Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 12:11
Thứ ba, 15/08/2023 19:08
TMO – Các chuyên gia cho biết, Quy định chống phá rừng của EU được Nghị viện thông qua ngày 29/6/2023 và áp dụng từ ngày 30/12/2024 sẽ tác động lớn việc sản xuất cà phê tới đây. Do đó, ngành cà phê phải chuẩn bị và sẵn sàng khi quy định này có hiệu lực.
Theo đó, từ ngày 31/12/2024, EU cấm việc bán cà phê có nguồn gốc từ đất bị phá rừng hoặc đất bạc màu đã bị cấm. Quy định của EU yêu cầu các công ty bán cà phê ở EU thu thập tọa độ định vị của trang trại sản xuất cà phê. Các doanh nghiệp có thể kết hợp dữ liệu này với các công cụ giám sát vệ tinh. Những công cụ này kiểm tra xem các công ty có đáp ứng các yêu cầu của quy định hay không và xác định các khu vực tiềm ẩn có nguy cơ suy thoái đất và phá rừng. Đề xuất này cũng dán nhãn các quốc gia trồng cà phê là có rủi ro thấp hoặc rủi ro cao. Cà phê từ các vùng có rủi ro cao phải đáp ứng các yêu cầu thẩm định nhiều hơn so với các vùng có rủi ro thấp.
Quy định nhằm giải quyết nạn phá rừng, gây suy thoái rừng và giúp bảo tồn rừng để giảm lượng khí thải carbon và mất đa dạng sinh học. Theo đó, phạm vi hàng hóa sản xuất chịu áp dụng trong quy định này gồm: Gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ và một số sản phẩm có nguồn gốc từ chúng, chẳng hạn như da, lốp xe, hoặc đồ nội thất.
Theo quy định này bất kỳ nhà khai thác hoặc thương nhân nào đưa các mặt hàng này vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ thị trường này có khả năng phải chứng minh rằng các sản phẩm không có nguồn gốc từ đất rừng bị phá gần đây hoặc góp phần làm suy thoái rừng. Kể từ ngày 29/6/2023, các nhà khai thác và thương nhân sẽ có 18 tháng để thực hiện các quy tắc mới. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ sẽ được hưởng thời gian thích ứng lâu hơn, cũng như các điều khoản cụ thể khác.
Thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên.
Do vậy, đối với ngành cà phê, các nhà xuất khẩu phải đảm bảo họ không lấy nguồn cà phê từ đất bị phá rừng hoặc suy thoái. Chỉ khi đó, họ mới có thể xuất khẩu cà phê sang Liên minh châu Âu (EU). Việc tích hợp công nghệ kỹ thuật số là rất quan trọng để đáp ứng quy định về sản phẩm không phá rừng theo quy định.
Theo các chuyên gia, một khía cạnh quan trọng khác của quy định này là tăng khả năng truy xuất nguồn gốc. Đối với ngành cà phê, truy xuất nguồn gốc liên quan đến việc liên kết dữ liệu với một cá nhân hoặc một nhóm nhà sản xuất. Truy xuất nguồn gốc làm tăng yêu cầu thu thập dữ liệu cho tất cả các tác nhân trong chuỗi. Việc thu thập dữ liệu là cần thiết ở mọi giai đoạn của chuỗi cung ứng nếu các nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê muốn duy trì hoạt động tại thị trường EU. Để đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng cà phê, các tác nhân trong chuỗi cung ứng cần ghi lại dữ liệu mỗi khi hạt cà phê thay đổi chủ sở hữu. Bên cạnh tọa độ địa lý của khu vực sản xuất, các loại dữ liệu khác cũng cần được báo cáo như số lượng nhà sản xuất làm việc trên mỗi lô; số lượng và chất lượng của hạt cà phê; dự báo năng suất.
Hiện nay, các công ty cà phê có thể sử dụng các công cụ kỹ thuật số khác nhau để thu thập dữ liệu định vị địa lý, như: Các ứng dụng sử dụng GPS của thiết bị để vẽ tọa độ khi bạn đi bộ; máy bay không người lái có thể lập bản đồ bằng cách chụp ảnh từ trên cao; các nền tảng tinh vi hơn cho phép bạn vẽ các khu vực này từ bản đồ hoặc hình ảnh vệ tinh hiện có. Tất cả các yêu cầu dữ liệu nêu trên làm tăng tầm quan trọng của số hóa trong chuỗi giá trị cà phê.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích cà phê của Việt Nam tính đến hết năm 2022 đạt 710,66 nghìn ha, trong đó diện tích cà phê kinh doanh đạt 653,1 nghìn ha. Cà phê Việt Nam được trồng trên 19 tỉnh khắp cả nước nhưng chủ yếu tập trung tại 5 tỉnh Tây Nguyên, chiếm 91,2% tổng diện tích cả nước. So với các nước sản xuất cà phê trên thế giới, diện tích cà phê của Việt Nam chỉ đứng thứ 6 sau các nước: Brazil tổng diện tích gần 1,9 triệu ha, Indonesia tổng diện tích trên 1,2 triệu ha, Colombia và Ethiopia hơn 800 nghìn ha, Bờ Biển Ngà gần 800 nghìn ha.
Tuy là nước có diện tích cà phê đứng thứ 6 thế giới nhưng năng suất cà phê của nước ta đạt cao nhất thế giới. Năng suất trung bình cà phê của Việt Nam cao gấp 1,4 lần của Brazil, gấp 2,8 lần của Colombia và gấp 4,5 lần của Indonesia. Về sản lượng, niên vụ cà phê 2021-2022, sản lượng cà phê Việt Nam đạt trên 1,8 triệu tấn. Sản lượng cà phê của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, sau Brazil và là nước có sản lượng cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Năm 2022 khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 1,77 triệu tấn mang lại kim ngạch trên 4,05 tỷ đô la. Đây là mức kim ngạch xuất khẩu cà phê cao nhất trong những năm qua.
LÝ LAN
Bình luận