Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 20:11
Thứ tư, 31/07/2024 19:07
TMO - Việc áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến sẽ giúp giảm vật tư đầu vào như: Phân bón, giống, nước một cách tối đa. Khi vật tư đầu vào giảm, ngay lập tức sẽ gia tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ sản xuất tham gia Đề án khoảng 15 - 20%, thậm chí 30%. Song song với nâng cao hiệu quả kinh tế, sẽ xác định được mức độ giảm phát thải.
Theo các chuyên gia, điểm mấu chốt của Đề án trồng 1 triệu ha lúa năng suất cao, phát thải thấp là tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật để đạt được mục tiêu kép. Việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", "tưới ngập - khô xen kẽ"… mục tiêu đầu tiên là giúp nông dân giảm vật tư đầu vào (phân bón, giống, nước...) để tiết kiệm chi phí, gia tăng giá trị sản xuất. Song song đó, vấn đề giảm phát thải khí nhà kính cũng được đặt ra.
Nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu thấu đáo và cho rằng việc triển khai Đề án là để được cấp và bán tín chỉ carbon với giá trị cao. Điều này chúng ta có thể làm được nhưng đó là câu chuyện trong tương lai. Bởi lẽ, chỉ khi áp dụng thành công, thuần thục các giải pháp canh tác lúa tiên tiến, nhất là kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ thì mới có thể giảm được lượng phát thải, mới có thể mang lại nguồn thu từ việc giao dịch thị trường carbon. Tuy nhiên, đây là việc không hề đơn giản, đòi hỏi phải có một quy mô canh tác đủ lớn; nông dân thực sự thay đổi nhận thức, thói quen canh tác truyền thống; hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh, chủ động tưới tiêu; cơ chế chính sách khuyến khích nông dân áp dụng khoa học công nghệ; chi phí vận hành hệ thống đánh giá, giám sát…
(Ảnh minh họa)
Việc áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến sẽ giúp giảm vật tư đầu vào (phân bón, giống, nước…) một cách tối đa. Khi vật tư đầu vào giảm, ngay lập tức sẽ gia tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ sản xuất tham gia Đề án khoảng 15 - 20%, thậm chí 30%. Song song với nâng cao hiệu quả kinh tế, chúng ta sẽ xác định được mức độ giảm phát thải". Khi việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật trở nên thuần thục, bài bản và xác định được mức độ giảm phát thải, chúng ta có thể thực hiện được việc chứng nhận gạo Việt Nam giảm phát thải. Từ đó, hình ảnh, thương hiệu, giá trị của lúa gạo Việt Nam được nâng lên, thuận lợi đi vào những thị trường khó tính, yêu cầu cao về canh tác trách nhiệm, bền vững. Bên cạnh các giải pháp về kỹ thuật, ngay từ bây giờ cần có chính sách tạo động lực để thu hút được các doanh nghiệp tham gia. Doanh nghiệp phải là trung tâm, đầu kéo thực hiện Đề án cũng như dẫn dắt nông dân phát triển chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo bền vững.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL, hợp tác công tư (PPP) được xem là mắt xích quan trọng nhằm thu hút khối tư nhân, doanh nghiệp, nông dân cùng tham gia. Có 3 tác nhân gồm khối công, khối tư và các đối tác. Ngoài ra, hệ thống khuyến nông và các doanh nghiệp đều có những lợi thế nhất định trong việc triển khai đề án. Vì vậy, việc thúc đẩy hợp tác công tư về lúa gạo sẽ đem lại hiệu quả cho các bên, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp, người dân và cộng đồng.
Khung hợp tác PPP trong đề án này có 5 nhiệm vụ. Một là nâng cao năng lực khuyến nông cộng đồng và nông dân về giảm phát thải; thứ hai là đánh giá MRV; thứ ba là chuyển giao công nghệ; thứ tư là liên kết hợp tác xây dựng thương hiệu và thứ năm là truyền thông.
Để hợp tác công tư hiệu quả phải có sự phân công trách nhiệm công việc giữa công và tư; có niềm tin giữa các đối tác; mối quan hệ bình đẳng và cân bằng giữa các đối tác và bảo vệ tốt quyền sở hữu của các bên. Trong liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ lúa gạo, doanh nghiệp phải ký hợp đồng tiêu thụ lúa gạo ổn định với HTX với giá thích hợp và chia sẻ lợi ích cho nông dân thu nhập từ giảm phát thải. Doanh nghiệp phải đầu tư ứng trước vật tư đầu vào cho nông dân, đây yếu tố rất quan trọng có tính chất cam kết của doanh nghiệp với các hộ nông dân với doanh nghiệp và cũng như sự đảm bảo doanh nghiệp sẽ thu mua.
LÝ LAN
Bình luận