Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 04/01/2025 14:01
Thứ ba, 31/12/2024 19:12
TMO – Nội dung trên được Bộ trưởng Công Thương kiến nghị với các địa phương trong Hội nghị đối thoại với nông dân. Cũng theo Bộ trưởng Công Thương, cần xác định thị trường 100 triệu dân cũng là thị trường lớn, làm sao sản phẩm nông, lâm, thủy sản của chúng ta chứng minh được chất lượng với người tiêu dùng Việt Nam.
Theo đó, nêu ý kiến tại Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 vừa diễn ra mới đây, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2024 dự kiến Việt Nam xuất khẩu được 62,5 tỷ USD trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Giá trị này chiếm khoảng 15% trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, tuy chỉ có 15% nhưng lại vào túi của người dân, vào nền kinh tế của chúng ta, 85% còn lại là lĩnh vực công nghiệp thì nguyên liệu đầu vào cũng là một câu chuyện mà chúng ta phải tính tiếp.
(Ảnh minh họa)
Hiện nay chúng ta có tới 20 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết với các nước, đã có 17 hiệp định đi vào thực thi, 3 hiệp định đang đàm phán. Nếu thực hiện cả 20 hiệp định này chúng ta sẽ sở hữu thị trường hàng hóa lên tới 6 tỷ người tiêu dùng. Như thế có nghĩa là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của chúng ta không thấm tháp gì so với thị trường này, nhất là chúng ta lại có ưu thế là các sản phẩm vùng nhiệt đới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đầu tiên phải quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và áp dụng công nghệ mới trong quá trình sản xuất, hay nói cách khác là áp dụng công nghệ trong các khâu sản xuất để sản phẩm có khối lượng lớn và chất lượng ổn định và phù hợp với nhu cầu của thị trường, đây là vấn đề quan trọng nhất. Việc này không ai khác là cấp ủy, chính quyền địa phương. Tổ đội sản xuất sẽ chỉ đạo sản xuất, HTX chỉ làm dịch vụ. Nếu không có vai trò chỉ đạo, bàn tay của chính quyền địa phương thì quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức sản xuất áp dụng công nghệ sẽ vô cùng khó khăn.
Việc cần làm tiếp theo là phải tổ chức được các chuỗi liên kết trong sản xuất, từ sản xuất cho đến thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ phải là doanh nghiệp. Chỉ doanh nghiệp mới có thể chuyển sản xuất của chúng ta từ nông nghiệp thuần túy sang nông nghiệp hàng hóa hay sang kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ để tiếp cận thị trường. Chúng ta xác định thị trường 100 triệu dân cũng là thị trường lớn, làm sao sản phẩm nông, lâm, thủy sản của chúng ta chứng minh được với người tiêu dùng Việt Nam là đảm bảo chất lượng. Chiến lược chiếm lĩnh thị trường trong nước mang tính phổ biến, mang tính vùng miền là quan trọng nhất.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Bộ trưởng Công Thương cho rằng, phải có chiến lược tiếp cận thị trường. Mỗi thị trường có 1 đặc tính riêng. Mỗi thị trường có 1 yêu cầu riêng. Bộ Công Thương cũng giống như các Thương vụ ở nước ngoài sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sản xuất; hỗ trợ các địa phương giao ban hàng tháng vào ngày 29, 30 để cung cấp đầy đủ thông tin thị trường, những đặc tính, những nhu cầu cần thiết để đáp ứng thị trường sản phẩm.
Tiếp theo, cần hỗ trợ xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ thương mại và thông qua quảng bá bán hàng trên môi trường điện tử, rồi tổ chức các ngày hội mua hàng. Định kỳ 1 quý/lần đưa người mua hàng khắp nơi trên thế giới về vùng quê của chúng ta như Cần Thơ, An Giang…không chỉ 1 địa phương mà nhiều địa phương có thể giới thiệu sản phẩm đặc trưng của mình. Đồng thời, hỗ trợ bảo vệ thương mại, các cơ quan thương vụ ở nước ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp và bà con gỡ khó các vụ kiện thương mại.
Tiếp đến, cần hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với các hiệp định thương mại tự do. Bộ Công Thương có những sổ tay, kỷ yếu hướng dẫn khai thác về các hiệp định thương mại. Trên các chương trình hàng tuần giới thiệu quảng bá thương hiệu quốc gia, dữ liệu quốc gia cũng khuyến khích hỗ trợ các khu vực nông nghiệp. Hiện nay 40% xúc tiến thương mại dành cho vùng sản xuất nông nghiệp. Sắp tới, chúng ta phấn đấu nâng tỷ trọng này lên để làm sao hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp trong vùng nông nghiệp, nông thôn của chúng ta để vươn ra thế giới. Theo Bộ trưởng Công Thương, cần khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung. Nếu không có cơ sở dùng chung thì chúng ta không áp dụng được công nghệ AI.
Các địa phương cần có hình thức kết hợp sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sinh thái với du lịch; gắn du lịch với thương mại; gắn du lịch thương mại với xuất khẩu. Qua thực tiễn, tất cả các vấn đề nêu trên cần sự vào cuộc không chỉ của Chính phủ, các Bộ ngành, mà rất cần tất cả các địa phương. “Hiện nay, hợp tác xã chỉ làm dịch vụ chứ không chỉ đạo điều hành sản xuất. Mà chỉ đạo sản xuất phải là cấp ủy chính quyền địa phương. Nếu ta kết hợp tốt Bộ ngành, địa phương dưới sự chỉ đạo Chính phủ thì sẽ mang lại hiệu quả cao”, Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh.
LÝ LAN
Bình luận