Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 13:01
Thứ hai, 01/04/2024 15:04
TMO - Đó là ý kiến của hầu hết các đại biểu đại diện các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị Cây Di sản Việt Nam ở ĐBSCL vừa diễn ra vào sáng 1/4 tại Đại học Cần Thơ.
Sáng 1/4, tại TP. Cần Thơ, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP. Cần Thơ tổ chức Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị Cây Di sản Việt Nam ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tham dự Hội thảo có các vị lãnh đạo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP. Cần Thơ cùng các đại biểu từ TP. HCM, Cao Bằng, An Giang, Long An, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau,…
Phát biểu tại Hội thảo, TS.Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, kể từ khi VACNE phát động Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam, đây là Hội thảo lần thứ 7 về chăm sóc và bảo tồn Cây Di sản. Thông qua Hội thảo sẽ giúp đẩy mạnh, tăng cường hoạt động của VACNE tại khu vực phía Nam.
Trong khuôn khổ Hội thảo, gần 10 báo cáo của VACNE và các địa phương được trình bày. Các vị đại biểu đại diện cho các địa phương đã tích cực đóng góp ý kiến về vấn đề thực tiễn, liên quan đến chăm sóc, bảo tồn và phát huy Sự kiện bảo tồn Cây Di sản trên toàn quốc nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị Cây Di sản Việt Nam ở ĐBSCL diễn ra vào sáng 1/4 tại Đại học Cần Thơ.
Đặc biệt, tại Hội thảo các đại biểu đã thống nhất kiến nghị, đề xuất cơ chế bảo tồn và phát huy giá trị Cây Di sản Việt Nam. Cụ thể, kiến nghị VACNE cần có những đề xuất kiến nghị với Bộ TN&MT, hoặc Chính Phủ xây dựng quy định cụ thể về việc bảo tồn Cây Di sản; tạo hành lang pháp lý để cộng đồng dân cư, chính quyền các cấp xác định rõ trách nhiệm và xây dựng giải pháp huy động nguồn lực hiệu quả để phát huy giá trị Cây Di sản.
Bên cạnh đó, VACNE cần đề xuất, kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố ban hành “Đề án quản lý bảo tồn cây cổ thụ” trên địa bàn tỉnh và giao cho một cơ quan chức năng của tỉnh chủ trì thực hiện. Từ đó, đưa tất cả các cây cổ thụ hiện có trên toàn địa bàn tỉnh, thành phố vào danh mục quản lý, bảo tồn đồng thời phân cấp rõ nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng để cùng phối hợp quản lý một cách chặt chẽ.
Đồng thời, VACNE và các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng cho người dân hiểu ý nghĩa, giá trị, vai trò của cây cổ thụ và sự cần thiết phải bảo tồn, tôn tạo những cây này, vận động các tổ chức, cá nhân, các nguồn tài trợ để đóng góp xây dựng quỹ bảo tồn, chăm sóc, bảo vệ và quản lý cây cổ thụ. Tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục truyền thống, du lịch tâm linh gắn với cây cổ thụ để một mặt phát huy vai trò của nó trong sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, mặt khác tạo ý thức quý trọng đối với loại cây cổ thụ này trong các tầng lớp nhân dân.
Mời bạn đọc tham gia Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024. Theo đó, cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động. Đối tượng dự thi là người viết chuyên và không chuyên trong và ngoài nước. Tác phẩm dự thi là bài viết về chủ đề “Cây Di sản Việt Nam”. Những tác phẩm, bài viết về Cây Di sản Việt Nam đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông nhưng chưa tham gia cuộc thi nào vẫn đủ điều kiện tham gia cuộc thi này.
Thời gian tiếp nhận tác phẩm dự thi: Từ ngày 15/3/2024 đến hết ngày 30/9/2024. Lễ trao giải được tổ chức vào cuối tháng 11/2024. Tác phẩm dự thi được gửi đến Ban tổ chức đồng thời theo 2 địa chỉ: Qua đường chuyển phát nhanh: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường (Tầng 2, số 348 đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội).
E-mail: [email protected]
Cơ cấu giải thưởng gồm 23 giải:
01 Giải đặc biệt trị giá 20.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
02 Giải A: Trị giá mỗi giải 10.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải
05 Giải B: Trị giá mỗi giải 5.000.000đ, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
15 Giải C: Trị giá mỗi giải 2.000.000đ, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
Phương Thảo
Bình luận