Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ năm, 17/08/2023 11:08
TMO – Nạn kích điện giun đất xuất hiện từ nhiều năm nay và đã lắng xuống. Trong khoảng mấy tháng gần đây, vấn nạn này xuất hiện trở lại ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, việc xử lý vấn nạn kích điện giun đất đang gặp khó khăn bởi đến nay vẫn chưa có chế tài xử lý hành vi này.
Mới đây, theo phản ánh, tại các xã Ái Thượng, Điền Quang (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa), xuất hiện tình trạng săn bắt giun đất bằng kích điện rộ lên từ đầu năm 2023. Theo đó, người dân kéo nhau vào trong những cánh rừng nguyên sinh, nơi ít người qua lại dùng kích điện săn bắt giun đất. Thời gian săn bắt từ 6h sáng đến khoảng 14h, sau đó giun được mang đi tiêu thụ. Cách thức để bắt giun rất đơn giản. Chỉ với 2 thanh sắt nối với máy kích bằng đường dây điện và cắm trực tiếp xuống đất, sau vài tiếng kêu “tít tít” phát ra từ máy xung điện, trong vòng bán kính khoảng 2 m2 các loại giun to nhỏ dần ngoi lên, quằn quại, giãy giụa trên mặt đất. Trung bình mỗi ngày, 1 máy kích có thể bắt được từ 5 đến 10 kg giun tươi, thậm chí nhiều hơn.
Giun đất sau khi đánh bắt được sơ chế phơi khô trước khi tiêu thụ. Được biết, đầu mối thu gom chủ yếu là các thương lái Trung Quốc.
Theo tìm hiểu, giun đất tươi được thu mua với giá khoảng 45.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày người đi bắt giun có thể kiếm gần 1 triệu đồng. Tình trạng khai thác giun đang xuất hiện nhiều ở các huyện Thạch Thành, Bá Thước, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Thường Xuân… Đây là các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, có diện tích đất tự nhiên rộng, điều kiện sống của người dân đang khó khăn. Được biết, giun sau khi thu mua sẽ được các chủ lò sấy thuê nhân công sẻ bụng, xếp thành lớp rồi đưa đi sấy khô; mỗi mẻ giun được sấy bằng củi trong thời gian khoảng 4 tiếng đồng hồ. Trung bình khoảng 13kg giun tươi sau khi sấy sẽ được 1kg giun khô. Mỗi kg giun khô được các “đầu nậu” bán với giá 715.000 đồng. Tuy nhiên, khi được hỏi thương lái thu mua giun khô làm gì thì chủ lò sấy không biết, chỉ biết họ mua để xuất khẩu, thấy có lợi nhuận thì làm.
Ngoài một số địa phương của tỉnh Thanh Hóa, trong những ngày gần đây, vấn nạn kích điện giun đất cũng xuất hiện ở nhiều địa phương khác như: Lục Ngạn (Bắc Giang), Nho Quan, Tam Điệp (Ninh Bình), Cao Phong (Hòa Bình), Tam Dương, Tam Đảo (Vĩnh Phúc)...khiến nhiều người lo lắng nếu không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, trở thành trào lưu thì hậu quả để lại sẽ rất lớn.
Lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ một bộ thiết bị kích điện giun đất. Ảnh: T.L
Trung tá Vi Ngọc Tú, Phó Trưởng Công an thị trấn Thường Xuân (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) cho biết, hành vi đánh bắt giun đất bằng kích điện đã vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 7, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Tuy nhiên, do chưa có chế tài xử phạt hành vi sử dụng máy kích điện để bắt giun nên mới chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, nhắc nhở không tái phạm. Trong khi đó, vì lợi nhuận trước mắt, một số người vẫn tận diệt giun đất bằng kích điện, khiến việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn.
Theo các chuyên gia, tình trạng đánh bắt giun bằng xung điện đã tận diệt từ trứng đến giun trưởng thành trong đất. Không chỉ loài giun, cả hệ sinh thái trong đất cũng bị tàn sát. Theo tài liệu khoa học, mỗi một gam đất có tới 6 triệu vi sinh vật sinh sống. Đất tốt hay không do vi sinh vật nhiều hay ít tồn tại trong đó. Chuyên gia khẳng định, nếu tình trạng này tiếp diễn đất sẽ trở nên bạc màu, không thể canh tác, ảnh hưởng đến sản xuất, đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của con người bởi giun có vai trò quan trọng với hệ sinh thái đất, giúp đất tơi xốp, thoát nước và giữ ẩm. Phân giun là nguồn dinh dưỡng tốt cho cây.
Giun đất giúp đất tơi xốp, thoát nước và giữ ẩm..
Tác động gây hậu quả nghiêm trọng là vậy, tuy nhiên, điều đáng nói, kích giun được xem là hành vi hủy hoại đất nhưng đến nay chưa có chế tài xử phạt. Nghị định 91 năm 2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã xác định các hành vi hủy hoại đất, nhưng kích giun bằng điện chưa được quy định rõ. Việc mua bán thiết bị kích điện với giun đất cũng chưa có điều luật xử phạt cụ thể. Các máy xung kích điện để bắt giun phần lớn có nguồn gốc sản xuất từ nước ngoài, bởi vậy cơ quan chức năng cần làm rõ đơn vị nhập khẩu, bán các loại máy này có thực hiện thủ tục nhập khẩu, kê khai, nộp thuế theo đúng quy định pháp luật hay không. Trường hợp có hành vi vi phạm quy định về nhập khẩu, kinh doanh trái phép thì tùy vào tính chất mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với chế tài nghiêm khắc.
Đất màu mỡ sẽ trờ thành "đất chết" nếu các vi sinh vật trong đất bị tiêu diệt.
Theo các chuyên gia, trước mắt, các địa phương cần kiểm tra, rà soát phát hiện và ngăn chặn hoạt động kích điện bắt giun. Đồng thời, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là những người trực tiếp có hành động kích điện giun đất, các cơ sở, hộ gia đình sơ chế, thu mua, buôn bán giun đất. Khuyến khích người dân tích cực phát giác, thông báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện hoạt động kích điện, sơ chế giun đất trái phép để có biện pháp xử lý vi phạm. Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, cần hoàn chỉnh, bổ sung các hành vi hủy hoại đất trong các văn bản pháp luật về đất đai, môi trường, nhất là khi chúng ta đang sửa đổi bổ sung Luật Đất đai 2013.
TÚ QUYÊN
Bình luận