Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 13:11
Thứ tư, 27/09/2023 19:09
TMO – Phát hành trái phiếu xanh đang là xu hướng toàn cầu với sự tham gia của các định chế tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)…, được xem là một kênh huy động vốn quan trọng với hàng trăm tỷ USD, chủ yếu được sử dụng vào việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là cho đầu tư xây dựng các tòa nhà phát thải carbon thấp và có hiệu năng cao.
Theo các chuyên gia, năm 2016, nhóm các nước công nghiệp phát triển G20 đã đưa nội dung tài chính xanh vào danh mục chương trình nghị sự và thành lập Ủy ban Nghiên cứu tài chính xanh G20 do Trung Quốc và Vương Quốc Anh đồng chủ tịch, tập trung nghiên cứu những giải pháp nhằm thúc đẩy huy động vốn thông qua hệ thống tài chính cho các dự án xanh. Trong cuộc họp toàn cầu về tài chính xanh tại Trung Quốc vào tháng 5/2018, Ủy ban G20 đã nêu ra 7 giải pháp thúc đẩy phát triển tài chính xanh bao gồm: Ban hành chính sách và khung pháp lý hỗ trợ phát triển trái phiếu xanh; Thúc đẩy việc tự nguyện thực hiện những nguyên tắc về tài chính xanh; Mở rộng mạng lưới đào tạo năng lực phát triển trái phiếu xanh; Hỗ trợ sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh trong nước; Thúc đẩy hợp tác quốc tế xuyên biên giới về trái phiếu xanh; Khuyến khích chia sẻ kiến thức về rủi ro tài chính và môi trường; Đánh giá tác động các hoạt động tài chính xanh.
Trung Quốc: Sau hơn 30 năm phát triển nhanh, Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ra những hệ lụy về chính trị, an ninh, kinh tế và xã hội. Để giải quyết vấn đề trên, nước này thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh thông qua việc xây dựng và đẩy mạnh phát triển hệ thống tài chính xanh, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển trái phiếu xanh. Tháng 10/2015, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc phát hành gần 1 tỷ USD trái phiếu xanh tại thị trường London nhằm huy động vốn cho các dự án thân thiện môi trường. Tiếp đó, trái phiếu xanh nội địa được lưu hành vào tháng 12/2015 thông qua thị trường liên ngân hàng, giúp các tổ chức tín dụng tăng thêm nguồn vốn để tài trợ cho các dự án xanh, tạo cơ sở cho việc phát triển thị trường trái phiếu xanh. Thị trường trái phiếu xanh Trung Quốc đã có bước phát triển mạnh với giá trị phát hành đạt 36,2 tỷ USD, chiếm 1/3 giá trị phát hành trái phiếu xanh toàn cầu, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu thị trường này.
(Ảnh minh họa)
Vì sao Trung Quốc thành công trong phát triển trái phiếu xanh?
Theo phân tích của các chuyên gia, hệ thống văn bản pháp luật của Trung Quốc được xây dựng trên cơ sở tham khảo các quy định quốc tế kết hợp với điều kiện thực tế trong nước. Điều này đảm bảo khả năng hội nhập giữa thị trường trái phiếu xanh trong nước và quốc tế. Năm 2015, Trung Quốc chính thức ban hành các văn bản liên quan đến trái phiếu xanh. Ngày 22/12/2015, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) đã ban hành chỉ thị về trái phiếu tài chính xanh, quy định các nội dung: Khái niệm trái phiếu xanh; danh mục các ngành mà trái phiếu xanh tài trợ; những chủ thể được phép phát hành trái phiếu xanh; thủ tục đề nghị được phát hành trái phiếu xanh; các nguyên tắc trong quá trình sử dụng và quản lý nguồn thu từ phát hành trái phiếu xanh; các biện pháp hỗ trợ phát triển trái phiếu xanh.
