Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 09:11
Thứ hai, 15/04/2024 08:04
TMO - Một trong những nhiệm vụ thời gian tới là thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái biển; Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, củng cố môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.
Theo đó, Báo cáo tại kỳ họp lần thứ Nhất của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho thấy, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Báo cáo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: Đối với các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, về kinh tế biển: Tỷ trọng GRDP của 28 tỉnh, thành phố ven biển đóng góp vào tổng GRDP toàn quốc từ năm 2018 đến năm 2022 là khoảng 49 - 51%, mục tiêu theo Nghị quyết là 65-70% GDP cả nước; Về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển: Đã tổ chức thực hiện điều tra thêm được khoảng 131.000 km2 vùng biển xa bờ ở tỷ lệ 1:500.000, nâng tổng diện tích điều tra cơ bản khoảng 375.700 km2 (khoảng 38% diện tích các vùng biển Việt Nam). Đã điều tra, đánh giá chi tiết trữ lượng, chất lượng nước cho 14 đảo; Về quản lý và bảo vệ các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo: Đến nay cả nước có 12 khu bảo tồn biển (KBTB) đã được thành lập với tổng diện tích khoảng 206.000 ha, trong đó có 185.000 ha biển. Hệ thống các KBTB tiếp tục được nghiên cứu mở rộng để đạt mục tiêu diện tích các KBTB chiếm 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.
(Ảnh minh họa)
Đối với việc phát triển kinh tế biển và ven biển, ngành du lịch đã có sự phát triển nhanh, khẳng định được vị thế, vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, tạo diện mạo mới cho hệ thống đô thị ven biển. Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại đang được hình thành nhanh chóng tại các địa phương ven biển. Các trung tâm du lịch biển hiện đại có tầm vóc quốc tế được hình thành; sản phẩm du lịch biển đa dạng như: du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, du lịch tham quan thắng cảnh, du lịch sinh thái biển…
Ngoài ra, kinh tế hàng hải đạt được nhiều thành tựu, năng lực vận tải ngày càng được nâng cao, đáp ứng từng bước nhu cầu vận chuyển; Ngành thủy sản giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, với quy mô ngày càng mở rộng, tốc độ tăng trưởng cao, tạo ra giá trị sản xuất lớn, có nhiều sản phẩm đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD; Việc khai thác và sử dụng tối đa các nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo được đẩy mạnh. Cả nước có 19 khu kinh tế ven biển nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt với tổng diện tích khoảng 871,5 nghìn ha…
Về nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Định hướng thực hiện đến năm 2030, theo các chuyên gia, cần chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để phấn đấu đạt được các mục tiêu theo Chiến lược đề ra, nhất là những mục tiêu, chỉ tiêu đang có xu hướng giảm và khó đạt. Tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về biển, đảo; thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết 36-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết 26/NQ-CP của Chính phủ, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái biển; Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, củng cố môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Bên cạnh đó, ưu tiên triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, như: Triển khai Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030; Triển khai thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển ở một số địa phương có biển theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội đã ban hành; Xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh;
Hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả các Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển, đặc biệt là Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; Tiếp tục đầu tư phát triển, hiện đại hóa hệ thống đô thị biển; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; kết nối phát triển kinh tế biển giữa các vùng, địa phương; Đầu tư đồng bộ cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biển; hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học biển, khai thác đáy biển sâu…/.
TÚ QUYÊN
Bình luận