Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 04:11
Thứ ba, 22/10/2024 08:10
TMO – Đây là một trong những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới nhằm nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là trong bối cảnh khu vực ĐBSCL đang đối mặt nguy cơ hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn.
Trước tình trạng khô hạn, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông do tác động của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đến sinh kế, đời sống sinh hoạt người dân khu vực ĐBSCL (đây cũng là vấn đề được nhiều người dân vùng ĐBSCL quan tâm), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tập trung triển khai một số giải pháp trọng điểm nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ như: Tiếp tục theo dõi dòng chảy sông Mekong để kịp thời dự báo, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành sản xuất cho vùng đồng bằng sông Cửu Long; Tăng cường hợp tác với các quốc gia thượng lưu trong quan trắc, giám sát và chia sẻ thông tin về số lượng, chất lượng nước, các tác hại do nguồn nước xuyên biên giới gây ra trên cơ sở các thỏa thuận, cơ chế hợp tác trong Hiệp định Mekong 1995.
Khô hạn, xâm nhập mặn, sạt lở tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.
Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước vùng ĐBSCL; Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo công tác quản lý và vận hành hệ thống; Xây dựng và công bố kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Cửu Long. Căn cứ kịch bản nguồn nước, đề nghị các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và UBND 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL xây dựng kế hoạch sử dụng nước phù hợp với kịch bản nguồn nước nhằm chủ động nguồn nước cho sản xuất, và nhất là nước cho sinh hoạt của Nhân dân trong vùng.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT sẽ triển khai các giải pháp trong Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long đã được Chính phủ phê duyệt; Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ nước, điều tiết nguồn nước, liên kết vùng… chủ động nguồn nước cấp cho sinh hoạt, kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL; Xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, mô hình số, bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định để đánh giá nguồn nước trên lưu vực trong điều kiện bình thường, thiếu nước nhằm hỗ trợ điều hòa, phân bổ nguồn nước trong vùng ĐBSCL; Nghiên cứu, triển khai các phương án xây hồ chứa để tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với đồng bằng sông Cửu Long nhằm tăng cường trữ nước, điều tiết nguồn nước.
Mặt khác, Bộ TN&MT sẽ đôn đốc các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương trong vùng ĐBSCL tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ, hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước và Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, nhất là các quy định liên quan đến điều tra, đánh giá quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, xói lở lòng, bờ, bãi sông; tổ chức khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác cát, sỏi lòng sông; quản lý chặt chẽ các hoạt động nạo vét, khai thác cát, sỏi trên sông, ngăn chặn triệt để, xử lý nghiêm hoạt động khai thác cát trái phép; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về khai thác cát, sỏi trên sông, hồ, vùng cửa sông ven biển; phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông…/.
PHƯƠNG ĐIỀN
Bình luận