Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 17:11
Thứ ba, 26/07/2022 08:07
TMO – Quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) thường làm sau quy hoạch của các tỉnh, thành phố và quy hoạch các ngành, lĩnh vực dẫn đến tính hiệu quả không cao.
Quy hoạch vùng không kèm với cơ chế, cấp quản lý quy hoạch tương ứng khiến khâu giám sát thực hiện quy hoạch cấp vùng gần như để ngỏ. Bên cạnh đó, việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vẫn đang theo quan điểm địa giới hành chính nên các định hướng phát triển ngành hay kết cấu hạ tầng chưa có sự thống nhất trên toàn vùng, dẫn đến đầu tư dàn trải, gây lãng phí và thiếu đồng bộ.
Các chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng xây dựng và ban hành quy hoạch chung về phát triển kinh tế-xã hội Vùng KTTĐMT đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Tính khoa học và thực tiễn của quy hoạch phát triển vùng được đảm bảo khi và chỉ khi có sự tham gia ngay từ đầu của các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các nhà quản lý từ Trung ương đến địa phương vào quá trình xây dựng quy hoạch, nhằm giảm dần hiện tượng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" của các cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng quy hoạch định hướng phát triển các vùng kinh tế.
Sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ lực trong phát triển kinh tế khu vực miền Trung.
Về chính sách hỗ trợ, các chuyên gia cho rằng, cần cụ thể và có tính thống nhất, đồng bộ trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) của Vùng. Đặc biệt liên kết trong chính sách ưu đãi, hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển KCN cần gắn với chính sách chung của Vùng về xúc tiến đầu tư. Cần hạn chế xúc tiến thương mại và đầu tư riêng lẻ từng địa phương. Các địa phương trong nội vùng có thể liên kết để tổ chức các hội nghị giới thiệu về môi trường đầu tư chung, triển lãm các sản phẩm công nghiệp, xuất bản các ấn phẩm, tờ rơi giới thiệu về môi trường đầu tư, hoạt động sản xuất công nghiệp của từng tỉnh và của cả Vùng.
Đối với các hoạt động du lịch, vùng KTTĐMT có tiềm năng rất lớn cho phát triển du lịch hiện tại và tương lai. Trong quá trình phát triển, giải pháp liên kết (theo chiều dọc và chiều ngang) được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhất góp phần khai thác hết tiềm năng, hình thành những sản phẩm, thương hiệu hấp dẫn thu hút được du khách nội địa và quốc tế với số lượng lớn, chất lượng cao. Các tỉnh và doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần xác định thương hiệu "Con đường di sản miền Trung" và "Thiên đường du lịch biển – đảo" là thương hiệu của chính mình và của cả khu vực để quảng bá ra khắp thế giới.
Vũ Minh
Bình luận