kính, TP. HCM còn thực hiện công tác kiểm kê khí nhà kính, tuyên truyền cho doanh nghiệp về việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở.
Trước xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế xanh, nhu cầu về nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực giảm phát thải carbon đang ngày càng cấp thiết. Để đạt được những mục tiêu tham vọng về giảm khí thải và phát triển bền vững, TP. HCM cần những chuyên gia ở các lĩnh vực như đánh giá và báo cáo phát thải, quản lý năng lượng, công nghệ giảm phát thải, tài chính xanh; chính sách và pháp luật…
Theo các chuyên gia, TP. HCM đang chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu như nhiệt độ tăng, thay đổi lượng mưa, ngập lụt, nước biển dâng… Thêm vào đó, địa phương này cũng cần giải quyết những thách thức như đòi hỏi nguồn lực lớn cả về tài chính, công nghệ và nhân lực để thực hiện các mục tiêu Kế hoạch hành động và phát thải carbon thấp. Như vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát thải carbon thấp là một nhiệm vụ cấp bách và mang tính chiến lược. "Bằng việc đầu tư vào nguồn nhân lực, chúng ta không chỉ góp phần giảm phát thải carbon mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững.
PHAN HUÝNH
Bình luận