Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 16:01
Thứ tư, 03/07/2024 08:07
TMO - Riêng đối với khoáng sản cát, sỏi lòng sông ngoài việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, nhiều tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp giữa các Sở, ngành; ban hành quy chế phối hợp quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông tại các khu vực giáp ranh, các lưu vực sông,… thực hiện đồng thời nhiều biện pháp như quản lý chặt chẽ bến bãi, lập đường dây nóng, nghiêm cấm việc mua bán cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), để đánh giá đúng ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng khai thác cát cao hơn lượng cát bồi đắp lòng sông hàng năm tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần phải đầu tư nghiên cứu để có số liệu cụ thể minh chứng. Bộ TN&MT đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành các Nghị định với nhiều nội dung mới nhằm tăng cường công tác quản lý khoáng sản, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp khi được giao quyền khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, đã quy định cụ thể hơn trách nhiệm quản lý bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; hướng dẫn nội dung phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quy định rõ trách nhiệm của các cấp, quy định rõ trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu các địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Đồng thời, đã bổ sung thêm nhiều hành vi vi phạm, tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm từ 2 đến 3 lần, đặc biệt đã quy định riêng về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác cát, sỏi và đã tăng mức xử phạt cao nhất theo quy định nhằm đủ sức răn đe các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản.
(Ảnh minh họa)
Mặt khác, Bộ TN&MT đã thực hiện nhiều hình thức phổ biến pháp luật về khoáng sản; đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm của Bộ nội dung thanh tra, kiểm tra chuyên đề để xử lý các hành vi gây tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; phối hợp với các địa phương để nắm bắt thông tin, kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Nội dung Nghị định đã quy định rõ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép; quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp của các địa phương, của lực lượng cảnh sát đường thủy đối với việc khai thác cát, sỏi trái phép nhất là ở vùng giáp ranh giữa các địa phương. Nghị định đi vào cuộc sống đã góp phần rất quan trọng để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chấn chỉnh các hoạt động khai thác và vận chuyển cát, sỏi lòng sông.
Hiện nay, hầu hết các địa phương đã lập và phê duyệt quy hoạch khoáng sản, trong đó có cát, sỏi lòng sông; ban hành nhiều Chỉ thị, văn bản chỉ đạo điều hành, phê duyệt kế hoạch hoặc phương án bảo vệ khoáng sản, quy định trách nhiệm UBND huyện, cấp xã trong quản lý khoáng sản trên địa bàn. Riêng đối với khoáng sản cát, sỏi lòng sông ngoài việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, nhiều tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp giữa các Sở, ngành; ban hành quy chế phối hợp quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông tại các khu vực giáp ranh, các lưu vực sông,… thực hiện đồng thời nhiều biện pháp như quản lý chặt chẽ bến bãi, lập đường dây nóng, nghiêm cấm việc mua bán cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp. Được biết, đến nay các địa phương đã ban hành Quy chế quản lý cát, sỏi lòng sông ở những khu vực giáp ranh, có 652 bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng được cấp giấy phép hoạt động và chịu sự quản lý của chính quyền.
PHẠM DUNG
Bình luận