Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ hai, 28/02/2022 15:02
TMO - Thời điểm này, khu vực Tây Nguyên đang bước vào giữa mùa khô, kéo theo nguồn nước ở các ao hồ, sông suối đang sụt giảm. Trước tình hình trên, các tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm ứng phó phù hợp với tình hình thời tiết trong những tháng cuối mùa khô, nhất là nỗ lực đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng.
Tại tỉnh Đắk Lắk, mực nước ở một số nguồn nước cung cấp tưới như hồ thuỷ lợi, hồ thuỷ điện...nước đang rút dần. Để đảm bảo nguồn nước cung cấp tưới tiêu cho các vườn cây nông nghiệp thì ngày từ đầu mùa khô lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo cho các ngành chức năng và địa phương phải chủ động triển khai các biện pháp tốt nhất để chống hạn.
Huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk hiện nay có gần 30.000 ha cây trồng các loại. Toàn huyện chỉ có 46 công trình hồ đập thủy lợi, đáp ứng khoảng 35% nhu cầu tưới cho cây trồng mỗi năm, còn lại là phụ thuộc vào các khe, suối tự nhiên và ao, hồ, giếng do người dân tự đào.
Phần lớn nguồn nước phục vụ tưới tiêu trong mùa khô trên địa bàn tỉnh phụ thuộc vào giếng nước do người dân đào, nước từ khe suối
Nhằm chủ động ứng phó với nguy cơ khô hạn kéo dài, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, hợp tác xã, tổ thủy nông trên địa bàn có các biện pháp điều tiết nước hợp lý tùy đặc điểm từng khu vực. Khuyến khích người dân đẩy mạnh khơi thông dòng chảy, kênh mương thủy lợi; tủ rơm, lá khô tại gốc cây để tránh bốc hơi thất thoát nước; tưới nước tiết kiệm; chia lịch với nhau không tưới ồ ạt cùng một thời điểm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.
Tại tỉnh Đắk Nông vào đầu mùa khô xuất hiện 3 đợt mưa lớn đã phần nào giúp cho người dân đỡ áp lực về tưới tiêu. Tuy nhiên, lượng nước ở hầu hết các hồ thuỷ lợi cũng đang có dấu hiệu sụt giảm mực nước. Theo dự báo từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Nông, từ tháng 02 đến tháng 4/2022, mực nước và lưu lượng trên các sông, suối dao động theo xu thế giảm dần, xuất hiện tình trạng cạn kiệt và thiếu hụt nguồn nước, thời kỳ cạn kiệt nhất. Dự báo vào mùa khô, tình trạng hạn hán, thiếu hụt nguồn nước trên địa bàn tỉnh ở mức cao, đặc biệt trên khu vực các huyện: Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil, Đắk Song, Tuy Đức.
Hệ thống tưới tiết kiệm cũng được các hộ dân áp dụng để chủ động nguồn nước tưới trong mùa khô này
Thực hiện kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2022 UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các đơn vị thủy điện trên địa bàn tỉnh thực hiện điều tiết nước phục vụ tưới, đặc biệt là nước cho sản xuất và dân sinh vùng hạ du công trình thủy điện; phối hợp chặt chẽ với các địa phương về việc chấp hành Nông lịch trong điều tiết nguồn nước tưới và triển khai thực hiện các phương án phòng chống hạn khi có yêu cầu của địa phương.
Theo lãnh đạo sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, tình trạng hạn hán sẽ rải đều tại các địa phương trong tỉnh, tập trung vào một số khu vực ít nguồn nước sông suối tự nhiên, đồi núi cao. Cụ thể như khu vực xã Đạ Sar, Đa Nhim (huyện Lạc Dương), xã Phi Tô, Đạ Đờn, Phú Sơn (Lâm Hà); xã Ninh Gia, Đa Quyn, Đà Loan (Đức Trọng); xã Đồng Nai Thượng, Nam Ninh, Đức Phổ (Cát Tiên)…
Tỉnh Lâm Đồng khuyến khích các hộ sản xuất áp dụng công nghệ tưới tiên tiến
Để ứng phó với tình trạng khô hạn Phòng NN&PTNT tỉnh khuyến cáo người dân tăng cường nạo vét kênh mương, phát triển công trình thủy lợi vừa và nhỏ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với tình hình thời tiết; áp dụng công nghệ mới, công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm vào sản xuất; đầu tư cải tạo, nâng cấp và nạo vét hồ chứa bị hư hỏng, phát triển hệ thống ao hồ nhỏ trên địa bàn.
Ngoài ra, địa phương này cũng sử dụng ngân sách từ nguồn kinh phí phục vụ phòng chống hạn, thiếu nước mùa khô để thực hiện nạo vét cửa lấy nước đầu mối công trình thủy lợi, nâng cấp đường ống cấp nước sinh hoạt, nạo vét mương thủy lợi, mua thiết bị trữ nước hỗ trợ người dân, hỗ trợ tiền điện và dầu máy bơm.
Thu Trang
Bình luận