Hotline: 0941068156
Thứ năm, 14/11/2024 22:11
Thứ ba, 12/11/2024 12:11
TMO - Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 8 (bão Toraji), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các bộ, ngành, địa phương vùng ven biển, từ tỉnh Quảng Ninh đến Bình Định cần sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, đồng thời tổ chức trực ban 24/24h, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão.
Hiện nay, cơn bão có tên quốc tế là bão Toraji, đang hoạt động trên vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippines). Sáng sớm 12/11, bão Toraji đã đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 8 trong năm 2024. Hồi 07 giờ ngày 12/11, vị trí tâm bão số 8 (bão TORAJI) ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 118,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-102km/h), giật cấp 12. Di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ khoảng 10km/h.
Dự báo từ 72 đến 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5km, cường độ tiếp tục suy yếu thêm. Vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12, sóng biển cao 3,0-5,0m, vùng gần tâm bão 5,0-7,0m; biển động rất mạnh. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Để chủ động ứng phó với bão Toraji (bão số 8), trong sáng nay 12/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công điện số 8491/CĐ-BNN-ĐĐ gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; về việc ứng với bão số 8.
Các địa phương kêu gọi tàu thuyền neo đậu, tránh trú bão an toàn. (Ảnh minh hoạ).
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi. Đồng thời tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn. Bên cạnh đó, trước diễn biến của bão số 8, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế đã ban hành lệnh cấm biển.
Cùng với ảnh hưởng trên biển, nguy cơ mất an toàn đối với các hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi cũng rất đáng lo ngại. Đặc biệt là trong bối cảnh mưa được Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia nhận định là còn tiếp diễn cho đến ngày 13/11.
Thống kê của Bộ Công Thương, sáng 12/11, tại khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên hiện có tổng số 9 hồ chứa thuỷ điện vận hành điều tiết qua tràn. Tại khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Trung Trung Bộ hiện có 10 hồ chứa thuỷ lợi đang vận hành xả tràn.
Nguy cơ mất an toàn đê điều cũng được Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đánh giá là rất đáng lo ngại. Qua rà soát, hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận còn tồn tại 72 trọng điểm đê điều xung yếu.
Nhằm chủ động ứng phó bão số 8, hiện nay Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đang tiếp tục duy trì công tác trực ban 24/24 giờ. Đồng thời, phối hợp tổ chức nhắn 15,8 triệu tin Zalo hướng dẫn an toàn cho chủ phương tiện tàu thuyền tránh trú bão khu vực từ Quảng Ninh đến Bình Thuận.
Trong công điện phát đi sáng 12/11, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương ứng phó diễn biến của bão. Đồng thời, trực ban nghiêm túc (24/24 giờ), thường xuyên báo cáo về Bộ NN&PTNT (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) để có chỉ đạo ứng phó kịp thời…/.
Thuỳ Giang
Bình luận