Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 18:01
Thứ hai, 22/04/2024 07:04
TMO - Từ đêm 19- 21/4, mưa to kèm dông lốc đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại các địa phương khu vực phía Bắc. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, thống kê thiệt hại và huy động các lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả để đảm bảo ổn định đời sống cho người dân...
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tháng 4-5 là thời điểm giao mùa ở khu vực miền Bắc. Sự đan xen giữa các khối khí nóng, lạnh thường gây ra các đợt mưa dông dữ dội, kèm theo nguy cơ lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia khuyến cáo, thời gian tới, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh vẫn tiếp tục xảy ra, có thể ảnh hưởng đến sản xuất và các hoạt động dân sinh. Do vậy, các các địa phương trong cả nước cần chủ động các phương án ứng phó kịp thời.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn cho biết, từ đêm 20/4 đến rạng sáng 21/4, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, có nơi mưa to cục bộ kèm gió lốc, gây thiệt hại lớn về nhà ở và hoa màu của người dân. Hiện chính quyền, cơ quan chức năng địa phương đang tập trung khắc phục thiệt hại để ổn định đời sống cho người dân.
Mưa lớn kèm dông lốc gây thiệt hại lớn đến nhà cửa và hoa màu tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Tổng hợp báo cáo từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, tính đến 15 giờ ngày 21/4, gió lốc xảy ra không gây thiệt hại về người. Tại huyện Văn Lãng, mưa kèm dông lốc đã làm tốc mái 144 nhà (trong đó có 20 hộ nghèo và 10 hộ cận nghèo), ước tính thiệt hại gần 170 triệu đồng; thiệt hại 26ha lúa, ngô, hoa màu. Mưa to làm nước cuốn trôi ao cá, diện tích khoảng gần 1ha, gió mạnh làm đổ gẫy 1 cột điện hạ thế 0,4KV… Tại huyện Tràng Định có 87 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng (trong đó có 34 căn nhà bị thiệt hại dưới 30%, 31 nhà thiệt hại hơn 30%; 15 nhà thiệt hại hơn 50%); hơn 34ha hoa màu bị gãy đổ, chủ yếu là cây ngô.
Ngay sau khi gió lốc kèm theo mưa lớn xảy ra trên địa bàn, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát, thống kê, đánh giá chính xác mức độ thiệt hại, thường xuyên trực 24/24 giờ và báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo quy định.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, chính quyền các cấp đã lập đoàn kiểm tra hiện trường, cùng với chính quyền địa phương huy động lực lượng tại chỗ, hỗ trợ, khắc phục các hư hỏng về nhà ở để ổn định đời sống cho người dân. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nhằm cảnh báo đến nhân dân về diễn biến bất thường của thời tiết, nâng cao ý thức phòng ngừa, chủ động phòng tránh rủi ro, thiên tai cho nhân dân.
Tại tỉnh Cao Bằng, mưa lớn kèm theo dông lốc mạnh đã gây thiệt hại lớn trên địa bàn các huyện Nguyên Bình, Hòa An, Trùng Khánh, Quảng Hòa, Hạ Lang. Dông lốc khiến 903 nhà ở bị tốc mái, trong đó, huyện Nguyên Bình 10 nhà; huyện Trùng Khánh 153 nhà; huyện Quảng Hòa 300 nhà; huyện Hạ Lang 421 nhà; huyện Hòa An 19 nhà. Điểm trường Trường Mầm non Chí Thảo (xã Chí Thảo), Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Háng Chấu (xã Cai Bộ, huyện Quảng Hòa); cổng trường Trường Trung học cơ sở Triệu Nguyên (xã Triệu Nguyên, huyện Nguyên Bình); Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn (huyện Quảng Hòa) bị tốc mái, đổ gãy.
Dông lốc cũng gây thiệt hại về nông, lâm nghiệp với trên 131ha cây ngô bị gãy đổ (huyện Hòa An 1ha; huyện Hạ Lang 10,48ha; huyện Quảng Hòa 119,9ha); 150 cây chuối; một số cây lâm nghiệp lâu năm bị đổ, gãy. Lưới điện hạ thế tại xã Ngọc Động, huyện Quang Hòa bị đứt; 10 chuồng trại gia súc; 2 nhà bếp tại huyện Hòa An bị hư hỏng tốc mái. Ngay sau khi nắm được thiệt hại do thiên tai gây ra, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy về Phòng chống thiên tai của tỉnh Cao Bằng đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo cùng chính quyền các địa phương tổ chức hỗ trợ người dân khắc phục theo phương châm 4 tại chỗ; đồng thời khẩn trương khắc phục các ngôi nhà bị hư hỏng để ổn định chỗ ở cho người dân.
Tại tỉnh Sơn La, mưa to kèm theo gió lốc đã làm tốc 337 nhà ở bị hư hỏng.
Tại tỉnh Sơn La, mưa to kèm theo gió lốc đã làm tốc 337 nhà ở bị hư hỏng, trong đó, huyện Thuận Châu có 271 nhà bị hư hỏng, trong đó 2 nhà đổ sập hoàn toàn; huyện Quỳnh Nhai có 60 nhà thiệt hại từ 30-70%. Giông lốc đã làm nhiều cây xanh đô thị bị gãy đổ; diện tích cây trồng hằng năm và lâu năm bị thiệt hại đang tiếp tục được thống kê…Riêng trên địa bàn huyện Phù Yên, trận giông lốc, gió giật mạnh đã làm mất điện toàn huyện; làm gẫy đổ 11 cột trên đường dây 110kV; 4 đường dây trung thế gồm 3 đường dây 35kV và 1 đường dây 22kV đều gặp sự cố. Hiện nay, có 13.000/47.000 khách hàng của Điện lực Phù Yên - Bắc Yên đã được cấp điện trở lại. Dự kiến 80% khách hàng sẽ được cấp điện trở lại trong ngày 21/4, việc khắc phục hậu quả sự cố điện sẽ hoàn thành trong 2-3 ngày tới.
