Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 07:11
Thứ tư, 03/04/2024 10:04
TMO – Việc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp cũng là cơ sở để bảo vệ “lá phổi xanh,” nhất là trong bối cảnh thời gian qua ở nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng hồ, ao, đầm bị lấn chiếm, san lấp làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm chất lượng nguồn nước, ô nhiễm môi trường.
Tính đến đầu năm 2024, cả nước đã có 50/63 tỉnh, thành phố trực đã phê duyệt, công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn. Trong đó, tại khu vực miền Bắc có 20 địa phương đã công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp gồm: Hà Nội, Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam, Hưng Yên, Điện Biên, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Tuyên Quang, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Yên Bái.
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên có 15 địa phương đã công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp, gồm: Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Bình Thuận, thành phố Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Đắc Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng.
(Ảnh minh họa)
Các tỉnh, thành phố ở khu vực Nam Bộ đã phê duyệt, công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp, bao gồm: Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp, nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế theo từng giai đoạn; xây dựng quy định quản lý, khai thác, sử dụng đối với các hồ, ao, đầm có giá trị về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, việc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp cũng là cơ sở để bảo vệ “lá phổi xanh,” nhất là trong bối cảnh thời gian qua ở nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng hồ, ao, đầm bị lấn chiếm, san lấp làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm chất lượng nguồn nước, ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, việc hồ, ao, đầm bị lấn chiếm, san lấp cũng đã làm giảm hiệu quả trong việc tiêu thoát nước, phòng, chống ngập lụt trong mùa mưa; gây mất an toàn trong việc cung cấp nước cho sinh hoạt và các mục đích sử dụng nước thiết yếu trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước trong mùa khô…
Trước đó, ngày 10/6/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp, theo quy định của Luật Tài nguyên nước. Đến ngày 24/3/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có Công văn số 1493/BTNMT-TNN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đôn đốc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp.
PHẠM DUNG
Bình luận