Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 09:11
Thứ tư, 04/10/2023 07:10
TMO - Thời điểm này, triều cường đang lập đỉnh khiến nước sông dâng cao, gây ngập sâu nội ô các tỉnh, thành phố; đồng thời ảnh hưởng đến diện tích sản xuất nông nghiệp của các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Tại thành phố Cần Thơ, mực nước đo được trên sông Hậu vào sáng và chiều 3/10 ở mức 2,01 m và 2 m, vượt và chạm mức báo động ba. Đỉnh triều cao nhất ghi nhận được trên sông Hậu vào sáng 2/10 là 2,13 m, vượt mức báo động ba 13 cm gây ngập sâu tại một số tuyến đường: Cách Mạng tháng Tám, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Mậu Thân... Trong khi đó, các điểm nóng trước đây như đường Nguyễn Văn Cừ, (quận Ninh Kiều)...
Triều cường tại TP Cần Thơ vượt báo động 3 khiến nhiều tuyến đường ngập sâu. Ảnh: PH.
Đài Khí tượng Thuỷ văn Bạc Liêu và nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Nam Bộ, từ cuối tháng 9/2023 đến tháng 2/2024, vùng ven biển khu vực tỉnh Bạc Liêu sẽ xuất hiện 7 đợt triều cường cao. Đồng thời cảnh báo đây là kỳ triều mạnh, đỉnh triều cao xảy sẽ ra vào ban đêm với mực nước triều cường dâng cao sẽ gây ngập úng ở nhiều vùng trũng, thấp như dọc Quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Hòa Bình và TX Giá Rai...); một số tuyến đường thuộc Phường 2, 3, 5, 7, 8, phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu bị ngập khá sâu.
Tại Đồng Tháp, trong những ngày qua do ảnh hưởng kết hợp của triều cường và lũ thượng nguồn, mực nước tại khu vực các huyện phía Nam của tỉnh đã lên nhanh. Dự báo trong những ngày tới, mực nước tại các huyện tiếp tục lên và đạt đỉnh triều cường. Mực nước các trạm có thể lên mức xấp xỉ báo động 3 và trên báo động 3 từ 0,18 - 0,63 m, sau đó biến đổi chậm và xuống dần. Mức độ rủi ro thiên tai do triều cường: ở cấp độ 2. Độ sâu ngập lụt tại khu vực đất tự nhiên (không có đê bao) khoảng từ 1,2 - 1,5 m.
Các tỉnh miền Tây Nam Bộ triển khai nhiều giải pháp chủ động ứng phó với triều cường, mưa lớn. Ảnh: NDO.
Cơn mưa to kéo dài hàng giờ chiều 2/10 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, kết hợp triều cường trên sông dâng cao khiến hầu hết các tuyến đường khắp các địa phương ngập trong biển nước. Nước tràn vào nhà gây khó khăn trong sinh hoạt của người dân. Tại huyện Cù Lao Dung , triều cường xấp xỉ báo động cấp ba đã đe dọa khoảng 5.000 ha cây ăn trái, gần 3.000 ha rau màu, 2.700 ha mía và hơn 4.000 ha nuôi trồng thủy sản. Đây là một trong những địa phương hằng năm chịu tác động mạnh từ các đợt triều cường dâng do địa hình thấp, bao quanh bởi sông nước. Đặc biệt, huyện có chiều dài đê sông lên đến hơn 80 km, đê biển 17 km và 360 con kênh, rạch chằng chịt, tuyến bờ bao trong dân tương đương 1.000 km...