Đã có 116 nhà ở thuộc các xã Chiềng Cọ, Chiềng Đen, Chiềng Xôm, Chiềng Ngần, phường Chiềng An và Tô Hiệu bị tốc mái hoặc sập mái; ước thiệt hại khoảng 300 ha mận hậu, xoài non tại phường Chiềng An, xã Chiềng Ngần, Chiềng Đen bị rụng và hư hỏng quả; hư hỏng 1 cột điện và 10 chuồng trại chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn xã Chiềng Đen, ước thiệt hại trên 3,7 tỷ đồng tại TP Sơn La.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ cho biết, mưa to kèm dông lốc xuất hiện bất ngờ vào ngày 20/4 đã gây nhiều thiệt hại về nhà cửa, cơ sở hạ tầng và hoa màu của người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Mưa dông đã làm một người ở xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao bị thương; 891 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó có 7 nhà bị đổ tập trung ở các huyện Thanh Sơn, Tam Nông, Yên Lập, Lâm Thao và thành phố Việt Trì. Mưa dông cũng làm 19 trường học bị hư hỏng, 12 trạm y tế, nhà văn hóa, cơ quan Nhà nước ở nhiều địa phương bị tốc mái. Toàn tỉnh có 4 cột viễn thông bị đổ, 7 nhà xưởng bị tốc mái, đổ sập, 134 cột điện hạ thế bị đổ, gãy. Mưa lớn kèm dông đã khiến gần 200ha lúa, 311,8 ha ngô và rau màu, 80 ha chuối và 137ha cây lâm nghiệp bị đổ, gãy; 1.500 con gia cầm bị chết. Tổng thiệt hại ước tính trên 34 tỷ đồng.
Để giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị, thành phố đã chỉ đạo các địa phương cử lực lượng tại chỗ giúp người dân dọn dẹp, lợp lại mái nhà bị tốc; bơm tiêu đối với các khu vực ngập úng. Đối với diện tích ngô, chuối bị đổ không có khả năng khắc phục, người dân chặt về làm thức ăn tươi cho gia súc gia cầm. Với diện tích có thể khôi phục, người dân tập trung dựng lại, bảo đảm sản xuất.
Nhiều diện tích hoa màu tại các địa phương hư hỏng do dông lốc.
Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ tỉnh Bắc Kạn dông lốc đã làm 588 ngôi nhà bị tốc mái. Huyện Ngân Sơn 63 nhà (trong đó có 39 hộ nghèo, cận nghèo); huyện Bạch Thông 30 nhà (trong đó có 11 hộ nghèo, cận nghèo); huyện Chợ Đồn 29 nhà (trong đó có 7 hộ nghèo, cận nghèo); huyện Na Rì 260 nhà (trong đó có 95 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình chính sách), huyện Ba Bể 174 nhà (trong đó có 15 hộ nghèo, cận nghèo….Gió to, mưa lớn cũng làm 179,95 ha ngô, thuốc lá, keo, mỡ, cây ăn quả bị gẫy đổ; 57 chuồng trại, lán bị ảnh hưởng; 1 cột điện đổ, 1 cầu treo bị tốc mặt cầu tại huyện Na Rì; 3 nhà văn hóa thôn, 2 trụ sở xã, 4 trường học bị ảnh hưởng… Thiệt hại ước tính đến thời điểm hiện tại khoảng 4 tỷ đồng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, các địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ hỗ trợ nhân dân khắc phục hư hỏng về nhà ở. Đối với cây trồng bị đổ, gẫy người dân chủ động chăm sóc để phục hồi; chính quyền địa phương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ), để nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống người dân.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Kạn, trong thời gian tới, thời tiết các khu vực trong tỉnh ngày nắng, đêm có mưa rào và dông rải rác, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Do vậy, người dân Bắc Kạn không thể chủ quan, phải có phương án di dời chỗ ở nếu thấy nhà có nguy cơ tốc mái, taluy có nguy cơ sạt lở cũng như chủ động trong công tác che chắn, gia cố chuồng trại, tự bảo vệ cây trồng, vật nuôi.
Tại tỉnh Thái Nguyên, đêm 20 và rạng sáng 21/4, mưa dông kèm theo lốc, sét gây ra thiệt hại về tài sản tại các địa bàn thành phố Phổ Yên, thành phố Sông Công và các huyện Định Hóa, Phú Bình. Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên, mưa dông kèm theo lốc đã làm 102 ngôi nhà, 1 điểm trường, 1 cơ sở y tế, 2 nhà văn hóa bị ảnh hưởng, tốc mái, hư hỏng về tài sản; 50 ha lúa, 82,7 ha hoa màu bị ảnh hưởng; trên 500 con gia súc, gia cầm bị chết; 17 cột điện gãy đổ; 39 công trình và hàng trăm mét tường rào bị đổ sập, hư hỏng... Tổng thiệt hại ước tính trên 5 tỷ đồng.
Ngay trong ngày 21/4, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các cấp chính quyền địa phương đã cùng người dân kiểm tra, rà soát, huy động lực lượng và phương tiện tích cực khắc phục hậu quả. Đến thời điểm hiện tại, công tác hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại khắc phục hậu quả thiên tai đã cơ bản ổn định...
Nguyễn Nam
Bình luận