Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ sáu, 02/08/2024 12:08
TMO - Theo thống kê của Viện Vật lý Địa cầu, từ đầu năm 2024 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 222 trận động đất nhỏ, trong đó khoảng 98% số động đất xảy ra tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum).
Chỉ tính riêng trong tháng 7/2024, cả nước đã xảy ra 83 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 5.0, trong đó, có tới 82 trận động đất kích thích xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trận động đất còn lại xảy ra tại khu vực huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa vào ngày 21/7 với độ lớn 4.1.
Đáng chú ý là ngày 28/7 có tới 21 trận động đất; ngày 29/7 có 25 trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trong đó, trận động đất có độ lớn 5.0 xảy ra vào lúc 11h35' ngày 28/7 tại huyện Kon Plông được xác định là trận động đất mạnh nhất từng ghi nhận được ở khu vực này. Trận động đất 5.0 trên đã gây một số thiệt hại về nhà ở, ảnh hưởng đến tâm lý người dân trong khu vực huyện Kon Plong, đặc biệt là khu vực gần tâm chấn động đất. Thậm chí, một số người dân ở các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và thành phố Đà Nẵng cho biết cũng cảm nhận được sự rung lắc - khả năng là do dư chấn của trận động đất này.
Viện Vật lý Địa cầu cho biết các trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plông trong thời gian qua là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên. Động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ yên tĩnh hơn. Điều này liên quan chặt chẽ đến quá trình vận hành tích nước của hồ chứa thủy điện. Một số yếu tố liên quan đến động đất kích thích như mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước hồ chứa, tổng lượng nước sẽ tác động đến động đất. Tuy nhiên, những ảnh hưởng này có thể diễn ra sau vài tháng, vài năm nước khi ngấm đủ xuống bên dưới.
Khoảng 98% số động đất trên cả nước đã ghi nhận xảy ra tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum). Ảnh: HV.
Dự báo động đất kích thích tại Kon Plông khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ và sẽ kéo dài trong nhiều năm, có thể là 10 năm sau đó mới ổn định, tương tự như động đất kích thích xảy ra tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 ở tỉnh Quảng Nam do hai khu vực này cùng đặc điểm địa chất. Vì thế, cần tiếp tục triển khai nghiên cứu chi tiết hơn để đánh giá hoạt động động đất ở khu vực Kon Plông để có thêm thông tin chính xác hơn, qua đó triển khai giải pháp đầy đủ, cụ thể hơn.
Số liệu từ Viện Vật lý Địa cầu cho thấy sự gia tăng rõ rệt của hiện tượng động đất trong 5 năm qua. Cụ thể, năm 2019 là 52 trận; năm 2020 có 98 trận; năm 2021 có 183 trận; năm 2022 có 293 trận; năm 2023 là 353 trận. Đặc biệt, trong các năm từ 2021 đến 2023, số trận động đất tăng gấp 3 đến 6-7 lần so với năm 2019. Hiện tượng gia tăng này chủ yếu do xảy ra nhiều trận động đất kích thích gây bởi các hồ chứa đập thủy điện.
Theo Viện Vật lý Địa cầu động đất là loại hình thiên tai rất khó dự báo, đặc biệt là thời điểm chính xác xảy ra động đất. Vì thế, việc hiểu biết về động đất và cách phòng tránh là điều vô cùng quan trọng, nhất là những vùng có nguy cơ cao xảy ra động đất. Hiện nay, Viện đang duy trì hệ thống quan trắc động đất quốc gia gồm gần 40 trạm trên cả nước để theo dõi hiện tượng này. Ngoài hệ thống mạng trạm quốc gia, còn có các trạm địa phương quan trắc động đất kích thích ở các hồ đập thủy điện ở khu vực Tây Bắc và Quảng Nam.
Gần đây, Viện đã triển khai mạng trạm quan trắc địa phương ở khu vực Kon Tum (8 trạm). Các trạm quan trắc này giúp ghi nhận nhanh, chính xác các trận động đất ở các khu vực này, đây là nguồn số liệu đầu vào quan trọng phục vụ cho việc nghiên cứu đánh giá hoạt động động đất, phục vụ đánh giá an toàn đập và vận hành hồ chứa.
Theo quy định về phòng, chống động đất của Chính phủ, căn cứ vào tình hình hoạt động động đất, hàng năm, các địa phương cần xây dựng kế hoạch phòng, chống động đất phù hợp. Tại những nơi hoạt động động đất có nguy cơ cao gây hoang mang trong người dân, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng phòng, chống động đất.
Các kiến thức cơ bản về động đất, cách ứng xử khi có động đất xảy ra là rất cần thiết, nhất là đối với người dân ở các khu vực nằm trong nguy cơ động đất cao. Người dân khi ở trong nhà, nếu thấy động đất xảy ra, để bảo vệ mình khỏi các đồ vật rơi vỡ, hãy chui xuống dưới gầm bàn và đợi khi rung chấn không còn; không sử dụng thang máy đề phòng mất điện bất ngờ; ngắt hết các cầu dao khi sơ tán ra khỏi nhà đề phòng hỏa hoạn do quên tắt các thiết bị điện. Nếu đang ở ngoài đường, người dân hãy chạy ngay tới vùng đất trống, tránh xa các tòa nhà cao tầng, cây to và cột điện.../.
Lê Bình
Bình luận