Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 17:11
Thứ sáu, 12/07/2024 10:07
TMO - Bộ Giao thông vận tải đề xuất sửa quy định "xóa đăng ký phương tiện" thành "xóa tên phương tiện" và bổ sung trường hợp xóa tên phương tiện khi phương tiện được chuyển nhượng ra nước ngoài cho phù hợp Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về đăng ký phương tiện thủy nội địa và quy định thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.
Theo dự thảo trên, các trường hợp sau sẽ bị xóa tên phương tiện thủy nội địa. Cụ thể: Phương tiện bị mất tích; Phương tiện bị phá hủy; Phương tiện không còn khả năng phục hồi; Chuyển quyền sở hữu phương tiện; Thay đổi cơ quan đăng ký phương tiện; Theo đề nghị của chủ phương tiện.
(Ảnh minh họa)
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất sửa quy định "xóa đăng ký phương tiện" thành "xóa tên phương tiện" và bổ sung trường hợp xóa tên phương tiện khi phương tiện được chuyển nhượng ra nước ngoài cho phù hợp Luật Giao thông đường thủy nội địa. Cụ thể, theo dự thảo, chủ phương tiện phải khai báo để xoá tên và nộp lại giấy chứng nhận đăng ký phương tiện cho cơ quan đã đăng ký phương tiện trong các trường hợp: Phương tiện bị mất tích; Phương tiện bị phá huỷ; Phương tiện không còn khả năng phục hồi; Phương tiện được chuyển nhượng ra nước ngoài; Theo đề nghị của chủ phương tiện.
Theo dự thảo, chủ phương tiện có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký phương tiện theo quy định, kẻ tên, số đăng ký, vạch dấu mớn nước an toàn và số lượng người được phép chở trên phương tiện. Khi thay đổi cơ quan đăng ký phương tiện, chủ phương tiện phải thực hiện quy định sau: Nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa đã được cấp cho cơ quan đã đăng ký phương tiện; tiếp nhận, bảo quản hồ sơ phương tiện đã niêm phong do cơ quan đăng ký phương tiện cũ giao để nộp cho cơ quan đăng ký phương tiện mới.
Trong thời hạn 30 ngày phải hoàn thành xong thủ tục kê khai để xóa tên phương tiện đối với những trường hợp quy định trên. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thay đổi tính năng kỹ thuật, chủ phương tiện phải thực hiện thủ tục đăng ký lại phương tiện. Khi đến nhận giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa hoặc giấy chứng nhận xóa tên phương tiện thủy nội địa phải xuất trình giấy hẹn và một trong các loại giấy tờ sau: chứng minh nhân dân; căn cước công dân; thẻ căn cước; số định danh cá nhân, giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền.
Tiềm năng phát triển rất lớn
Theo Cục Đường thủy nội địa, Bộ Giao thông Vận tải, Việt Nam nằm trong nhóm nước có mật độ sông, kênh vào loại cao nhất thế giới, gồm 2.360 sông, kênh, tổng chiều dài khoảng 41.900km với trên 120 cửa sông. Mật độ sông, kênh bình quân là 0,27km/km2. Rõ ràng, tiềm năng để phát triển vận tải thủy nội địa rất lớn. Hiện, tổng chiều dài đường thủy nội địa đang được quản lý khai thác là 17.253km (chiếm 41,2% tổng chiều dài sông, kênh cả nước), trong đó, đường thủy nội địa quốc gia do Cục Đường thủy nội địa trực tiếp quản lý là 7.180,8 km.
Thống kê đến năm 2022, cả nước có 306 cảng (198 cảng hàng hóa, 11 cảng hành khách, 97 cảng chuyên dùng); 6.456 bến thủy nội địa (4.964 bến có phép hoạt động, còn lại là bền không phép) và 2.526 bến khách ngang sông. Hầu hết các cảng biển khu vực miền Bắc, miền Nam có kết nối tự nhiên với các tuyến đường thủy nội địa, bên cạnh đó đường thủy nội địa còn kết nối đến tuyến vận tải ven biển thông qua 120 cửa sông. Về đội tàu, tính đến cuối năm 2022, cả nước có tổng số 237.622 phương tiện thủy nội địa, tổng trọng tải khoảng 22,2 triệu tấn, tổng sức chở là hơn 619.000 người, tổng công suất gần 16,4 triệu Cv, độ tuổi bình quân 15 năm. Đặc biệt, sau hơn 8 năm hình thành tuyến vận tải ven biển, có 2.844 phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB.
Đến nay, cả nước có 236 cơ sở đóng tàu thủy nội địa, trong đó một số cơ sở đóng tàu có năng lực đóng phương tiện thủy nội địa với tổng trọng tải toàn phần đến 16.000 tấn. Số doanh nghiệp vận tải đường thủy đang hoạt động là gần 1.800 doanh nghiệp. Với những lợi thế này, thị phần vận tải thủy nội địa hiện chỉ đứng sau vận tải đường bộ, chiếm khoảng 21% về luân chuyển hàng hóa toàn ngành. Riêng năm 2022, sản lượng vận tải hàng hóa đường thủy nội địa đạt hơn 387 triệu tấn, tăng 22,7%; luân chuyển hàng hóa đạt 93 tỷ tấn.km, tăng 37% so với cùng kỳ 2021.
VŨ MINH
Bình luận