Ngoài ra, PBoC còn ban hành danh mục các dự án được tài trợ bằng trái phiếu xanh trong đó đưa ra những tiêu chuẩn cho các dự án, các ngành và lĩnh vực để xem xét tài trợ bằng nguồn vốn từ phát hành. Cuối năm 2016, Ủy ban Tái thiết và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) ban hành hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh, chủ yếu dành cho khu vực doanh nghiệp nhà nước. Cũng trong thời điểm này, Trung tâm Chứng khoán Thượng Hải và Trung tâm Chứng khoán Thâm Quyến phát hành thông báo về Chương trình thí điểm trái phiếu xanh, tạo điều kiện cho việc niêm yết trái phiếu xanh trên thị trường tài chính. Đến cuối tháng 8/2016, Trung Quốc tiếp tục ban hành hướng dẫn xây dựng hệ thống tài chính xanh, trong đó cụ thể hóa các hướng dẫn nhằm phát huy vai trò của thị trường chứng khoán đối với đầu tư xanh và thống nhất các tiêu chuẩn về trái phiếu xanh nội địa.
Ở Trung Quốc, trái phiếu xanh được phát triển cả ở thị trường trong nước và nước ngoài, trong đó chú trọng thị trường trong nước. Theo Báo cáo thị trường trái phiếu xanh của Trung Quốc năm 2016, nước này đã phát hành trái phiếu xanh ở nước ngoài với 3 loại tiền tệ là USD, RMB và EUR. 27% lượng trái phiếu xanh được phát hành ra thị trường quốc tế, trong đó có 17% trái phiếu xanh đạt tiêu chuẩn trái phiếu xanh quốc tế, được giao dịch tại thị trường London và Singapore. Phát triển trái phiếu xanh tại thị trường nội địa mang lại sự ổn định và tính chủ động cao hơn, đồng thời thông qua đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, thị trường trái phiếu xanh Trung Quốc trong nước chiếm tỷ lệ 72% tổng lượng trái phiếu xanh. Trong đó 74% trái phiếu xanh được phát hành trên thị trường liên ngân hàng và 17% giao dịch trên thị trường chứng khoán Thượng Hải.
Cơ quan chức năng Trung Quốc đã kịp thời ban hành những chính sách ưu đãi phù hợp khuyến khích thị trường trái phiếu xanh phát triển. PBoC đã chấp thuận cho các chủ sở hữu được sử dụng trái phiếu xanh như là một tài sản bảo đảm để được hưởng các khoản vay lãi suất thấp từ ngân hàng trung ương. Quy định này vừa tạo động lực thúc đẩy các chủ thể trong quá trình huy động vốn, tạo điều kiện cho việc phát hành trái phiếu xanh nhanh hơn và đẩy mạnh quá trình xã hội hóa trái phiếu xanh. Nhờ có cơ chế ưu đãi, các ngân hàng thương mại tham gia tích cực hơn vào thị trường (trước đây chủ yếu là khu vực nhà nước), nâng tỷ lệ phát hành lên đến 82%. NDRC ban hành những quy định ưu đãi trong việc phát hành trái phiếu xanh như đơn giản hóa quá trình phát hành và chấp thuận cho các doanh nghiệp tham gia vào thị trường, cho phép các công ty được phát hành riêng lẻ và tổng hợp đối với một số loại dự án trong một số trường hợp nhất định.
Trung Quốc điều chỉnh một số điều kiện phát hành đối với doanh nghiệp, như cho phép phát hành giá trị trái phiếu chiếm 80% tổng mức đầu tư của dự án; đồng thời cho phép các tổ chức phát hành sử dụng tối đa 50% nguồn tiền thu về từ trái phiếu để trả các khoản nợ ngân hàng và làm vốn hoạt động. Ngoài ra, những tổ chức được xếp hạng tín nhiệm loại AA+ và có tình hình kinh doanh tốt cũng có thể phát hành trái phiếu xanh để thay thế cho các khoản nợ có chi phí cao để thực hiện các dự án xanh. Nâng cao nhận thức về môi trường trong toàn xã hội thông qua trái phiếu xanh, Trung Quốc đưa yếu tố môi trường vào vị trí trung tâm của phát triển bền vững thông qua việc thành lập Tòa án Môi trường quốc gia, ban hành các quy định về môi trường, chế tài cụ thể xử lý vi phạm về môi trường… Điều này tạo động lực giúp các chủ thể của nền kinh tế quan tâm hơn đến yếu tố “xanh” trong việc lựa chọn các dự án đầu tư. Nhà phát hành cũng sẽ dễ dàng thu hút đầu tư vào trái phiếu xanh.
HẢI YẾN
Bình luận