Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 05:11
Thứ hai, 04/03/2024 08:03
TMO – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực phối hợp với các địa phương triển khai hiệu quả các giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn, đặc biệt đối với cây trồng.
Do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết, thiên tai ngày càng bất thường. Hiện tại, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đang có xu thế tăng theo kỳ triều cường. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn tại khu vực này ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, tương đương với năm 2020-2021, trong thời kỳ cao điểm (khoảng tháng 2 đến tháng 4 năm 2024) có thể xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn vào sâu các cửa sông.
Trong khi đó, các chuyên gia dự báo, dòng chảy thượng lưu về đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 3 và tháng 4 ở thấp, kéo theo xâm nhập mặn có khả năng xảy ra gay gắt, nghiêm trọng và kéo dài, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Cụ thể, chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất với ranh 4g/l trong tháng 3 tại các cửa sông Cửu Long phạm vi ảnh hưởng từ 45-55 km; sông Hàm Luông từ 62-65 km; sông Cổ Chiên, sông Hậu từ 55-60 km. Trên sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây) phạm vi ảnh hưởng từ 80-95 km. Như vậy, nguồn nước ngọt của các vùng cửa sông, trong tháng 3 và tháng 4 có khả năng sẽ khan hiếm kéo dài. Các địa phương cần tăng cường tích trữ nước ngọt tối đa và sử dụng tiết kiệm.
Triển khai các giải pháp ứng phó nguy cơ thiếu hụt nước sản xuất, sinh hoạt. Ảnh minh họa.
Tập trung ứng phó hiệu quả
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm hiện tại, hạn mặn 2023-2024 diễn ra đúng như dự báo từ sớm và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không gay gắt như các năm 2015 – 2016 và năm 2019 – 2020. Dự báo hạn mặn cao điểm sẽ vào tháng 3. Đợt này, có điểm sẽ bị xâm nhập mặn sâu từ 80 - 90 km. Để ứng phó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra các giải pháp và hiện các địa phương đang triển khai khá tốt. Tuy nhiên, thời tiết đang vào giữa mùa khô, cao điểm của xâm nhập mặn nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi kỹ dự báo, tích trữ nước ngọt tối đa và sử dụng tiết kiệm để ứng phó hiệu quả.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước tiên, các địa phương cần quan tâm đến việc tránh hạn mặn. Các địa phương ở khu vực có nguy cơ đã triển khai gieo cấy sớm để né hạn mặn đầu vụ; các diện tích này được thu hoạch trước xâm nhập mặn cao điểm; đồng thời đảm bảo tuyệt đối cho cây ăn quả, nhất là cây ăn quả có giá trị cao. Các địa phương đã tổ chức tích nước không tập trung, đào các ao hồ; đồng thời đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất. Những khu vực được xác định khó khăn về nguồn nước đã triển khai nhiều giải pháp như kéo dài đường ống, tích nước, làm hồ nước nhỏ…
Cục Thủy lợi cũng đã ban hành "Sổ tay hướng dẫn tạm thời kỹ thuật trữ nước phân tán, tưới hiệu quả cho cây ăn trái, áp dụng trong điều kiện xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024" để hướng dẫn các giải pháp trữ nước cho cây ăn quả. Các địa phương cũng đã chủ động triển khai xây dựng và tích trữ nước trong các ao hồ phân tán quy mô hộ, nhóm hộ gia đình để đảm bảo nguồn nước cho cây ăn trái trong thời gian xâm nhập mặn tăng cao.
Cùng với các giải pháp ứng phó trong sản xuất, các địa phương vận hành các công trình thủy lợi đã có cũng như đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình đang xây dựng để có thể phát huy hiệu quả sớm nhất. Các hệ thống công trình thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động kiểm soát xâm nhập mặn các khu vực cách biển từ 40 - 65km, với tổng diện tích khoảng 1,25 triệu ha. Theo đó, ở các cửa sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây), khả năng kiểm kiểm soát mặn của công trình thủy lợi cách biển từ 75 - 80km, đến vị trí Kênh Thủ Thừa thuộc hệ thống thủy lợi Nhật Tảo – Tân Trụ.
Ở cửa các sông Cửu Long, trên hệ thống sông Tiền, các hệ thống thủy lợi đã kiểm soát mặn cách biển từ 40 - 65km; trên sông Hậu, các hệ thống thủy lợi đã kiểm soát mặn từ 35-55km. Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đang kiểm soát xâm nhập mặn trên sông Cái Lớn – Cái Bé cho khoảng 384.000 ha sản xuất nông nghiệp khu vực ven biển Tây khá tốt. Dự kiến tháng 7/2024, công trình cống âu Nguyễn Tấn Thành cũng sẽ hoàn thành sớm hơn kế hoạch, đưa vào vận hành và khai thác nhằm ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ cho gần 100.000 ha sản xuất nông nghiệp và tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho gần 1,1 triệu dân của 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.
Trước đó, để kịp thời ứng phó hiệu quả với hạn hán, xâm nhập mặn, ngày 15/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 04/CĐ-TTg về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Công điện nêu rõ: Để chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi sát ảnh hưởng của El Nino, diễn biến thời tiết, nguồn nước, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình, dự báo ngắn hạn, dài hạn về thủy văn, nguồn nước, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên cả nước, đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long và khu vực miền Trung, Tây Nguyên để các cơ quan chức năng, các địa phương và người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, kiên quyết không để xảy ra bị động, bất ngờ. Đồng thời, tổ chức thu thập thông tin về tình hình nguồn nước, vận hành điều tiết của các hồ chứa thủy điện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, khai thác sử dụng nước của các nước ở thượng nguồn các sông xuyên biên giới để phục vụ công tác dự báo nguồn nước, nguy cơ thiếu nước về một số hồ chứa lớn ở Bắc Bộ và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.
Đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức theo dõi sát diễn biến và có dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước và nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn để cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân; đồng thời chủ động chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với diễn biến thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là thời kỳ cao điểm thường xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và UBND cấp tỉnh có liên quan chỉ đạo vận hành linh hoạt, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, các hệ thống thủy lợi nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, tối ưu nguồn tài nguyên nước, vừa bảo đảm nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, vừa bảo đảm nước cho phát điện, nhất là thời kỳ xảy ra nắng nóng cao điểm.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền Trung và Tây Nguyên: Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn; xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, trong đó hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục và các nhu cầu thiết yếu khác, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt./.
THIÊN LÝ
Bình luận