Để chủ động ứng phó kịp thời ảnh hưởng của triều cường, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác khảo sát thực tế các điểm xung yếu, nhất là các tuyến đê sông, bờ bao, đê bao chưa đảm bảo an toàn, công trình đường giao thông có cao trình thấp, tuyến đê chưa khép kín… để thực hiện việc gia cố, bồi trúc, chủ động khắc phục, ứng phó kịp thời, hướng tới đảm bảo ổn định cho sản xuất và đời sống của người dân. Huyện cũng đề nghị các địa phương, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, đội xung kích phòng, chống thiên tai ở các xã tổ chức trực ban 24/24, huyện cũng dự báo đưa ra khung thời gian, thời điểm nào triều cường sẽ lên cao, thì để nghị xã sẽ bố trí các tổ để phân chia địa bàn ra, rồi đi rà soát, đi kiểm tra.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết, đơn vị đã có kế hoạch về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023; kế hoạch thực hiện chiến lược thủy lợi tỉnh Sóc Trăng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Địa phương này đã nâng cấp hơn 22 km đê biển; xây dựng mới hai tuyến đê sông Cồn Tròn và Bến Bạ có chiều dài hơn 39 km đê sông của huyện Cù Lao Dung; thi công Dự án xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long để khắc phục sạt lở bờ sông Rạch Vọp chiều dài 575 m tại huyện Kế Sách, đê chống sạt lở bờ biển chiều dài 2.200 m tại thị xã Vĩnh Châu...
Huyện Cù Lao Dung đắp đập ngăn triều cường bảo vệ diện tích sản xuất của người dân. Ảnh: T.Hồng.
Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, ngay từ đầu năm, thành phố đã phát động thủy lợi mùa khô, gia cố đê bao, nạo vét kênh để lưu thông dòng chảy. Thời gian qua, thành phố tiến hành cải tạo, lắp cống ở 32 tuyến đường thuộc dự án Cải tạo hệ thống thoát nước quận Ninh Kiều với kinh phí hơn 280 tỷ đồng để hỗ trợ thoát nước cho hệ thống cống cũ khi có mưa lớn.
Để hạn chế tác động từ triều cường đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của thành phố, tỉnh Cần Thơ kỳ vọng nhiều vào việc triển khai Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Dự án hướng đến việc xây dựng hệ thống kè dọc theo các khu vực bờ sông, xây dựng, cải tạo hệ thống cống, cải tạo, nạo vét nhiều kênh rạch và các âu thuyền, các trạm bơm để bảo vệ vùng lõi 2.600 ha của trung tâm thành phố trước rủi ro ngập lụt. Khi có lũ hay nước sông dâng cao chỉ cần vận hành hệ thống cống, âu thuyền để ngăn nước tràn vào nội ô và vận hành các trạm bơm để bơm nước từ nội ô ra sông khi có mưa lớn
Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Chủ tịch UBND quận/huyện khẩn trương chỉ đạo UBND xã/phường/thị trấn và các đơn vị trực thuộc, tăng cường triển khai các hoạt động, đảm bảo thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn quản lý. Bên cạnh đó, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng vứt rác bừa bãi trên đường phố làm tắc nghẽn dòng chảy, gây ngập úng, đặc biệt tại các miệng cống, đường thoát nước trên địa bàn…
Để chủ động ứng phó với 7 đợt triều cường Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đã đề nghị các đơn vị trực thuộc kiểm tra hệ thống cống; kiểm tra, gia cố bờ bao hạ lưu các cống dọc theo Quốc lộ 1. Đồng thời triển khai vận hành các cống Nhà Mát, Chùa Phật (thành phố Bạc Liêu); Cái Cùng (huyện Hòa Bình) và cống Huyện Kệ (huyện Đông Hải) để ngăn triều cường, chống ngập cho vùng Nam quốc lộ 1, đảm bảo ngăn mặn an toàn cho diện tích lúa Thu Đông, Đông Xuân trong tiểu vùng giữ ngọt ổn định; vận động nhân dân gia cố bờ bao ao, đầm, ruộng muối... để bảo vệ sản xuất.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị Sở Giao thông vận tải thường xuyên kiểm tra tình hình nước triều cường tràn qua tuyến quốc lộ 1 và các trục giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Bên cạnh đó, xây dựng phương án phòng, chống triều cường tràn qua quốc lộ 1 (các đoạn có cao trình thấp chưa được nâng cấp) và các tuyển tỉnh lộ để bảo vệ tiểu vùng giữ ngọt ổn định và hoạt động giao thông....
Thành Phong
Bình luận