Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 09:01
Thứ năm, 15/08/2024 11:08
TMO – Giai đoạn từ 2022-2050 sẽ xây dựng mới 17 tuyến đường sắt quốc gia. Đây là một trong nhiều dự án trọng tâm nằm trong Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Theo đó, Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải được Chính phủ phê duyệt từ năm 2022 tại Quyết định số 876. Cũng tại quyết định này, Chính phủ đã đề ra lộ trình thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh cũng như giao các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.
Đối với các dự án trọng điểm nằm trong Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, tại Phụ lục kèm theo Quyết định 876 nêu rõ, trong giai đoạn từ năm 2022 – 2050 sẽ triển khai 11 dự án trọng điểm. Cụ thể: (1) Hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác vận hành 5.000km đường bộ cao tốc (kinh phí dự kiến 813.000 tỷ đồng); (2) Dự án chuyển đổi, thay thế 244 đầu máy, 80 toa xe phát điện sang sử dụng điện, năng lượng xanh (kinh phí dự kiến 12.420 tỷ đồng); (3) Xây dựng mới 17 tuyến đường sắt quốc gia (kinh phí dự kiến 738.742 tỷ đồng); (4) Nhánh đường sắt kết nối một số cảng biển (Nghi Sơn, Liên Chiểu, Cửa Lò, Chân Mây, Dung Quất, Vân Phong, Phan Thiết, Cà Ná, Cam Ranh, Thịnh Long..., kinh phí dự kiến 24.060 tỷ đồng);
Thời gian tới sẽ cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường thủy nội địa. Ảnh minh họa.
(5) Chuẩn bị và xây dựng 03 đoạn của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Hà Nội - Vinh, Vinh - Nha Trang, Nha Trang - Thành phố Hồ Chí Minh với kinh phí dự kiến 1.334.243 tỷ đồng). Các dự án: (6) Nâng cấp 11 tuyến vận tải thủy nội địa chính trên toàn quốc; (7) Hoàn thành việc cải tạo tĩnh không các cầu đường bộ - đường sắt cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia; (8) Đầu tư các cảng thủy nội địa trên các tuyến vận tải thủy trọng yếu có kinh phí dự kiến là 157.533 tỷ đồng);
(9) Đầu tư xây dựng tuyến đường sau bến số 3, 4, 5, 6, 7, 8 thuộc khu bến cảng Lạch Huyện, cảng biển Hải Phòng (kinh phí dự kiến 2.000 tỷ đồng); (10) Cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn và Thiết lập tuyến luồng công cộng vào các bến cảng khu vực Bắc Nghi Sơn, Thanh Hóa (kinh phí dự kiến 1.500 tỷ đồng); (11) Cải tạo nâng cấp luồng Vũng Áng cho tàu 50.000 tấn (bao gồm cải tạo, nâng cấp đê chắn cát kinh phí dự kiến 650 tỷ đồng).
Trước đó, ngày 22/7/2022, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Chương trình đặt mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.
Cụ thể: Giai đoạn đến năm 2030 sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực nhằm thực hiện mức cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định và mục tiêu giảm phát thải khí metan của Việt Nam. Đến năm 2050, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.
HẢI YẾN
Bình luận