Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 15:11
Thứ ba, 21/02/2023 22:02
TMO – Nhiều địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai các giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn nhằm giúp giảm tối đa thiệt hại.
Xâm nhập mặn được dự báo gia tăng nhanh và lên xuống thất thường tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Để ứng phó, các địa phương đang triển khai các giải pháp linh hoạt. Trong đó, tập trung rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn để chủ động ứng phó; vận hành hiệu quả hệ thống cống các thủy lợi phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Với vùng ven biển bị xâm nhập mặn cục bộ do hệ thống cống ngăn mặn chưa được xây dựng mới, các địa phương đã tập trung gia cố, đắp các đập thời vụ tại các khu vực có khả năng bị nhiễm mặn.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, rà soát diện tích vườn cây ăn trái và vườn giống cây ăn trái trong vùng, hướng dẫn bằng tài liệu, truyền thông các giải pháp chủ động ứng phó với hạn, mặn, thông qua tài liệu tuyên truyền khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái, sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình …) hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc để giữ ẩm cho cây. Cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước.
Cống ngăn mặn ở huyện Châu Thành, Kiên Giang.
Trước đó, ngày 8/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long cảnh báo sẵn sàng ứng phó xâm nhập mặn gia tăng trong thời gian tới. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành khu vực lưu ý theo dõi thông tin dự báo xâm nhập mặn từ cơ quan Khí tượng, thủy văn và Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam để kịp thời ứng phó.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xả nước hạn chế từ thượng nguồn tiếp tục kéo dài thì khả năng mặn xâm nhập sớm và sâu từ nửa cuối tháng 2 và kéo dài sang tháng 3 ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long là rất cao. Các chuyên gia cảnh báo trong tháng 2, nồng độ mặn ở giữa khu vực đồng bằng sông Cửu Long có thể đạt 4‰, mặn có thể xâm nhập sâu 45-60 km. Riêng đối với vùng ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn có thể vào sâu 45-60 km trong tháng 2 và có thể xâm nhập sâu 65-75 km trong tháng 3. Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, tình hình xâm nhập mặn lớn nhất mùa khô năm nay không cao như 2015-2016 nhưng tương tự năm 2020-2021, độ mặn 4‰ có thể tiến sâu 50 km vào sông Hậu.
Kim Anh
Bình luận