Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 26/04/2025 08:04
Thứ sáu, 25/04/2025 19:04
TMO - Dung tích các hồ chứa thủy lợi tại Tây Nguyên đang ở mức thấp nhất so với cả nước, chỉ đạt 36% dung tích thiết kế, với Kon Tum đạt 39%, Gia Lai 30%, Đắk Lắk 33%, Đắk Nông 45%, và Lâm Đồng 67%. Toàn vùng hiện có 52 hồ cạn nước, gồm 11 hồ ở Kon Tum, 21 hồ ở Đắk Lắk và 20 hồ ở Đắk Nông. Do đó, cần chủ động các biện pháp ứng phó hiệu quả với nguy cơ thiếu nước diện rộng.
Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, từ tháng 4 đến tháng 7/2025, tình trạng nắng nóng và khô hạn có khả năng xảy ra tại nhiều khu vực, đặc biệt ở khu vực Tây Bắc Bộ, Nam miền Trung và Tây Nguyên.
Tại khu vực Tây Nguyên, cơ quan chức năng dự báo hạn hán và thiếu nước sẽ ảnh hưởng từ nay đến cuối vụ Đông Xuân 2024-2025, với diện tích chịu ảnh hưởng khoảng 500-1.000 ha, tập trung tại Gia Lai (100-400 ha), Đắk Lắk (200-300 ha) và Đắk Nông (200-300 ha). Những khu vực này chủ yếu nằm ngoài hệ thống công trình thủy lợi, khiến nguy cơ thiếu nước càng trở nên nghiêm trọng. Tình trạng hạn hán được dự báo sẽ kéo dài đến đầu tháng 5/2025.
Dung tích các hồ chứa thủy lợi tại Tây Nguyên đang ở mức thấp nhất so với cả nước, chỉ đạt 36% dung tích thiết kế, với Kon Tum đạt 39%, Gia Lai 30%, Đắk Lắk 33%, Đắk Nông 45%, và Lâm Đồng 67%. Toàn vùng hiện có 52 hồ cạn nước, gồm 11 hồ ở Kon Tum, 21 hồ ở Đắk Lắk và 20 hồ ở Đắk Nông. Trong khi đó, tại Nam Trung Bộ, dung tích bình quân các hồ chứa đạt 77%, còn tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ lần lượt đạt 53,2% và 62%. Đông Nam Bộ có dung tích hồ chứa khả quan hơn, đạt 60,7%, cao hơn 12,9% so với mức trung bình nhiều năm.
Khu vực Tây Nguyên có thế mạnh sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thiên tai (hạn hán) xảy ra hàng năm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển nông nghiệp của vùng.
Với tình trạng nguồn nước tại các hồ đập, sông suối và công trình đầu mối, nguy cơ hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn có thể xảy ra ở các vùng cao, cuối kênh và cuối hệ thống. Trong khi đó, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn đã qua đỉnh và dự báo dòng chảy từ thượng nguồn sông Cửu Long sẽ tăng mạnh, giúp giảm độ mặn. Các khu vực cách biển 30-40 km trở vào sẽ có nước ngọt thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình thủy lợi lấy nước, đặc biệt vào thời điểm triều thấp.
Trước tình hình hạn hán, các địa phương trên cả nước đã triển khai nhiều biện pháp để quản lý nguồn nước, đảm bảo phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Tại Tây Nguyên, cơ quan chức năng đã yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất nông nghiệp và triển khai các biện pháp giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, đặc biệt với cây công nghiệp lâu năm. Các giải pháp kỹ thuật phòng chống hạn hán, như tưới tiết kiệm nước và điều chỉnh cơ cấu cây trồng, cũng được khuyến khích áp dụng rộng rãi.
Song song với các giải pháp trên, khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng đang triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh đến năm 2030. Đề án này không chỉ tập trung vào nâng cao chất lượng lúa gạo mà còn chú trọng đến quản lý nguồn nước và giảm phát thải khí nhà kính.
Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu "phát thải thấp", nhà nước cần đầu tư vào hệ thống thủy nông nội đồng, áp dụng kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ và công nghệ số để tưới tiêu tự động. Các giải pháp này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn đảm bảo nguồn nước bền vững cho sản xuất lúa, đồng thời giảm thiểu tác động của hạn hán và xâm nhập mặn…/.
HOÀI AN
Bình luận