Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 16:01
Thứ tư, 10/07/2024 11:07
TMO - Việc lập khu bảo tồn nhằm bảo vệ và bảo tồn nguồn lợi thủy sản, các loài sinh vật biển, loài quý hiếm nguy cơ tuyệt chủng, loài có giá trị kinh tế và khoa học sống trong khu; bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên; đa dạng sinh học biển gắn với phát triển du lịch sinh thái bền vững, cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân địa phương.
Khu bảo tồn biển vừa được UBND tỉnh Cà Mau thành lập tập trung chủ yếu ở 3 cụm đảo gồm: Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc. Khu bảo tồn này có tổng diện tích 27.000ha. Trong đó, diện tích các phân khu chức năng 18.000ha; phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 3.000ha; phân khu phục hồi sinh thái 11.230ha; phân khu dịch vụ - hành chính 3.970ha và vùng đệm 9.000ha. Đối tượng bảo tồn được xác định là hệ sinh thái san hô, bãi giống, bãi đẻ và các loài thủy sinh vật sinh sống trong khu vực bảo tồn; đặc biệt là các loài quý hiếm, loài có giá trị kinh tế và khoa học.
Mục tiêu cụ thể là bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, đặc thù và quan trọng như: Rạn san hô đảo Hòn Chuối và Hòn Hàng; bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên độc đáo của cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc để phục vụ cho nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, nghỉ dưỡng. Phục hồi, tái tạo tự nhiên kết hợp với nhân tạo hệ sinh thái rạn san hô tại các khu vực bị suy thoái xung quanh đảo Hòn Chuối và Hòn Hàng. Bảo vệ, phục hồi và phát triển quần thể của các loài sinh vật đặc hữu, quý hiếm có giá trị bảo tồn, đặc biệt các loài di cư; Bảo vệ các loài thủy sản. Giảm thiểu hoặc loại bỏ những tác động làm suy giảm chất lượng môi trường, cấu trúc của hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản và tài nguyên thiên nhiên. Tăng cường khả năng chống chịu của các hệ sinh thái trong khu bảo tồn biển, thích ứng với những biến động tự nhiên và biến đổi khí hậu.
(Ảnh minh họa)
Ngoài khu bảo tồn biển vừa được thành lập, Cà Mau có Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vường Quốc gia U Minh Hạ. Với Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, đây là khu rừng ngập mặn nguyên sinh lớn nhất nước cả nước, nơi tiếp giáp với biển Đông và biển Tây nên chịu ảnh hưởng cả hai chế độ thủy triều là bán nhật triều biển Đông và nhật triều biển Tây, là bãi đẻ của nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế, là điểm dừng chân của nhiều loài chim nước di cư trú đông. Tổng diện tích đất của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau khoảng 41.862 ha. Trong đó, khoảng 15.262 ha là diện tích vùng đất liền; còn lại 26.600 ha là diện tích vùng ven biển tiếp xúc với đất liền; được chia thành 4 phân khu chính: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (12.203 ha), phân khu phục hồi sinh thái (2.859 ha), phân khu hành chính dịch vụ (200 ha), phân khu bảo tồn biển (26.600 ha).
Theo thống kê, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có số lượng động thực vật sinh sống rất phong phú đa dạng, với khoảng 27/32 loài cây ngập mặn đã được phát hiện ở Việt Nam, khoảng 26 loài thú, 93 loài chim, 43 loài động vật bò sát, 139 loài cá khác nhau, với 9 loài lưỡng cư, 49 loài sinh vật phù du, và còn nhiều loài quý hiếm khác… Trong đó có hai loài nằm trong sách đỏ thế giới là khỉ đuôi dài, voọc bạc và bốn loài có trong sách đỏ Việt Nam. Năm 2009, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ được UNESCO đưa vào danh sách các Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Năm 2013, Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới công nhận Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau trở thành khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới.
Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển du lịch, trong đó có việc hoàn chỉnh, trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030; ban hành Bộ tiêu chí du lịch an toàn trong phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh, để bảo đảm an toàn cho khách du lịch đến với Cà Mau; đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông; tổ chức giới thiệu quảng bá du lịch Đất Mũi; tiếp tục vận hành, khai thác và duy tu bảo dưỡng các công trình trong Khu du lịch Mũi Cà Mau; đào tạo bồi dưỡng cho lực lượng tham gia hoạt động du lịch tại xã Đất Mũi. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Khu du lịch Mũi Cà Mau trở thành trọng điểm lớn nhất của tỉnh; là một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc, điểm đến quan trọng trên hành trình tham quan vùng đồng bằng sông Cửu Long của du khách trong nước và quốc tế.
Theo Đề án Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 giai đoạn tới, Việt Nam sẽ đầu tư nâng cấp 12 khu bảo tồn biển đã được thiết lập và đưa vào hoạt động; thành lập đưa vào hoạt động 4 khu bảo tồn biển trước năm 2025 (gồm Hòn Mê, Hải Vân-Sơn Trà, Nam Yết và Phú Quý). Đồng thời, quy hoạch các khu bảo tồn biển mới, hướng tới mục tiêu đưa 40 khu bảo tồn biển trong cả nước vào hoạt động. Việt Nam cũng xác định bảo tồn biển là một trong ba trụ cột để phát triển ngành kinh tế thủy sản…
Tính đến nay, cả nước có 12 Khu bảo tồn biển và Vườn quốc gia có biển gồm: Vịnh Nha Trang, Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Cồn Cỏ, Hòn Cau, Bạch Long Vĩ, Lý Sơn, VQG Bái Tử Long, VQG Cát Bà, VQG Núi Chúa, VQG Côn Đảo. Sáu khu bảo tồn biển đã hoàn thành quy hoạch chi tiết và đang hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt quy hoạch, đó là: Hòn Mê, Hải Vân-Sơn Trà, Phú Quý, Nam Yết, Cô Tô, Đảo Trần.
Hệ thống các khu bảo tồn biển này chiếm diện tích khoảng 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam, sở hữu gần 70.000ha rạn san hô, 20.000ha thảm cỏ biển và một phần rừng ngập mặn; phần lớn các bãi giống, bãi đẻ và nơi cư trú của các loài thủy sản kinh tế; gần 100 loài đặc hữu và nguy cấp. Hệ thống khu bảo tồn biển được thành lập không chỉ góp phần bảo đảm cân bằng sinh thái vùng biển, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo đảm chức năng điều hòa môi trường, cung cấp nguồn giống và nguồn lợi hải sản mà còn có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, quốc gia.
PHAN HUÝNH
Bình luận