Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ hai, 06/03/2023 04:03
TMO - Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, để giải quyết vấn đề ngập nước cho 13 tuyến đường thường xuyên ngập, TP.HCM cần khoảng 1.900 tỷ đồng để triển khai 9 dự án cải tạo hệ thống thoát nước chống ngập.
Báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025, kế hoạch thực hiện năm 2023, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, đơn vị đã giải quyết được 5/18 tuyến đường. Đó là: Tân Quý, Trương Công Định, Ba Vân, Bàu Cát (đều thuộc quận Tân Bình) và Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh). Sở Xây dựng cũng đã giải quyết ngập 7 tuyến đường trục chính ngập do triều cường. Như vậy, hiện TP.HCM còn 13 tuyến đường trục chính bị do mưa, gồm: Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm cũ), Đặng Thị Rành, Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Quốc Lộ 1A (thành phố Thủ Đức), Phan Anh, Hồ Học Lãm.
Ngoài những tuyến đường ngập do mưa còn 7 tuyến đường bị ngập do ảnh hưởng của triều cường như: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận 7), Lê Văn Lương, Đào Sư Tích (huyện Nhà Bè) và Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), Nguyễn Văn Hưởng (thành phố Thủ Đức).
Sở Xây dựng TP.HCM đã giải quyết được 5/18 tuyến đường.
Để giải quyết 13 điểm ngập do mưa còn lại, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, hoàn tất các thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư 9 dự án với tổng vốn khoảng 1.900 tỷ đồng. Cụ thể, cải tạo hệ thống thoát nước đường Thảo Điền - Quốc Hương - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng (khu dân cư Thảo Điền) tổng mức đầu tư 290 tỷ đồng. Cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp với tổng vốn 350 tỷ đồng.
7 dự án còn lại gồm: Cải tạo hệ thống thoát nước Quốc lộ 1A (từ Ngã tư Bình Phước đến khu vực Đại học Quốc gia - tổng vốn 600 tỷ đồng); Cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức (Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân, Hồ Văn Tư – tổng vốn 69 tỷ đồng); Cải tạo hệ thống thoát nước đường Quang Trung (từ đường Phạm Văn Chiêu đến Cầu Chợ Cầu – tổng vốn 120 tỷ đồng); Xây dựng hệ thống thoát nước đường Phan Anh và nạo vét cải tạo rạch Bàu Trâu (tổng vốn 300 tỷ đồng); Cải tạo hệ thống thoát nước đường Lê Đức Thọ (từ đường Phạm Văn Chiêu đến Cầu Cụt – 75,5 tỷ đồng); Cải tạo hệ thống thoát nước đường Bạch Đằng (từ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đến cầu mới Bạch Đằng – 79,3 tỷ đồng).
Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, hoàn tất các thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư 9 dự án cải tạo hệ thống thoát nước (Ảnh minh họa)
Để giải quyết 7 điểm ngập do triều cường, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, sẽ tái khởi động để thi công hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng đối với dự án Giải quyết ngập do triều cường có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) gần 10.000 tỉ đồng để chống ngập triều khu vực bờ hữu sông Sài Gòn, giải quyết 5 tuyến trục chính ngập do triều cường gồm: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn, Lê Văn Lương, Đào Sư Tích, Quốc lộ 50. Đồng thời, hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng dự án bờ tả sông Sài Gòn giải quyết ngập do triều cường trên tuyến đường Nguyễn Văn Hưởng.
Về xây dựng nhà máy xử lý nước thải, theo Sở Xây dựng, thời gian tới sẽ hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2) từ công suất 141.000 m3/ngày lên 469.000 m3/ngày; Thi công các hạng mục công trình của Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2.
Sở Xây dựng cũng đề nghị cơ quan chức năng giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư bước lập chủ trương đầu tư và bố trí vốn chuẩn bị đầu tư cho 58 dự án gồm 22 dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2016-2020; 2 dự án Xây dựng bờ kè Bắc kênh Đôi quận 8 và Xây dựng bờ kè Nam kênh Đôi quận 8; 34 dự án đề xuất mới.
Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng của Bộ TN&MT công bố năm 2016, đến năm 20210 nhiệt độ TP.HCM có thể tăng từ 1,9 - 3,5 độ C. Theo kịch bản ngập lụt TP.HCM, nếu nước biển dâng 100cm, 17% diện tích TP.HCM có nguy cơ bị ngập, trong đó, quận Bình Thạnh bị ngập khoảng 80,78%, huyện Bình Chánh ngập khoảng 35,43%...
Đối với kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 – 2030, trong giai đoạn 2020 – 2025, thành phố đặt chỉ tiêu giữ vững kết quả đạt được, không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết phạm vi 550 km2; Tập trung giải quyết ngập bền vững cho vùng trung tâm thành phố rộng 106,41 km2; cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại của thành phố.
Từ năm 2026 – 2030, thực hiện các dự án dự báo, kiểm soát ngập nước nhằm chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình biến đổi khí hậu. Xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước theo quy hoạch tại khu vực ngoại vi, tiếp tục đầu tư hoàn thiện các dự án nạo vét trục thoát nước chính; chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch đường sông, xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại các lưu vực đông dân cư còn lại.
Thu Trang
Bình luận